Chùa Phúc Ân

18/10/2016 14:14

Theo dõi trên

Chùa Phúc Ân hay còn gọi là chùa Do Nghĩa thuộc thôn Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao. Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ 18) trên một quả đồi cao, thoáng đãng. Mặt chính của chùa hướng Đông Nam, theo thuyết phong thuỷ đây là hướng gió mát, có ánh sáng vừa phải với ý nghĩa đem đến cho muôn dân nguồn hạnh phúc đẹp đẽ, trong sáng.



Chùa Phúc Ân

 
Thờ Phật theo dòng Thiền đại thừa Việt Nam, chùa Phúc Ân có kiến trúc chữ Khẩu, gồm tiền đường, hai dãy hành lang và thượng điện. Toà tiền đường gồm 5 gian, 2 dĩ, 6 hàng chân cột. Có 4 vì kèo giữa kết cấu  theo kiểu chồng đấu kê, 2 vì đốc kết cấu chồng giường giá chiêng. Bộ khung gỗ được liên kết cột xà – kẻ chuyền, được đóng bén, bào trơn. Cái độc đáo ở toà tiền đường là tạo mái hiên rộng hơn để chắn nắng, gió, mưa, 4 mái lợp ngói mũi thời Lê nhưng chỉ có 2 đầu đao cong của mái trước. Toàn bộ các cột đều kê trên đá để chống ẩm và mối mọt. Phần cổ diêm làm song bưng ván. Ba gian giữa tiền đường làm cửa bức bàn, 2 gian bên bưng ván, xây tường gạch nhưng để lộ hàng cột 2 đốc chạy dài thông với hành lang nối thượng điện đã tạo sự bề thế cho ngôi chùa khi đứng ở mọi hướng.

Hai dãy hành lang chạy song song nối tiền đường với thượng điện thực chất bên trong mỗi bên ba gian. Tuy nhiên, nhìn từ phía sau lại là 6 gian dài thông suốt. Mỗi dãy có 3 hàng chân cột đứng đất với 1 hàng cột chấn đội trên xà ngang tạo thành hai mái nhà cân xứng mà diện tích không bị hẹp đi. Giữa 4 toà nhà nối tiếp nhau là sân lộ thiên lát gạch, được làm thấp hơn so với nền chùa…

Toà thượng điện được làm song song với tiền đường song được bố trí ở cấp cao hơn qua cách giật cấp. Thượng điện gồm 3 gian, 5 hàng chân, có 5 mái được làm theo kiểu “tiền tam, hậu nhị”, xây tường bít đốc, phần cổ diêm của mái trước được làm chấn song con tiện thông thoáng. Trần lát ván gỗ lim tiêu biểu cho truyền thống nhà cổ Việt Nam.

Với những gì còn lưu giữ lại được có thể thấy chùa Phúc Ân có kiến trúc khá đồ sộ, bề thế. Các chi tiết kiến trúc của chùa được đóng bén, bào trơn, mộng sàm chắc khoẻ, không đục chạm trang trí là đặc trưng thường thấy của những ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ 18.


 
 
Chuông đồng cổ còn được lưu giữ trong chùa.
 
Cùng với kiến trúc đồ sộ, ngôi chùa còn có 22 pho tượng được bày uy nghi: Tượng Đức ông – người cai quản đất Phật; tượng Già Lam, Chân Tể - có nhiệm vụ bảo vệ phật pháp; tượng Thánh Tăng – đại diện cho người đi tu hành, quản về tinh thần; tượng Diệu Nhiên – người cõi âm và Đại Sĩ – người cõi trời… Ở hai bên hành lang chùa có tượng Trừng Ác và tượng Khuyến Thiện – hình võ sĩ mặc áo giáp, đầu đội mũ được đắp bằng đất và làm to nhất so với những pho tượng tượng khác trong chùa. Ở toà thượng điện, tượng được ngồi trên động – đây chính là nét tiêu biểu ở chùa Phúc Ân. Tượng được bày theo từng lớp, theo đó lớp thứ nhất gồm có tượng Thích Ca, bốn bị thiên vương, Đế Thích và tượng Phạm Thiên ; lớp thứ hai gồm 3 pho tượng tam thế có hình khối cân đối và các pho tượng: Tượng Thị Kính, tượng thổ địa, tượng Phật bà và tượng Đường Tăng… Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị như: Chuông đồng, khánh đồng…

Với những giá trị về nghệ thuật kiến trúc, tạc tượng, ý nghĩa lịch sử, văn hoá, năm 1998, chùa Phúc Ân được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Hàng ngày, chùa đều có các thành viên của ban hộ tự, bà con, phật tử đến quét dọn, hương đèn, tụng kinh, hồi hướng cầu mong toàn thể nhân dân được mạnh khoẻ, bình an. Tuy nhiên, do trải qua thời gian xây dựng đã lâu, hiện nay nhiều cột gỗ, dui mè trong chùa bị mọt ong, mái dột cần phải được khẩn trương trùng tu, nâng cấp để bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống của ngôi chùa.

(Theo Báo Phú Thọ)

Vĩnh Hà
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Phúc Ân" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.