
Chùa Linh Phước tọa lại tại phường 11, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Đi dọc đường xuống Trại Mát, cổng chùa nằm ở sát lề đường, hướng bên phải từ trung tâm thành phố đi xuống. Chùa nằm trên gò đất cao, thế đẹp, sau lưng chùa là con dốc trải dài, người ta trồng rau và hoa màu.

Được biết, chùa Linh Phước được khởi công xây dựng từ năm 1949, và mãi đến năm 1952 mới hoàn thành. Có nguồn tin khác cho rằng, chùa hoàn thành năm 1950. Tại sao chùa Linh Phước được gọi là “chùa Ve Chai”, vì chùa khảm nhiều mảnh sành sứ, nên gọi là “Ve Chai”.

Mặc dù chùa khảm bằng sành sứ, nhưng lối khảm hết sức tinh tế, tỉ mỉ, chính thế mà ngôi chùa có một nét đẹp lạ khác hẳn các ngôi chùa khác. Không những là ngôi chùa có nhiều mảnh sành sứ tạo tác, mà đây còn là ngôi chùa có tháp chuông cao nhất, tượng hoa bất tử lớn nhất Việt Nam, công trình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trong nhà bằng bê tông cốt thép cao nhất Việt Nam...

Từ khi khởi công xây dựng đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Chùa được kiến tạo bởi các nghệ nhân đến từ Huế là chính, đương nhiên là có sự đóng góp của nhiều tăng ni, Phật tử. Các mảnh sành sứ ghép tại chùa được mua và lấy từ nhà dân và các nhà máy bia rượu...


Bức tranh "sành sứ" vừa nghệ thuật vừa tâm linh. Trong hình có bánh xe chuyển Pháp. Ảnh: Huyền
Các mảnh được rửa lau sạch sẽ, sau đó được chia nhỏ, cắt ra từng mảnh để làm sao chúng ăn khớp nhau và tạo ra thẩm mỹ nghệ thuật, đồng thời mang tính tâm linh. Khi chúng tôi đến chùa Linh Phước, không gian yên tĩnh.

Các sư ai nấy đều tươi cười chào hỏi, rồi mời khách hành hương tham quan, hướng dẫn từng tý một. Đáng chú ý, trong chùa còn có tượng 5 thầy trò Đường Tăng.