Chuyện gia đình 4 thế hệ sống chung một căn nhà trên đảo nổi giữa lòng TP Huế

16/01/2017 14:25

Theo dõi trên

Giữa dòng Sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế có một hòn đảo nhỏ hiện hữu, trên đó có cả một đại gia đình đã bao năm bám trụ, gắn bó với bao khúc nỗi niềm của dòng sông. Một đại gia đình với 4 thế hệ, 30 con người quây quần sống chung với nhau trong một căn nhà, cùng làm ăn sinh sống, cùng chung tay dạy dỗ lớp trẻ, cùng hưởng niềm vui và cả những khốn khó của cuộc đời bằng nụ cười hạnh phúc viên mãn.



Ngôi nhà này là nơi cư ngụ của gần 30 con người.

Bốn thế hệ với hơn 30 con người sống trên ốc đảo

Người dân khu vực cồn Hến, phường Vĩ Dạ, TP Huế sống sát đó vẫn thường gọi cù lao nổi này với cái tên “Đảo ông Sắt”. Về nguồn gốc tên đảo, một bậc cao niên ở cồn Hến cho biết, trước đây đó là một cù lao nổi ùm tùm lau sậy và cây dại. Sau có một đôi vợ chồng làm nghề chài lưới sống dưới huyện Phú Vang thường xuyên lên khu vực này buông chài, rồi khai phá, dựng nhà cửa định cư ở đấy. Đôi vợ chồng đó sinh được hai người con trai là Võ Văn Đá và Võ Văn Sắt. Khi lớn lên, ông Đá lấy vợ rồi về dưới xuôi sinh sống, riêng ông Sắt cũng lập gia đình và ở lại tiếp quản “cơ ngơi” bố mẹ dựng xây. Và dần dần để dễ nhớ người ta đặt tên cù lao này gắn liền với người chủ đảo, cái tên “Đảo ông Sắt” như thế mà ra đời.

Để ra được Đảo ông Sắt, không có con đường nào khác ngoài việc chèo thuyền ra. Chúng tôi phải vòng qua Đập Đá, sang khu vực Cồn Hến rồi xin đò quá giang đi Cồn Hến – Chợ Đông Ba mới đặt chân được lên đảo. Ốc đảo nằm biệt lập giữa sông Hương với diện tích chỉ khoảng 1.000m2. Trên đảo là sự mát mẻ bởi bóng râm của những cây cổ thụ và cơn gió nhẹ phảng phất thổi lên từ dưới dòng sông. Một cảm giác thật yên bình! Ông Võ Văn Quang (53 tuổi, con trai thứ 3 của ông Võ Văn Sắt) rót mời khách chén nước râu ngô đồng, người đàn ông với vẻ ngoài khắc khổ ấy cho biết, bố ông sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). “Ngoài một bà o lấy chồng trên bờ, còn lại mấy anh em sống dưới này hết. Thế hệ ông nội, bố tôi và mấy anh em tôi rồi đến thế hệ con cháu chúng tôi đều sống ở đây! Bao năm qua, biết bao chuyện buồn vui ở cái đảo nhỏ bé mà đời ông đời cha để lại này đã khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn, sống trong một đại gia đình với sự yêu thương đùm bọc chẳng gì sánh bằng!”, ông Quang tự hào chia sẻ. 

Theo lời ông Quang bộc bạch, thì hiện tại trên đảo có 6 hộ, với gần 30 nhân khẩu, họ đều là anh em cùng chung huyết thống. Lúc đầu là 3 hộ - là ba người con trai của ông Võ Văn Sắt là ông Võ Văn Khôi, ông Võ Văn Vinh và ông Võ Văn Quang. Sau này con cái của những người này lập gia đình thì tách thêm 3 hộ nữa là hộ anh Võ Văn Hiền, anh Võ Văn Cớ và anh Võ Văn Nam. “Tất cả đều sống chung trong một ngôi nhà hai tầng. Ngôi nhà này cũng là công sức của tất cả các thành viên trong gia đình tạo dựng nên. Người thì góp tiền, người góp sức cùng xây dựng. Phía trên là nơi thờ cúng gia tiên, phía dưới là nơi ở. Chỉ khi nào nước sông hương dân cao ngập tầng dưới thì mọi người cùng chuyển lên tầng trên ở, nước rút thì lại xuống. Bao năm qua, bao lần vẫn thế!”, ông Quang bộc bạch.

