Chuyện tình trên chiếc xe lăn

17/11/2015 21:21

Theo dõi trên

Có người phụ nữ nào trên cõi đời này lại chẳng khát khao lấy được tấm chồng “công thành danh toại”? Có người mẹ nào trên cõi đời này lại chẳng ước ao sinh hạ được những đứa con hiếu thảo, ngoan hiền? Mịn cũng vậy.

Nhưng đã 15 năm rồi, kể từ khi bước chân về nhà chồng, Mịn vẫn chưa một lần được làm “vợ”, chưa một lần được nếm hương vị ngọt ngào của hạnh phúc ái ân. Và bởi thế, 15 năm trường là cả hơn 5 nghìn đêm thâu Mịn thao thức, trằn trọc. Thương Mịn, xót xa cho Mịn, anh Vân trách cứ, xỉ vả mình: “Tôi ích kỷ quá, tàn nhẫn quá! Mình tôi khổ chưa đủ hay sao mà còn bắt thêm Mịn phải khổ?” Mịn mỉm cười, mắt ầng ậng nước: “Anh lại nói gở rồi. Chúng mình là vợ chồng, đã thề nguyền trao xương gửi thịt cho nhau rồi cơ mà. Hạnh phúc của anh cũng chính là hạnh phúc của em”. Cuộc tình đong đầy nước mắt ấy của Mịn đã làm xúc động hàng triệu trái tim đa cảm của cõi người.
 


Ảnh Hoàng Anh Sướng

"Tình yêu của chị bắt đầu từ tình thương"

25 năm về trước. Mịn mới 18 tuổi đầu, làm công nhân Xí nghiệp gạch Phú Yên (Hải Dương). Hồn nhiên, sôi nổi, mê tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết tình cảm của nữ sĩ Quỳnh Giao. Cùng tổ với Mịn có Mai, đẹp người, đẹp nết, khuôn mặt nhân từ, buồn như đức Mẹ. Hai đứa thân nhau, rồi nhận làm chị em kết nghĩa, chằm bặp nhau hơn cả ruột thịt. Một đêm tối trời, mưa dầm sùi sụt, rét cắt ra cắt thịt, hai đứa chùm chăn, kể lể nỗi niềm. Mai bảo, gia cảnh nhà mình buồn lắm. Cha đi đánh giặc, biền biệt phương trời. Mẹ ở nhà võ vàng chờ đợi. Lại nghe tin cha chết trận trên chiến trường Lào. Cảnh nhà cơ cực. Mẹ dằn lòng rời quê (Ninh Giang, Hải Dương), đưa anh Vân lên Đoan Hùng (Phú Thọ) làm ăn rồi... đi bước nữa. Dượng là người đàn ông goá vợ cùng lũ con thơ nheo nhóc. Cực lắm! Chục năm sau. Cha về. Mất mẹ. Buồn. Lấy vợ hai. Tháng 2 năm 1975, tròn 17 tuổi, anh Vân (cùng cha cùng mẹ với Mai) lên đường nhập ngũ. Chiến trường ác liệt. Anh đi biệt không về. Mấy năm sau, táo tác đi tìm, mới biết anh bị thương, nằm ở viện 108 với thương tật vĩnh viễn: mất 81% sức khoẻ. Trong một trận đánh khốc liệt để đưa xác đồng đội ra khỏi ổ phục kích của địch, anh bị trúng đạn. Viên đạn găm thẳng vào xương sống làm đứt tuỷ, vỡ xương. Từ ngực trở xuống bị liệt hoàn toàn. Khổ thân! Anh Vân chưa vợ...
 
