Một góc Mỹ Thiện tự thuộc địa bàn phường Mỹ Đông.
Nếu kiến trúc chùa Mỹ Thiện có đôi phần đặc biệt với dáng dấp lạ-“hai phần chùa, một phần đình” thì những đường điêu khắc chạm trổ trên từng khung cửa, khám thờ, hoành phi, câu đối và những pho tượng thờ tự lại thể hiện một nét hồn vừa thanh thoát vừa không kém phần tinh tế, sâu sắc. Tuy nhiên, điều chúng tôi ấn tượng có lẽ là những pho tượng được thờ tự nơi Chánh điện và nhà Tổ. Có thể nói, chùa Mỹ Thiện không chỉ lưu giữ bên mình những lớp thời gian của hơn 100 năm mà còn bảo tồn khá nguyên vẹn một hệ thống tượng thờ với đủ chất liệu như một trong những minh chứng đặc sắc về tiến trình phát triển của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nơi già lam này có những pho tượng làm bằng đất sét (tượng ba ngài Bồ Tát nơi Chánh điện), lại có tượng ngài Quán Thế Âm bằng gỗ mít nguyên khối được sơn thếp vàng óng, bên cạnh đó là tượng Đức Bổn Sư bằng đồng được tạc theo phong cách Phật giáo Nam tông, cuối cùng là những pho tượng được kết cấu bằng chất liệu xi măng nhưng vẫn mang những nét hồn nhất định...
Người nghệ nhân xưa đã đặt tâm huyết, sự khéo léo để tạc nên những dáng hình, những nét mặt, những sóng áo phần nào thể hiện cốt cách, thần thái của thế giới nhà Phật. Đó là Đức Bổn Sư Thích Ca với thần thái thiền tọa nơi liên đài, đó là ngài Quán Thế Âm mang đức từ bi để cứu độ, đó là ngài Đạt Ma Tổ Sư với nét mặt hiền hòa, nghiêm nghị... Phải chăng những nghệ nhân xưa muốn thể hiện về một cuộc sống yên bình, an lạc nên đã tạc nên những bức tượng như trên-những bức tượng của trí tưởng tượng nhưng đượm nét hồn, nét tinh tế.
Thời gian đã phủ dày rêu phong trên những mái ngói, trên những bức vách đá vôi loang lổ, song chùa cổ Mỹ Thiện vẫn chứa đựng trong mình lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, bởi những đường nét điêu khắc điêu luyện đượm chất đượm hồn. Đây là di sản quý giá, là một trong những địa chỉ du lịch tâm linh hiếm hoi cho những ai hoài cổ.
Theo Phạm Thị Tính (NTO)