Chăm lo cho nông dân từ cái bếp

27/09/2016 15:52

Theo dõi trên

Dự án “Bếp đun cải tiến tiết kiệm năng lương” do Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị triển khai bước đầu đã cho kết quả như mong đợi, giúp nông dân đỡ vất vả trong việc đun nấu, góp phần bảo vệ môi trường.

Từ những chuyến công tác ngược xuôi, len lỏi dưới từng mái nhà, góc bếp, cán bộ Hội Nông dân tỉnh thấu hiểu nỗi vất vả của người phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô trong việc nấu nướng. Ông Nguyễn Đán, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tâm sự đã nhiều lần chứng kiến người phụ nữ sức vóc nhỏ bé phải gùi cõng trên lưng cả bó củi lớn từ rừng về nhà, bước chân nặng nhọc, lưng còng, mồ hôi vã ra như tắm. Thế nhưng, bó củi to ấy lại nhanh hết bởi đun bếp kiềng 3 chân truyền thống, tốn củi mà hiệu quả lại thấp.

 
 
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô sử dụng bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng

“Phụ nữ miền núi phải trèo núi đồi năm sáu cây số vào sâu trong rừng mới có củi để chặt. Một buổi, thậm chí một ngày họ chỉ mang được một đến hai bó củi về nhà, khổ lắm. Thế rồi củi đun bếp kiềng 3 chân khói bụi phủ đầy nhà làm họ ho hen, tội nghiệp. Bếp ga thì tiền đâu họ dùng”, ông Đán nói.

Làm sao để giúp nông dân bớt vất vả trong việc đun nấu, đó là câu hỏi lớn mà cán bộ Hội Nông dân tỉnh luôn trăn trở suy nghĩ. Thế rồi, dự án xây dựng và chuyển giao mô hình “Bếp đun cải tiến tiết kiệm năng lượng” cho đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa do Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị làm chủ dự án được khởi động.

Ông Lê Phúc Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, nguồn kinh phí hoạt động của Hội ít ỏi nên khi nghĩ đến việc lập dự án làm bếp, Hội khá lo lắng, đắn đo. Nhưng rồi nghĩ đến cảnh bà con nông dân mình đã khổ ngoài đồng ruộng rồi mà lúc nấu nướng còn phải chịu cảnh khói bụi từ bếp núc thì không ai đành lòng. Rất may, khi dự án được lập ra, Quỹ Môi trường toàn cầu đã tài trợ kinh phí 1,195 tỷ đồng để thực hiện từ tháng 12/2016 đến tháng 12/2017. Kết quả bước đầu của việc sử dụng bếp đun cải tiến khá tốt, bà con rất phấn khởi.

Bếp đun cải tiến có trọng lượng khoảng 11kg, làm bằng gang, có cấu tạo kín gió, mỗi lần đun nấu được 2 nồi, tận dụng tối đa nhiệt lượng khi đun. Ưu điểm của bếp là tiết kiệm được 30-50% củi so với bếp kiềng 3 chân nhưng nhiệt lượng lại tăng gấp đôi; giảm thời gian đun từ 30-35%, giảm CO2 từ 3-6 lần và giảm 70-90% khói bụi tại nơi sử dụng. Vì vậy, khi sử dụng bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng sẽ cải thiện được điều kiện sinh hoạt, tiết kiệm tiền của, nhiên liệu đốt, bảo vệ sức khỏe, giảm khí thải nhà kính, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cho người dân.

Chị Hồ Thị Đình (30 tuổi) trú thôn Húc Thượng, xã Húc, huyện Hướng Hóa cho biết, lúc còn dùng bếp kiềng 3 chân thì cứ hai ngày phải đi bộ 6-7km vào rừng chặt củi, gùi về nhà một lần. Còn nay, khi sử dụng bếp đun cải tiến tiết kiệm năng lượng thì năm đến sáu ngày mới phải đi chặt củi một lần. “Từ khi có bếp tiết kiệm năng lượng phụ nữ thôn mình đỡ vất vả, ít chặt củi rừng hơn, nấu nướng không bị khói, bị ho nữa”, chị Đình vui vẻ cho biết.

Ông Lê Phúc Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay, thời gian tới Hội sẽ nghiên cứu phương án sản xuất đại trà bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng, hạ giá thành sản phẩm để giúp bà con nông dân dễ dàng mua, sử dụng.

(Theo Báo Quảng Trị)                                                                                 

Ngọc Vũ
Bạn đang đọc bài viết "Chăm lo cho nông dân từ cái bếp" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.