Chùa Hiệp Minh - Một di tích tâm linh độc đáo ở Cần Thơ (Kỳ cuối)

22/10/2021 10:31

Theo dõi trên

Trong quá trình phát triển ở Việt Nam, đạo Minh Sư đã góp phần phục vụ dân tộc, tham gia kháng Pháp, chống Mỹ. Nhiều Phật Đường của Minh Sư là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ.

bien-hieu-truoc-chanh-dien-1634643342.jpg
Biển hiệu trước Chánh điện

Đại Lão sư Nguyễn Giác Nguyên trụ trì chùa Nam Nhã Phật Đường được tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và chùa Nam Nhã Phật Đường được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

Những tín chủ phái này tôn thờ thuyết "phổ độ chúng sinh, chân tu tự thoát", sống theo Nho, tôn thờ Phật và đắc đạo thành tiên tại thế. Họ quan niệm, con người sống trong 3 cõi: Âm phủ, thế gian và cõi trời. Và họ đã nghĩ ra cách liên lạc giữa 3 cõi ấy với nhau qua hình thức cơ bút. Điểm khác biệt là cơ bút của trường phái này không gõ mà vẽ bóng chữ Hán hoặc chữ Nho trên mặt bàn.

Vào những năm đầu thế kỷ 20, những sinh viên của phong trào Duy Tân cũng đã đem cơ bút gõ kiểu Châu Âu từ Đạo Omoto của Nhật về Việt Nam.

Vào thời điểm đó, việc cầu cơ bút trở thành một phong trào thịnh hành ở các tỉnh phía Nam. Khắp Sài Gòn và các thị trấn, thị xã, đâu đâu người ta cũng thấy các quan chức lập đàn cầu cơ. Giới bình dân cầu cơ để trò chuyện cùng hồn ma bóng quế. Giới chức việc thì cầu cơ với Tiên, thánh để xướng họa thơ văn.

Tại chùa Nam Nhã Phật Đường giới trí thức yêu nước Duy Tân thường lập đàn cầu cơ (gọi là Đàn Cầu Tiên, gọi tắt là Đàn Tiên) trò chuyện với một vị Tiên trưởng xưng tên là Đinh Công Chánh để đánh cờ, làm thơ, bốc thuốc nam. Đinh Công Chánh là Thần hoàng Bổn cảnh vô hình của đình Bình Thủy (Cần Thơ). Thật ra, đó là những cuộc họp kín bàn việc kháng Pháp. Khi có người lạ đến, buổi họp kín trở thành buổi cầu cơ.

dscf0070-1634643496.JPG
Những pho y thuật thuốc Tiên viết chữ Nôm bằng tay

Trong số những người đến chùa cầu cơ xin thuốc Nam có ông Phạm Ngọc Ngưu rất tín ngưỡng Đàn Tiên. Sau khi học hỏi được cách lập Đàn Tiên, ông về khu vườn nhà mình ở rạch Cái Khế, Cần Thơ cất một căn nhà lá có sàn gỗ để lập đàn. Cùng trợ giúp việc xây cất Đàn với ông Ngưu còn có một số thân hào, trí thức như: Từ Thiện Phước, Trần Ngọc Diệm, Đoàn Hữu Lương, Hồ Anh Tuấn, Hồ Văn Vĩnh, Hồ Thị Chiêm, Trương Văn Giáp, Phan Chánh Tâm, Phan Thông Tánh, Phan Thông Ngạn, Phan Thông Ý, Phan Thông Giai… Ngôi Đàn ấy được tổ chức cầu cơ thỉnh Tiên cho thuốc chữa bệnh đầu tiên vào ngày 1-7-1907, thu hút hàng trăm người dân đến dự. Điều lạ là hầu hết những bài thuốc nam Tiên cho đều trị bệnh hiệu nghiệm như… thuốc tiên. Sau, Đàn Tiên này đổi tên thành chùa Quang Xuân.

Tương truyền rằng, bên vợ ông Ngưu có người tên là Phan Thông Lý, chức Hương Cả nên được gọi là Cả Lý. Ông Cả Lý cho rằng Đàn Tiên là trò nhảm nhí nên không tham dự.