Mai khóc. Mịn cũng khóc. Mịn thấy thương Mai quá. Thương cảnh biệt ly sầu thảm của cha mẹ Mai. Thương chàng trai chinh chiến Nguyễn Đình Vân trẻ tuổi mà tàn tật. Để rồi, vào một ngày nắng ấm, Mịn lử đử lên xe ô tô theo Mai lên Phú Thọ thăm Vân. Mịn kể: “Lần đầu tiên gặp anh Vân, chị sợ quá! Trời ơi! ánh mắt anh ấy sao mà buồn thế! Buồn đến sợ!” Nhưng nét buồn ấy đã nhanh chóng tan biến như vạt sương trước sức ấm nóng, hồn nhiên của Mịn. Anh Vân nói. Anh Vân cười. Anh Vân hát... Sáng nào, Mai cũng rủ Mịn ra múc nước giúp anh Vân đánh răng, rửa mặt. Chết nỗi, thoắt một cái, Mai lại biến đâu mất, để cho Mịn một mình, tay vò khăn mà mặt đỏ nhừ như gấc chín. Thì cha mẹ Mịn vẫn dạy: “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Trong nhà chỉ có mình với anh Vân, ngượng chết. Bốn ngày trôi qua, Mịn phải về xí nghiệp. Lúc chia tay, anh Vân bảo: “Mịn không bắt tay tôi à?” Ai dè, vừa sượng sùng chìa tay, anh Vân đã nắm chặt rồi ... tỏ tình. Trời nóng mà tay Mịn cứ run bần bật. Bất ngờ thế! Nhanh thế! Tình yêu nào đến kịp. Thực lòng, Mịn mới chỉ thấy thương thương thôi.
 
Đận khác, Mịn lại theo Mai lên Hà Nội thăm anh Vân điều trị ở bệnh viện 108. Vừa đến cửa, Mịn giật thót mình. Một cô gái từ trong phòng lao ra hành lang rồi ôm cột khóc rưng rức. Hỏi chuyện, Mịn mới vỡ lẽ. Cô ấy là người yêu cũ của anh Vân. Hai người cùng quê, đã từng thề non hẹn biển. Ngày kia, cô ấy đi lấy chồng. Dằn lòng lên gặp Vân - người thương binh tàn phế, nói lời vĩnh biệt. Mịn thấy trào dâng trong lòng một tình thương yêu vô hạn. Nước mắt mặn chát chảy giàn giụa trên khuôn mặt Mịn. Mịn thấy thương cảm, xót xa như chính mình là kẻ bị phụ bạc. Mịn quyết định thực hiện một điều lớn lao, nhân nghĩa.
 
Biết chuyện Mịn nhận lời kết hôn với anh chàng thương binh “liệt nửa người” suốt ngày gắn trên chiếc xe lăn, cả nhà Mịn phản đối. Mẹ Mịn nghiến răng chì chiết: “Ối Mịn ơi! Mày có nghe thấy người ta đang đồn rầm rĩ lên kia không? Mày có mở mắt ra mà nhìn ông hàng xóm tàn tật kia không? Chỉ khèo có mấy ngón tay thôi mà suốt ngày cáu bẩn với vợ như mắm thối ý. Mày mà cứ quyết trói mình vào thằng thương binh ấy là tao từ, tao từ, mày hiểu chưa?” Mịn chẳng nói gì, chỉ ngồi bưng mặt khóc rưng rức. Thì thiên hạ bỉ bôi gì, Mịn nghe thấy cả rồi. Họ bảo: “Chắc gì cái Mịn đã là “đàn bà”. Mà có đúng là đàn bà chăng nữa thì cũng suốt đời chỉ làm người hầu kẻ hạ cho thằng thương binh “mất khả năng làm chồng” thôi. Kẻ độc mồm độc miệng còn xe xé bảo: “Chắc là nó hận ai, nên mới trả thù ngu xuẩn thế. Hay là thằng Vân có “của chìm của nổi” gì?” Mịn đau đớn lắm! Uất ức lắm! Trời ơi! Tại sao người ta lại có thể bỉ báng, giẫm đạp lên tình yêu thánh thiện của Mịn, đức hy sinh thánh thiện của Mịn. Tại sao? Tại sao?
 
Đàn gà béo nục chăm bẵm mấy tháng trời để chuẩn bị cho ngày cưới, cả măng, cả miến..., Mịn thịt dần, chén hết. Để khỏi phải phiền lụy não nề. Khỏi phải đớn đau. Mịn muốn thoát ra. Quên hết. Nhưng trớ trêu thay, Mịn càng cố quên, càng vẫy vùng thì đôi mắt ngân ngấn nước của Vân, cái nắm tay xiết chặt của Vân, lời tỏ tình như van lơn của Vân cứ ám ảnh, cứ thít chặt. Mịn thở dài. Định mệnh rồi. Thà Mịn hy sinh tất cả chứ không đành lòng nhìn Vân chấp chới giữa bờ vực của sự sống và cái chết. 
 
