Cây vú sữa miền Tây vào mùa thu hoạch

18/03/2017 08:14

Theo dõi trên

Một mùa vú sữa lại về. Hai bên đường QL 1A ở các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long... bày bán khá nhiều loại vú sữa (trái sữa). Cây vú sữa mùa này thơm, ngon đến lạ lùng. Có thể là do mưa kéo dài, cây đủ nước và cũng có thể là trời đã vào hạn, nên vị thanh, ngọt của trái sữa đã vấn vương du khách.



Ảnh minh họa

Thu nhập không kém các loại cây trái khác

Trái sữa nổi tiếng cả nước phải kể đến vú sữa Lò Rèn, Tiền Giang. Bởi nơi đây trồng loại cây vú sữa trái to, vỏ mỏng, dày cơm, thơm ngon và đã có thương hiệu từ rất lâu đời. Dẫu có thăng trầm về giá, nhưng người dân huyện Châu Thành, Tiền Giang không bỏ cây vú sữa Lò Rèn, bởi có thể thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng/ha. Cây vú sữa hầu như trồng được ở khắp các tỉnh ĐBSCL. Trồng để ăn, chuyên canh, xuất khẩu… đều hiệu quả. Vùng trồng nhiều nhất phải kể đến huyện Phong Điền, TP Cần Thơ và Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Tại huyện Phong Điền có đến 800 ha chuyên canh cây vú sữa. Người làm vườn xếp cây vú sữa vào loại cây trái đặc sản của vùng. Những nơi trồng nhiều loại cây này là thị trấn Phong Điền, xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Giai Xuân và Mỹ Khánh. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NNPTNT huyện Phong Điền cho biết, việc cải tạo, nâng chất vườn cây ăn trái có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, nổi tiếng nhất là dâu hạ châu, nhãn, xoài riêng, măng cụt, vú sữa các loại…

Theo tính toán của các nhà vườn, trong các loại cây đặc sản, vú sữa được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao, bền, chắc và khai thác được lâu dài. Một người trồng đúng kỹ thuật, biết xử lý cho cây ra trái mùa nghịch có thể thu hoạch 500 triệu đồng/ha/năm. Vú sữa tím đã trồng tại đây cho hiệu quả cao. Một người dân có 4 công vườn trồng toàn vú sữa Lò Rèn được 4 năm tuổi, cứ mỗi tuần hái trái một lần, mỗi lần vài trăm ký, bán tại chỗ với giá 15.000 đồng/kg.

Nếu cho trái ra mùa nghịch giá sẽ cao gấp đôi. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi vụ ông còn lời trên 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm CLB làm vườn ấp Nhơn Thọ 1A cho rằng, thường vú sữa bơ hồng chín sớm từ tháng 11 âm lịch nên giá rất cao. Các loại khác kéo dài từ trước tết cho đến tháng hai âm lịch. Do mùa thu hoạch kéo dài giúp cho bà con nông dân có thu nhập ổn định.

Các nhà vườn đánh giá, hiện nay vú sữa bơ hồng và vú sữa tứ quý là các giống có triển vọng với các ưu điểm trái to, bóng, đẹp và ngọt lành. Theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit), vú sữa là một trong 11 chủng loại có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được Bộ NNPTNT khuyến cáo phát triển hướng đến xuất khẩu.

Không mấy khó trồng

Theo các kỹ sư của Cty cổ phần Bình Điền, để cây vú sữa sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng, nên trồng trên đất phù sa ven sông hoặc đất thịt nhẹ thoát nước tốt. Ở những vùng có hai mùa mưa nắng rõ rệt, cây vú sữa ra hoa và đậu trái rất tốt.

Các giống vú sữa hiện có như: Vú sữa Lò Rèn, vú sữa vàng, vú sữa nâu tím và vú sữa bánh xe. Trong đó giống vú sữa Lò Rèn được trồng phổ biến với nhiều ưu điểm nổi bật như: Năng suất cao, vỏ quả mỏng, tỷ lệ thịt trái nhiều, độ brix cao, hương thơm, vỏ quả sáng đẹp. Trồng vú sữa trên đất ruộng phải đào mương lên liếp. Tùy theo chiều rộng mặt liếp mà bố trí số hàng cây cho phù hợp. Với liếp rộng 7-8m thì bố trí trồng một hàng ở giữa liếp, khoảng cách 8m/cây, mật độ 12-13 cây/1000m2.

Với liếp rộng 9-10m, trồng hai hàng theo kiểu nanh sấu. Sử dụng đất mặt ruộng, đất bùn ao, đất vườn cũ để lên mô, đường kính mô từ 0,8-1m, cao 0,4-0,7m. Nên xử lý khoảng 1-1,5kg vôi/mô trước khi trồng 15-30 ngày. Trước khi trồng, bón lót từ 10-15kg phân hữu cơ hoai và 0,5-1,5kg lân vi lượng Đầu Trâu hoặc 10-20gram NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu cho mỗi hố trước khi trồng.

Cây vú sữa trồng từ nhánh chiết, được chăm sóc tốt sẽ cho trái sau 3 năm, đây được gọi là giai đoạn kiến cơ bản. Trong thời kỳ nay, cây vú sữa cần nhiều đạm, lân cao và kali với lượng vừa đủ, để phát triển bộ rễ và cành nhánh để sớm đi vào giai đoạn kinh doanh.

Sau khi trồng được một năm tuổi, hòa tan 40-60 gram NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu với 15-20 lít nước để tưới/cây, mỗi tháng 1 lần. Năm thứ nhất đến năm thứ ba bón 1,0-2,0kg NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu chia ra bón 4 lần trong năm. Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, nên tạo tán để cây vú sữa có cành phân bố theo 4 hướng, giúp cây có tán tròn đều. Rễ vú sữa thường ăn nông, nhiệt độ của đất cao vào mùa nắng sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ, do đó cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng rơm rạ, cỏ khô. Nên tủ cách gốc 30-50 cm để tránh sâu bệnh tấn công.

Từ năm thứ tư sau khi trồng cây vú sữa bắt đầu cho trái. Mỗi năm bón từ 2,0-3,0kg NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu; chia làm 4 lần bón trong năm như sau: trước ra hoa, đậu trái, nuôi trái và trước thu hoạch 1- 2 tháng. Cây vú sữa có tán to, cành giòn, dễ gãy vì vậy nên tỉa thấp lại cành chính, khống chế chiều cao của cây không quá 4-4,5m để tiện chăm sóc, thu hoạch sau này.

Cây vú sữa từ năm thứ 5 sau khi trồng, bước sang giai đoạn cho trái ổn định và đi vào giai đoạn kinh doanh. Sau khi thu hoạch, tiến hành thu dọn toàn bộ vật liệu tủ gốc, xới rảnh sâu 5-10cm ở 2/3 đường kính tán cây, bón phân vào rãnh, lấp đất lại. Che phủ gốc bằng các vật liệu hữu cơ và tưới nước liên tục 5-7 ngày cho phân tan và ngấm vào đất. Thường xuyên quang sát và phòng trừ sâu bệnh có khả năng cho trái sau 12-18 tháng.


Hoàng Huy

Nguồn: laodong.com.vn
Bạn đang đọc bài viết "Cây vú sữa miền Tây vào mùa thu hoạch" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.