Ông Cả Lý có người con trai thứ 9 tên Phan Thông Sung bỗng dưng ngã bệnh rồi câm hẳn. Xót con, ông Cả Lý buộc lòng đến Đàn Tiên xin thuốc. Chỉ sau vài thang thuốc, Phan Thông Sung có thể nói bập bẹ và dần dà chứng câm mất hẳn.

Thế là ông Cả Lý nguyện hiến 6.000 mét vuông đất để xây cất thêm 1 Đàn Tiên vào năm 1911, cách chùa Quang Xuân vài trăm mét để tỏ lòng tri ân thành kính. Ngôi Đàn này được người dân gọi là Đàn Chánh Minh, sau đổi thành tên Hiệp Minh.

Chùa Quang Xuân và chùa Hiệp Minh luôn gắn bó mật thiết với nhau trong mọi hoạt động. Tất cả các kỳ lễ, vía tín đồ đều hành lễ bên chùa Quang Minh trước rồi mới sang chùa Hiệp Minh.

goc-thien-san-sau-chua-1634643618.jpg
Một góc thiền sân sau chùa

Vào ngày 8-8-1916, Hội đồng Hương chức làng Thới Bình chấp đơn của ông Cả Lý xin được lập chùa. Đốc phủ Tổng Định Bảo, Cần Thơ chứng thực. Từ đó ngôi Đàn Hiệp Minh tức chùa Hiệp Minh chính thức hoạt động công khai.

Mỗi ngày đầu tháng (âm lịch) và rằm, "sám chủ" đều tổ chức cúng Đàn thỉnh Tiên.

Hiện nay, chùa Hiệp Minh vẫn còn lưu giữ rất nhiều bộ sách thuốc Nam bản gốc viết bằng chữ Nôm do ông Phan Thông Ngạn, pháp danh Hoa Linh thỉnh về từ chùa Tam Bửu ở Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang. Ông Phan Thông Ngạn cùng ông Phan Thông Ý đã dịch thành tiếng Việt để các lương y dễ nghiên cứu.

Ngày nay, những người hậu sinh trong họ tộc ông Cả Lý vẫn thay phiên nhau trông giữ cúng bái đều đặn di tích nơi Tiên từng về ngự.

Ở giữa gian tiền điện và chánh điện là một khoảng sân rộng trồng đầy hoa kiểng được gọi là sân Tiên Ngự. Giữa khoảng sân ấy có một bộ bàn đá sa khoáng, thuở xưa được ông Cả Lý đặt mua từ Pháp. Giai thoại kể rằng, chiếc bàn đá là nơi Tiên uống rượu, ngâm thơ và đấu cờ.

Ngoài vườn kiểng cạnh chánh điện có một tháp nhỏ được cho là nơi giam giữ những linh hồn ma quỷ quấy phá dân lành được xây vào những năm xảy ra nạn dịch tả được gọi là tháp quỉ.

tuong-quan-the-am-o-san-chua-hiep-minh-1634643532.jpg
Tượng Quan Thế Âm ở sau sân chùa Hiệp Minh

Người tế tự cho biết, ngôi tháp này chưa từng được khai mở để xem bên trong có gì. Những bô lão địa phương cho biết, ngày xưa còn bé con, các cụ hay đến tháp quỉ gõ tay vào. Mỗi lần bị gõ, bên trong tháp vang lên tiếng lộc cộc đáp trả khiến mọi người hoảng vía ù té chạy. Trong lần giáng thế cuối cùng, các Tiên giáng cơ e ngại đời sau tò mò mở tháp nên đã đưa hết các linh hồn tội lỗi đi nơi khác. Từ đó, tháp không còn vang tiếng lộc cộc mỗi lần bị gõ nữa.

Đặt biệt, trước sân chùa có một cột phướn cao 25 mét do ông Phan Quang Ân hiến cúng từ thuở mới lập chùa. Hàng năm, chỉ thượng phướn vào 2 dịp: Lễ Vu Lan và tết.

Hiện nay, Đàn Tiên Cái Khế được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tp Cần Thơ quản lý về mặt tổ chức. Dù Tiên không giáng thế nữa nhưng di tích Đàn Tiên vẫn còn để người dân địa phương có niềm tin hướng về cõi chân, thiện, mỹ./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Hiệp Minh - Một di tích tâm linh độc đáo ở Cần Thơ (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.