Một ngày cuối thu năm 1988. Mịn bước lên xe hoa.

"Lấy nhau rồi mà chị vẫn khổ đến tận cùng"


Cho đến tận bây giờ, ngồi kể cho tôi nghe về cái “đêm ấy”, cái đêm cách đây những 15 năm, Mịn lại lã chã hai hàng nước mắt. Mịn không thể nào quên. Đêm tân hôn - đêm hạnh phúc nhất của đời người con gái. Nhưng với Mịn, đó là một đêm toàn nước mắt, đầy tiếng thở dài và sự vật vã đắng cay của người chồng bất lực. Anh ghì chặt Mịn trong vòng tay, thổn thức: “Anh xin em! Đừng bỏ anh”. Mịn khát khao được “thành vợ” - dù chỉ một lần. Mịn thèm muốn có một mụn con để bế bồng, ru nín. Những lần sau đó, Mịn đều cố giúp anh “thành chồng” song khát vọng nhỏ nhoi của hai con người tội nghiệp ấy mãi mãi không trở thành hiện thực. Tuyệt vọng, Mịn quyết định bỏ chồng về quê. Mịn chợt nhớ đến Bảo, người tình đầu tiên trong cuộc đời Mịn. Bảo cùng huyện, khác xã, kém Mịn 2 tuổi nhưng “chỉ vừa gặp nhau, đưa mắt một cái là hai đứa đã phải lòng nhau ngay”. Hai đứa say nhau như điếu đổ, ý hợp tâm đầu. Nhưng Bảo là con một, mẹ Bảo lại đành hanh nên “cấm không cho lấy con gái già, lại làm nghề đóng gạch hèn hạ, thấp kém”. Bảo hận đời, bỏ nhà, đi phương xa lập nghiệp, hẹn ngày kiếm được nhiều tiền sẽ về cưới Mịn. “Chị thương người ấy lắm. Nhưng chị có lòng tự trọng của chị. Vả lại, nếu không dằn lòng quên đi thì sẽ đẩy người ấy vào chỗ bất hiếu với bố mẹ.” Hôm quyết định kết hôn cùng anh Vân, Mịn đã trút lòng mình vào trang nhật ký: “Bảo ơi! Những ước mơ ta cùng nhau xây đắp giờ vĩnh viễn chỉ còn là mơ ước. Em đã bằng lòng làm vợ người ta và đầu tháng sau em sẽ tiến hành hôn lễ. Đến giờ phút này, chúng ta không còn là của nhau. Mịn rất muốn rằng tình cảm của hai ta dừng lại ở đây...”
 
Đang miên man trong miền hồi tưởng, Mịn đã đạp xe đến bến tự lúc nào. Sờ vào túi không còn một đồng, Mịn định bụng gán xe rồi muốn đến đâu thì đến. Bất chợt, Mịn nghe tiếng ai gọi mình cuống cuồng đến lạc giọng, thao thiết. Quay đầu lại, Mịn thấy Vân ngồi trên chiếc xe lăn, mồ hôi nhuễ nhoại, lao băng băng ra đường. Thế là Mịn nhảy ào xuống, khóc oà, không thiết đi đâu nữa. Sau này, khi vô tình đọc được những dòng nhật ký nhạt nhoà nước mắt của Mịn sau đêm tân hôn, Vân chợt hiểu vì sao Mịn lại ra đi: “Anh thương! Không bao giờ em quên được đêm đầu tiên chúng mình chung sống. Đêm đó, em rơi vào trạng thái bất ngờ... Và đến hôm nay, em biết rằng còn nhiều điều anh cố giấu để em khỏi thất vọng. Em hiểu nỗi mất mát của anh mà chiến tranh đã cướp đi, để bây giờ anh phải khát khao trước cuộc sống bình thường. Nhưng em có đủ nghị lực để vượt qua tất cả, thậm chí phải sống bên anh như một người bạn cùng giới...”
 
