Chợ cù lao bên kia sông

17/08/2018 14:57

Theo dõi trên

Nói đến chợ cù lao, người ta nghĩ ngay đến khu chợ nghèo, thiếu thốn đủ thứ vì cách trở đò giang, nằm giữa bốn bề sông nước. Tôi cũng thế, mang “mặc định” ấy qua bên kia sông thăm chợ Trà Mơn (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên). Nhưng không, ngôi chợ có nét rất riêng: đủ sầm uất ở miền quê, đủ thanh bình ngay nơi dân cư đông đúc.

“Cái chợ có từ hồi nào và bao nhiêu tuổi?”, chắc khó ai trả lời được. Nhưng ắt hẳn, nó đã ra đời cùng với thuở khai hoang lập ấp, bắt đầu những khoảnh chợ nhóm ban sáng nơi người dân thường qua lại, rồi phát triển thành chợ kiên cố như ngày nay. Chúng là nhân chứng lịch sử cho bao thăng trầm của quá khứ, gắn liền với từng người dân, từng cảnh đời riêng biệt. Chúng còn là nơi gửi gắm, kỳ vọng niềm tin “đủ ăn đủ mặc”, “ăn ngon mặc đẹp” trong lòng bất kỳ ai.
 


Một góc chợ Trà Mơn
 
Ông Nguyễn Tấn Phong (sinh năm (SN) 1964, Trưởng ban Quản lý chợ Trà Mơn) nhớ lại: “Nguyên cái xã, chỉ có chợ Trà Mơn, ngoài ra còn có chợ “chồm hổm” đầu cồn rất nhỏ. Trước đây, chợ cũ nằm phía bên kia con đường, rồi được dời qua đây cho thuận tiện hơn. Nói là “chợ mới”, chứ từ khi di dời đến nay đã ngót nghét 20 năm, tiểu thương lên đến vài trăm hộ, mua bán ổn định. Hầu như trong chợ không thiếu mặt hàng gì, giá cả rất bình dân, chẳng ai nói thách nên dễ mua, dễ bán.
 
Tuy cách trung tâm TP. Long Xuyên 1 con sông, nhưng họ lấy hàng khá thuận tiện, xe tải chở về tận nơi. Chợ bán suốt ngày, có khi đến 9-10 giờ khuya mới dọn về. Mà đặc biệt nhất là hàng bông và hàng cá là không cần nhập ở đâu về. Người dân tự trồng, tự cào lưới, đánh bắt hoặc nuôi bè rồi đem ra cân bán lại cho tiểu thương. Bởi vậy, mặt hàng nào cũng tươi roi rói, rẻ rề. Cá đồng thì ê hề, đủ thứ hết, không quý hiếm như chợ thành thị”.

Ở ngay mặt tiền chợ, gia đình anh Thạch Thiên Đăng (SN 1990) mới bắt đầu bán tạp hóa 5-6 năm nay. Anh Đăng bảo: “Nói chung việc mua bán ổn định. Chỉ có cái khó hơn ở chợ bình thường là quá trình nhập hàng chậm, đặt hôm nay thì hôm sau mới có, nhân viên tiếp thị cả tuần mới qua 1 lần. Nếu ở chỗ thuận tiện đường sá, đặt hàng là có ngay, không sợ mất khách. Hy vọng, mai mốt sẽ có cây cầu bắc qua bên kia sông, cho chúng tôi mua, bán thuận tiện hơn”.
 
Sâu vào trong nhà lồng chợ một chút, chị Dương Thị Thanh Thảo (SN 1976) đang bận rộn chào hàng quần áo cho khách. Nghe tôi hỏi chuyện về chợ cù lao, chị bật cười: “Chèn ơi, tôi biết gì đâu mà nói! Hồi đó còn con gái thì học nghề thợ may. Tới lúc lấy chồng, có tuổi một chút thì bỏ nghề may, chuyển qua bán vải, quần áo may sẵn. Muốn nhập hàng, cứ qua chợ Long Xuyên lựa, rồi cho xe lôi chở về. Mỗi chuyến vậy tốn cả trăm ngàn đồng tiền xe đó”.
 
Đang mua mấy bộ đồ học sinh cho cô con gái vừa lên lớp 5, chị Hồ Thị Thắm (SN 1976) góp lời: “Tôi thường mua sắm ở chợ này hơn qua chợ lớn, vì quen mặt người bán, yên tâm mua không sợ bị gạt. Ở quê, gặp nhau ngoài chợ là luôn miệng hỏi thăm về cuộc sống, chuyện làm ăn… tình cảm lắm”.
 
Qua những câu chuyện họ kể, tôi hình dung được: có những tháng ngày thăng trầm, khốn khó, không ít người dân phải bỏ quê, đi nơi xa kiếm sống. Có người vướng thua lỗ nuôi cá, riết rồi bán bè, bán nhà, bán đất, cũng rớt nước mắt xa quê. Có người gắng gượng, chờ tới mùa lễ, tết để bán hàng chạy hơn một chút, kiên nhẫn gầy dựng lại công chuyện làm ăn, từ đôi bàn tay trắng.
 
Những hôm ấy, họ ra chợ mà món đồ 100.000 đồng chẳng dám móc tiền ra mua, “quên” sắm sửa bộ quần áo mới cho con. Như chị Thắm, vừa nuôi cá lỗ, vừa lo chồng con bệnh liên miên, chị vừa làm mẹ, vừa làm cha chống đỡ cả gia đình. Gần đây, chồng con chị khỏe nhiều, mớ cá nuôi được giá, cả nhà như “sống lại”. Chị mua đồ cũng thoải mái hơn, bữa cơm ngon hơn, không còn phải giấu nước mắt mỗi lần đi chợ nữa…
 
Tôi gặp ông Võ Cơ (SN 1937, ngụ tổ 21, ấp Mỹ An 2) khi ông đang bần thần bán vé số. Ông quê ở Bình Định, nhưng lưu lạc, lập gia đình ở cù lao. Thấm thoắt gần 50 năm trôi qua, ông chưa một lần về cố hương, xem Mỹ Hòa Hưng như xứ sở của mình. Các con, cháu trưởng thành, đi xa lập nghiệp. Vợ ông buông tay ông, mất cả chục năm trước. Giờ, ông sống cùng dâu, cháu. Ông không nghe lời các con, quyết định bán vé số mỗi ngày. “Tôi đi bán cho đỡ buồn, có 50 tờ chứ nhiều gì đâu. Sáng sáng, tôi lội bộ đi giáp cù lao, coi như tập thể dục. Nếu còn nhiều, tôi lội ra chợ, có người thương tình mua hết” - ông cười thật hiền.
 
Trong mỗi bước chân của ông, chất chứa nhiều ký ức. Đó là miền quê xa xôi mà ông muốn một lần trong đời được quay về thăm. Đó là ký ức những ngày vợ ông đi chợ mua đồ về, vun vén nhà cửa. Đó là những hoài niệm về cuộc sống bình yên ở cù lao này, nơi chắt chiu cho ông một gia đình hạnh phúc. Bước chân ra chợ cũng như lòng người: chơi vơi, thương nhớ!

Theo Tin tức miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "Chợ cù lao bên kia sông" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.