Căn nhà hai tầng được ngăn thành nhiều phòng nhỏ. Mỗi hộ được chia một phòng riêng để sinh hoạt cá nhân sau những giờ làm việc mệt mỏi. Cả 6 hộ nhưng chỉ có một gian bếp và một chỗ tắm rửa chung. Ông Quang bảo nhờ có cái bếp đó mà mỗi bữa ăn cả nhà đều quây quần bên nhau, chia sẻ được với nhau những khó khăn, những vướng mắc của cuộc sống. “Nhà thì phải có bếp, cái bếp chung ấy là nơi chúng tôi sum họp theo đúng nghĩa gia đình. Miếng ngon cũng chia đều cho nhau, chung nhau nhưng khi đói cơm lạt muối mùa nước lũ, cùng nhau dạy bảo lớp trẻ sống chan hòa, biết yêu thương nhau, biết giúp đỡ nhau cùng vươn lên. Đó cũng là điều mà cha ông chúng tôi dặn dò trước khi về với tổ tiên và được gìn giữ cho đến tận bây giờ!”. Trên đảo ngoài một điện thờ Mẫu nhỏ mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân vùng sông nước này. Những ngày giỗ chạp, tết nhất hay hỉ sự gì thì cả nhà đều chung tay làm. 

Chia sẻ về cách thức sinh hoạt hằng ngày, vợ ông Võ Văn Quang, làm nghề buôn bán cá ở chợ Đông Ba chia sẻ: “Vì điều kiện công việc, và cũng vì truyền thống gia đình cần gìn giữ nên chúng tôi nấu ăn chung, bếp có đủ chỗ cho tất cả mọi người nấu. Khi nào có dịp lễ hay giỗ chạp thì bà O trên bờ cùng gia đình bên ấy cũng tất tưởi giong đò sang đảo, đông vui không tả xiết!”, bà cười mãn nguyện.
 


Ông Võ Văn Khôi là người lớn tuổi nhất trên đảo.

Đại gia đình cùng nhau vượt bao sóng gió

Chia sẻ về những khó khăn, ông Quang cho biết: “Muốn lên bờ chúng tôi phải chèo thuyền bằng tay. Trời nắng ráo thì không nói nhưng hễ trời đổ mưa là rất vất vả. Tội nhất là lũ trẻ mỗi lần đi học. Mùa mưa bão có khi chúng phải nghỉ học. Mùa hè này mọi người đều ở dưới tầng 1, nhưng mỗi khi có giông bão, mưa to là tất cả chúng tôi lại lên tầng hai trú ngụ. Chỉ những khi đợt bão lớn mưa nhiều sơ lũ lụt thì bà O trên bờ lo sợ nên mời cả đại gia đình lên bờ sống tá túc nhờ chỉ ở lại một hai người đàn ông để trông coi. Nhớ đợt lũ 1999, nước ngập hết nóc nhà, đồ đạc trôi theo lũ hết. May mà mấy năm trở lại đây nước chỉ lấp xấp thềm nhà, vẫn gắng trụ được!”, ông Quang nói thêm.

Hiện nay, tuy trên đảo đã có điện, được đấu nối từ khu vực cồn Hến sang nhưng vẫn chưa có nước sinh hoạt để dùng, bởi vì vị trí địa lý biệt lập nên đường ống nước không dẫn đến được, nếu muốn dùng nước máy phải bỏ ra một số tiền lớn bắc ông nước bằng thép đặt dẫn dưới lòng sông. Ông bằng thép để không bị vỡ sau nhiều ngày sử dụng, và phải đặt ngầm dưới đáy sông dẫn qua vì mặt sông rất nhiều thuyền bè qua lại, sẽ cản trở giao thông. Cái thế khó quá, thế nên để có nước sinh hoạt hàng ngày cho cả đại gia đình 30 con người, mỗi buổi sang gia đình phải cắt cử 2 người chèo thuyền xách can sang cồn Hến mua nước. Nước đó chỉ dùng để nấu nước uống, pha sữa cho trẻ nhỏ và nấu nướng. Việc tắm giặt họ đều lấy nước từ dòng sông.

