Chiếc khăn Rằn gắn liền với người con gái miền Tây

10/01/2017 15:57

Theo dõi trên

Nếu như những cô gái xứ Huế thướt tha trong tà áo dài tím mộng mơ, thì những cô thôn nữ Nam bộ lại dịu dàng, mộc mạc trong chiếc áo bà ba cùng chiếc khăn rằn quàng trên cổ.



Ảnh minh họa (nguồn internet)

Trước đây, nó thường được dùng để làm đẹp thêm cho những bộ trang phục ngày hội, nhưng sau này chiếc khăn rằn đã trở nên gần gũi hơn với người dân lao động khi nó ngày càng được sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất.

Đó là tấm khăn mỏng, dài khoảng sải tay, có họa tiết là những ô vuông nhỏ do các đường gạch đen - trắng hoặc xanh – trắng, đỏ - trắng tạo thành. Chúng được các nam giới buộc ngang trán khi làm việc nhằm ngăn mồ hôi không chảy xuống mặt. Phụ nữ thì vắt gọn khăn trên đầu che nắng. Khăn cũng được quàng trên cổ, một đầu thả trước ngực, một đầu vắt thả sau lưng. Có khi khăn còn được buộc ngang bụng. Đôi khi hai đầu khăn được buông xuôi xuống phía trước, đi với bộ quần áo bà ba làm nên nét đặc trưng rất duyên của cư dân Nam Bộ.

Vì vậy, khăn rằn đã trở thành một vật dụng tiện lợi và thân thiết cho mọi người, mọi giới trong lao động, chiến đấu và sinh hoạt, để che cơn nắng, thấm dòng mồ hôi, chắn ngọn gió lốc, cả để lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười. Chiếc khăn rằn là nét đặc trưng riêng cho bản sắc văn hóa của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hình ảnh chiếc khăn rằn bình dị luôn xuất hiện với hình ảnh người dân miền Tây thật thà, chất phác. Không biết từ bao giờ mà nó đã gắn bó với con người, mảnh đất ấy. Không biết kể từ khi nào chiếc khăn rằn xuất hiện với hình ảnh chiếc áo bà ba, khăn rằn đã trở thành biểu tượng của cả một vùng miền, một văn hóa.

Với sự tiện lợi, đẹp và đơn giản, khăn rằn đã có những sự phát triển mới và ngày càng bay cao bay xa. Ngày nay, khăn rằn đã trở nên rất phổ biến với các bạn trẻ khắp cả nước chứ không còn giới hạn ở miền Tây như trước. Cho dù có thay đổi như thế nào thì chiếc khăn rằn Nam bộ trước sau vẫn mãi là một hình ảnh đẹp, một biểu trưng cho sự duyên dáng của những cô gái cũng như những tấm lòng chân tình, nồng hậu của con người đất phương Nam.


Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chiếc khăn Rằn gắn liền với người con gái miền Tây" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.