Chủ tịch nước: Giữ gìn văn hoá dân tộc mới bảo đảm quy hoạch tổng thể quốc gia toàn diện

08/01/2023 15:10

Theo dõi trên

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là thời kỳ dài, hội nhập sâu thì văn hóa dân tộc cần phải giữ gìn hơn nữa trong quá trình phát triển thì mới bảo đảm quy hoạch tổng thể quốc gia toàn diện.

chu-tich-nuoc-1672976-1673165356.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận sáng 6/1.

Sáng 6/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Văn hóa còn, đất nước còn"

Nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc quy hoạch chiến lược kéo dài gần 30 năm cần lưu ý yếu tố về quy hoạch khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố hàng đầu để quyết định thành công của quy hoạch chiến lược và thực hiện các kịch bản tăng trưởng.

Chủ tịch nước cũng nhìn nhận, quá trình quy hoạch trong thời kỳ biến đổi sâu sắc, do đó yêu cầu của quy hoạch là phải giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn con người, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Quá trình thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ tịch nước đề nghị cần tiết giảm chi phí, nguồn lực trong thực hiện quy hoạch; phải có hành lang phát triển mới, đậm nét hơn, nhất là hành lang kinh tế Đông – Tây.

Chủ tịch nước cũng lưu ý thể chế phải đi cùng với sự phát triển; quan tâm phát triển đô thị trung tâm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thành các cực tăng trưởng của đất nước; quá trình thực hiện phải tuân thủ và bảo đảm tính liên tục, kế thừa của quy hoạch…

Nhận định việc chưa quy định cụ thể phương pháp tích hợp các hợp phần trong quy hoạch quốc gia tích hợp nội dung trong quy hoạch tỉnh, thành phố, chưa có hướng dẫn về bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu tích hợp gây khó khăn cho địa phương, do đó Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ cần quy định cụ thể để tháo gỡ cho địa phương, trong đó Chính phủ cần ban hành Nghị định cụ thể làm rõ bước đi, cách làm, tránh phức tạp trong quá trình thực hiện quy hoạch tích hợp.

Khẳng định giữ gìn văn hóa dân tộc để bảo đảm phát triển bền vững, trên tinh thần "văn hóa còn, đất nước còn", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chúng ta đang ở thời kỳ dài, hội nhập sâu thì văn hóa dân tộc cần phải giữ gìn hơn nữa trong quá trình phát triển thì mới bảo đảm quy hoạch tổng thể quốc gia toàn diện trong tổ chức thực hiện với một đất nước có truyền thống văn hóa như Việt Nam.

dbqh-van-thi-bach-tuyet-16729-1673165401.jpg
Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết nêu ý kiến thảo luận

Văn hóa là trụ cột đảm bảo sự phát triển hài hoà, bền vững

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đóng góp ý kiến về phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và sắp xếp lại các bảo tàng quốc gia theo hướng hiện đại, số hóa các di sản, bảo vật quốc gia.

Đại biểu cho biết, theo khảo sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, việc số hóa di sản đang được thực hiện nhưng còn manh mún, dẫn tới thiếu điều kiện bảo quản các tài liệu quý. Theo đại biểu, việc đưa vào quy hoạch sẽ giúp chúng ta có điều kiện để thực hiện việc này.

Đối với nghệ thuật biểu diễn, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có sự khuyến khích, đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở và tổ chức biểu diễn ở các cơ sở này. Đồng thời có cơ chế đầu cho các sơ nghiên cứu, đào tạo quốc gia và có cơ chế khuyến khích cho tư nhân tham gia.

Đại biểu cho rằng việc duy trì một số loại hình nghệ thuật hiện còn nhiều vấn đề tồn tại khiến một số loại hình không còn sự kế thừa. Đại biểu đề nghị cần đưa vấn đề này vào quy hoạch tổng thể quốc gia, có chính sách, cơ chế cho tư nhân tham gia để tiếp tục duy trì, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Đối với lĩnh vực thể dục thể thao, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng cần có định hướng phát triển thể chất cho người dân. Theo đại biểu, trong quy hoạch hiện mới chỉ tập trung cho thể thao thành tích cao mà chưa đề cập đến thể thao cộng đồng.

Đại biểu Bạch Tuyết cho rằng mảng thể thao cộng đồng rất quan trọng, đặc biệt đối với khu vực đô thị, vì vậy cần có chính sách phù hợp để tạo kiểu cho người dân tập luyện. Ở các trường học cũng cần có quỹ đất, có sự đầu tư để trẻ em có điều kiện rèn luyện thể chất, nâng cao thể lực, tầm vóc.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TP HCM) nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hoá, khẳng định văn hóa là trụ cột đảm bảo sự phát triển hài hoà, bền vững. Do vậy, cần có cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư, khai thác nguồn lực từ xã hội.

Theo đại biểu, nhu cầu đầu tư cho văn hóa là rất lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân nhưng hiện đang thiếu cơ chế cho các nhà đầu tư này. Trong quy hoạch đưa ra 5 đối tượng đầu tư nhưng không có đối tượng về văn hoá, thể thao. Đại biểu đề nghị cần mở rộng đối tượng đầu tư, xem xét lại hạn mức đầu tư ở một số lĩnh vực khác để có nguồn cho văn hoá, thể thao.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) cho rằng cần có cơ chế đầu tư PPP ở lĩnh vực văn hoá, thể thao. Theo đại biểu, việc áp dụng đầu tư PPP sẽ giúp khai thác lĩnh vực này hiệu quả hơn, giúp khái thác nguồn lực từ xã hội.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Chủ tịch nước: Giữ gìn văn hoá dân tộc mới bảo đảm quy hoạch tổng thể quốc gia toàn diện" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.