Mặc dù nghèo khó nhưng những đứa trẻ ở đây đều được đến trường, ăn học đến nơi đến chốn. Đảo đã có cử nhân đại học đầu tiên. Đó là trường hợp của em Võ Thị Thanh Vân, vừa tốt nghiệp ngành sư phạm Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế. Tiếp chuyện chúng tôi, Thanh Vân khá chững chạc và cởi mở. Kể về ngày tháng đi học, Thanh Vân toàn kể những câu chuyện vui khỏa lấp những khó khăn mà em vấp phải trong cuộc sống hằng ngày. Thanh Vân học cấp 1 ở trường tiểu học Phù Lưu ở cồn Hến, cấp 2 em học ở trường THCS Phạm Văn Đồng – Vĩ Dạ, cấp 3 em học trường THPT Gia Hội. Tuổi học trò của em gắn liền với những chuyến đò, những ký ức lênh đênh sông nước nhưng ở cô nữ sinh có dáng người nhỏ bé ấy vẫn không bỏ cuộc và quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo. “Nhớ nhất là có lần đi học vào đầu tuần thứ hai, mặc áo dài chào cờ. Vì vội vã lấy thuyền chèo vào bờ mà không để ý nên vấp phải cọc giữ kè. Thuyền bị lật, người sách vở, xe đạp rớt xuống sông. Ngậm ngùi bơi vào bờ, rồi phải nhờ bố và anh lặn lấy xe đạp lên. Được bộ áo dài bị ướt nên hôm đó đến lớp bị thầy cô khiển trách không đồng phục. Ngày hôm đó, em thấy tủi thân vô cùng. Nhưng nhờ có những điều đó lại càng khiến em quyết tâm hơn để có được thành công!”, Thanh Vân tâm sự với chúng tôi về một kỷ niệm mà em nhớ nhất trong những ngày đi học bằng thuyền.

Từ khi sinh ra và lớn lên trên đảo, Thanh Vân cho biết cũng có nhiều vị khách đặt chân lên đảo. Bạn bè Thanh Vân thỉnh thoảng có lên đảo thăm em. “Thích nhất là mỗi dịp khai mạc Festival, người dân từ cồn Hến thường chèo đò sang đây, trải chiếu ngồi rất đông để ngắm bắn pháo hoa, rồi mọi người cùng nhau hát hò nhảy múa rất vui”, Thanh Vân cười. Nhưng có một kỷ niệm mà Thanh Vân nhớ mãi về một nhóm khách đặc biệt. Đó là những học trò của em khi Vân thực tập sư phạm ở trường THPT Phan Đăng Lưu. Vì yêu mến cô giáo Vân hiền lành, dạy dễ hiểu nên lũ học trò lớp Vân chủ nhiệm “bí mật” ghé thăm nhà cô giáo. “Hôm ấy, cả lớp thuê hẳn một thuyền rồng đi ra đảo thăm em. Lúc ấy em vừa bất ngờ, vừa vui nhưng cũng vừa ái ngại. Mấy em học sinh ra đây chơi cả buổi, “khám phá” đảo, nấu ăn cùng với cả nhà, chơi trò chơi. Chúng cứ bảo cô có chỗ ở độc đáo quá, chỗ cô ở có một không hai!”, Thanh Vân lại cười. Mẹ của Vân chia sẻ: “Khó khăn vậy nhưng con bé đã cố gắng đến tận bây giờ để tốt nghiệp đại học, mong rằng nó có một công việc ổn định đúng như nó mong ước để niềm vui của chúng tôi (những người sống trên đảo) đầy đặn thêm!”. 

Dẫu bây giờ, những người sống trên đảo chủ yếu lao động bằng chân tay. Những người như ông Khôi, ông Quang đã già yếu, không còn đi làm. Vợ và con gái lớn của họ buôn bán nhỏ ở chợ Đông Ba, những người con trai đến tuổi trưởng thành người làm nghề sửa chữa xe máy, người làm thợ may dưới khu công nghiệp Phú Bài. Con dâu thì ở nhà làm thêm nghề làm vàng mã, bóc vỏ tỏi. Cuộc sống của những người trên đảo tuy chưa khấm khá, nhưng họ lại sống một cuộc sống yên vui thanh bình giữa trời mây sông nước, giữa sự sum vầy hạnh phúc mà ở thời bây giờ hiếm khi nào thấy được.
 
Ngọc Diệp

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện gia đình 4 thế hệ sống chung một căn nhà trên đảo nổi giữa lòng TP Huế" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.