Khổ về tinh thần, Mịn còn phải sấp ngửa trong vòng quay nghiệt ngã của “gạo, tiền, cơm, áo”. Mẹ thì già, nhà nghèo, lại đông anh em. Đồng lương thương binh “quắt queo” của Vân toàn phải xin tạm ứng trước vài ba tháng. Cưới nhau được già nửa năm, vợ chồng Mịn ra ở riêng. Một tấc đất cắm dùi không có. Xã thương tình, cấp cho miếng đất giữa đồi rồi dựng cho căn nhà sàn ọp ẹp. Ngày ngày, Mịn phải xuống đồng mò cua bắt ốc kiếm bữa cháo, bữa rau. Thương vợ, Vân đánh liều, ngồi trên xe lăn, lao vù xuống đường quốc lộ 2, chặn xe, gào to: “Tôi là thương binh. Làm ơn cho đi nhờ!”. Vân buôn thập cẩm. Măng, dưa, củ, quả... rồi chuyển sang buôn giấy pháo, làm pháo. Cứ lôi cái “mác” thương binh với chiếc xe lăn ra mà chạy. Thế mà trúng đậm. Chỉ trong vòng 4 năm, vợ chồng Vân đứng ra cưới vợ cho thằng em trai, gả chồng cho hai em gái, lại còn dành dụm được ngót nghét 5 triệu đồng. Đang phất như diều gặp gió. Đùng một cái, Vân bị bục dạ dày. Mổ cấp cứu ở bệnh viện tỉnh Phú Thọ. Hai tháng sau. Lại bục. Lại mổ. 75 ngày, đi toi toàn bộ vốn liếng, tài sản. Nghèo lại hoàn nghèo.
 
Thật khó kể hết những chuyến đi cấp cứu của Vân. Trung bình mỗi năm, ít nhất là một lần. Mà lần nào cũng “thập tử nhất sinh”. Lần nào Mịn cũng “úm ba la... ba hồn bảy vía”. Tất tưởi ngược xuôi vay mượn, thức đêm thức hôm nâng giấc chồng. Vậy mà Mịn đâu đã được yên. Thường xuyên phải hứng chịu những cơn dằn hắt, cáu bẩn của chồng phát sinh do vết thương hành hạ. Có đận, hiểu lầm vợ bất hiếu với mẹ, Vân nổi trận lôi đình đấm, tát Mịn. Mịn ngồi im, cắn răng chịu. Đếm được cả thảy 34 cái. Đêm, tủi phận, Mịn khóc thầm. Biết vợ cả nghĩ, Vân lo lắm. Lén sờ tay lên mắt Mịn xem chị còn khóc không? Mịn bảo: “Biết là anh ấy bị bệnh tật hành hạ mới sinh ra thế nên chỉ chẳng giận. Ở với nhau mười mấy năm trời, biết thoi biết thóp nhau quá đi. Anh ấy yêu chị lắm đấy!” Rồi chị khinh khích cười: “Để không khí bớt căng thẳng, chị cứ tếu táo. Đưa anh Vân cái gương, chị “nựng”: Ê cu! Em cười lên! Em ạ chị đi rồi chị đưa cho”. Tay lách cách pha cốc nước chanh mời khách, chị vỏng vót: “Sếp ơi! Sếp uống nhé để em hầu”. Mỗi lần như thế, anh Vân nằm trên giường cười khình khịch, hiền khô như đứa trẻ. Mấy đứa em thấy thế, bảo: “Cái kiểu đùa của ông bà, trên trần đời chỉ có một”. Cả nhà cười vang. Chiếc giường lò xo của Vân rung bần bật.

Niềm hạnh phúc muộn màng


Tôi đã bắt gặp tiếng cười ấy khi vừa bước chân đến sân nhà chị. Tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái, không gợn một chút suy tư khiến tôi lặng im không dám lên lời, sợ phá vỡ cái không khí đầm ấm, hạnh phúc đang tràn ngập căn phòng chị. Tiếng cu Giang lảnh lót: “A! Mẹ lại thua rồi nhé! Bố Vân vô địch!” Thì ra hai vợ chồng chị đang đánh cờ vua. Đã thành nếp. Cứ sau bữa ăn trưa là anh chị lại đấu cờ dưới sự giám sát của “trọng tài” Giang. Anh Vân tủm tỉm: “Đời anh chị khổ nhiều quá rồi, bây giờ mới được chút thảnh thơi”. Tôi đưa mắt nhìn. Ngôi nhà trần thênh thênh bên đường quốc lộ 2 lộng gió. Giường tủ, bàn ghế mới coóng, bóng lộn... Chẳng còn thấy dấu tích của căn nhà ọp ẹp, cũ kỹ hễ gió là rung ầm ầm. Đây là món quà đầy ý nghĩa của Liên đoàn lao động Tỉnh Phú Thọ, Hội chữ thập đỏ huyện Đoan Hùng cùng Đơn vị xe tăng 406 trao tặng hồi tháng 3 năm 2003. Chị Mịn ríu rít khoe: “Từ hôm chương trình “Người đương thời” - truyền hình Việt Nam phát sóng về anh chị, ngày nào chị cũng nhận được thư từ khắp mọi miền đất nước gửi về. Có hôm nhận được đến 10 lá. Xúc động lắm em ạ! Đó là nguồn động viên tinh thần lớn nhất cho cả anh Vân và chị”. Tôi lần giở từng chồng. Dễ có đến ngàn chiếc. Có cả thư từ Ý, Pháp, Đức... gửi về. Bức thư nào cũng nghẹn ngào niềm cảm kích, ngợi ca đức hy sinh thánh thiện của chị dành cho anh. Nhiều bức thư xin được kết nghĩa chị em. Có lá thư xin được làm con nuôi anh chị. Và cả những lá thư với nhiều đoạn viết thế này: “Tôi rất cảm ơn chị! Chỉ trong chốc lát, chị đã thay đổi được tôi chút bỏ mọi mặc cảm với chồng, với bố chồng. Chị đã giúp tôi bỏ được tính cố chấp”. (Trích thư chị Trần Thanh Xuân, phường Phước Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh). Ông Hoàng Xuân Thịnh, 52 tuổi, vốn là bộ đội Trường Sơn, bị liệt do nhiễm chất độc màu da cam, thường trú tại Thị trấn Tân Yên, huyện Hàn Yên, tỉnh Tuyên Quang gửi bức thư dài kín 4 mặt giấy, trong đó có đoạn: “Những lúc bệnh tật như thế này, tôi nghĩ cũng tiêu cực lắm. Nhưng cuộc đời còn nhiều người tốt đến thế. Đời còn những người vợ, người mẹ, người chị như chị Mịn thì còn đáng yêu lắm chứ”...
 
Kể ra những lá thư chứa chan nhân tình này thì nhiều lắm. Thế mà Mịn vẫn chỉn chu phúc đáp đủ đầy. Mịn phân công rành rẽ. Anh Vân chữ đẹp, viết phong bì. Cu Giang viết cho các bạn đồng lứa. Còn đâu là Mịn. Chị sợ không hồi âm là có tội với nhân gian, với tình đời.
 
Có một niềm hạnh phúc lớn lao mà mỗi khi nhắc tới, cả ánh mắt của Mịn, của anh Vân đều sáng tươi lấp lánh. Đó là cu Giang. Giang là con thứ 3 của Mai - em ruột anh Vân, năm nay 12 tuổi. Thương anh chị cô quạnh, võ vàng, Mai cho cháu lên làm con nuôi, ăn đời ở kiếp với hai bác. Giang học giỏi. Suốt 5 năm liền là học sinh xuất sắc. Lại hiếu thảo với “mẹ cha”. Có lần, Mịn bị sốt, Giang đẩy xe lăn đi một lúc rồi mang về nào phở, nào thuốc, cam... Hai bố con động viên: “Mẹ cu Giang cố ăn đi cho chóng khoẻ”. “Thế con thấy phở có ngon không?” “Con ủn xe đưa bố đi mua để bồi dưỡng cho mẹ chứ nào có được nếm”. Mịn ôm choàng lấy con, nước mắt chị tràn ra, mặn chát. Người ta thường bảo: “Trong bất hạnh sẽ tìm ra hạnh phúc”. Có phải chị đã tìm thấy chút hạnh phúc nhỏ nhoi cho mình trong suốt hành trình “truy tìm” dằng dặc, gian nan?
 
Hoàng Anh Sướng

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện tình trên chiếc xe lăn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.