Biểu diễn văn nghệ trước Tượng đài Bác Hồ ở bến Ninh Kiều
Bến Ninh Kiều hay Công viên Ninh Kiều nằm bên bờ sông Hậu và sông Cần Thơ, dọc theo đường Hai Bà Trưng thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều.
Tác giả Huỳnh Minh trong quyển “Cần Thơ xưa và nay” có viết: “Khoảng năm 1954, xóa bỏ hết tàn tích của thực dân, triệt hạ những cây sao bóng mát, tấm bảng mang tên Quai de Commerce – bến thương mại đổi lại là bến Lê Lợi.
Rồi dần dần chỉnh trang thành phố, sửa đổi bộ mặt bến sông”. Vào khoảng năm 1957, ông Đỗ Văn Chước - Tỉnh trưởng Phong Dinh của chế độ cũ - đã cho lập nơi bến sông này một công viên cây kiểng và bến dạo mát…
Một sự kiện quan trọng với công viên bến sông này đã diễn ra cách nay 60 năm: Ngày 4-8-1958, tổ chức lễ khánh thành công viên và được đặt tên là Bến Ninh Kiều.
Theo tác giả Huỳnh Minh trong “Cần Thơ xưa và nay”, vì lúc ấy con đường nằm dọc mang tên Lê Lợi, việc đặt tên bến Ninh Kiều là để kỷ niệm một chiến tích oai hùng của Bình Định Vương Lê Lợi tại bến Ninh Kiều ở đất Bắc thuở xưa. Trận đánh ở Bến Ninh Kiều, Tụy Động, Lê Lợi đã khiến quân Minh kinh hoàng, khiếp vía:
Tụy Động thây phơi đầy đất
Ninh Kiều máu chảy thành sông…
Bến Ninh Kiều từ năm 1958 đến năm 1975 gần như không thay đổi nhiều. Bến Ninh Kiều thuở đó rộng 14 thước, dài 440 thước, một đầu là căn cứ Hải Quân của chế độ cũ, đầu kia là Chợ Cần Thơ.
Sau năm 1975 đến nay, Bến Ninh Kiều được nhiều lần chỉnh trang, xây dựng. Bến Ninh Kiều ngày nay có Tượng đài Bác Hồ cao uy nghi, có hoa viên hiện đại với hàng dương ven sông, nhiều khách sạn cao tầng mọc lên, hai nhà hàng nổi, cầu đi bộ mỹ thuật trang nhã...
Tất cả tạo thành bức tranh đẹp lung linh và hiện đại lúc đêm về, tạo nét quyến rũ du khách một lần đến Cần Thơ mà nhớ mãi…
Bến Ninh Kiều ngày nay diện tích hơn 7.000 mét vuông, là công viên du lịch. Gần bến Ninh Kiều có chợ cổ Cần Thơ, một trung tâm buôn bán lớn ở miền Tây Nam bộ trước đây.
Thuở ấy, trên bến sông luôn tấp nập tàu thuyền xuôi ngược chở đầy những sản vật vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xuân nào cũng vậy, chợ hoa Ninh Kiều thu hút hàng vạn khách tham quan, mua sắm, tạo nên nét độc đáo của Bến Ninh Kiều.
Thiếu nữ thướt tha ở bến Ninh Kiều. Ảnh: Duy Khôi
Ngày 6 tháng 2 năm 2016 (tức 28 Tết Bính Thân), cầu đi bộ du lịch đầu tiên của thành phố Cần Thơ được khánh thành.
Cầu bắc qua rạch Cái Khế nối bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế. Mặt cầu được thiết kế cách điệu uốn lượn hình chữ S tượng trưng cho đất nước Việt Nam.
Tại hai phần cầu mở rộng được bố trí hai đài hoa sen - quốc hoa Việt Nam. Trên cầu trang bị hệ thống đèn led màu được điều khiển theo những kịch bản khác nhau tạo nên vẻ đẹp sinh động và hiện đại.
Đêm đêm, hệ thống chiếu sáng của công viên và hệ thống chiếu sáng bằng đèn led của khách sạn và cầu đi bộ càng làm cho nơi đây đẹp quyến rũ.
Buổi tối, nơi đây tập trung rất đông người đến ngắm cảnh, tản bộ, trẻ em vui chơi, các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, Tết nơi đây người đông như trẩy hội, chen chân không được.
***
Bến Ninh Kiều hình thành từ lúc nào? Chưa có tài liệu lịch sử ghi rõ việc hình thành, nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì đã có giai thoại về việc hình thành bến sông này từ thời Nguyễn Ánh còn bôn ba đất phương Nam.
Trước khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh trong những ngày bị quân Tây Sơn rượt đuổi đã vào miền Nam và có ghé lại bến sông này. Theo đó một hôm, đoàn thuyền của ông đi theo sông Hậu vào địa phận thủ phủ Trấn Giang (tức Cần Thơ xưa).
Lúc đêm vừa xuống thì đoàn thuyền cũng vừa đến vàm sông, tức Bến Ninh Kiều ngày nay, giữa đêm có vọng lại nhiều câu ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn, tiếng sáo... Nguyễn Ánh khen vì một cảnh quan sông nước hữu tình và đặt tên cho con sông là Cầm Thi giang.
Từ năm 1876, quân đội Pháp đến chiếm Trấn Giang và thành lập Tòa Bố chính tại Cần Thơ. Bến sông Cần Thơ được dân thương hồ và dân buôn địa phương tụ tập mua bán, dần dần được chỉnh trang, xây kè để ngăn sóng làm sạt lở bờ sông.
Lúc đầu, chỉ là bến ghe, bến tàu của xứ lục tỉnh do các tàu bè chạy khắp miền Hậu Giang đều ghé bến này mà vận chuyển hàng hóa, đưa rước khách.
Dần dần tấp nập thuyền bè qua lại giao thương, hàng cây dương chắn gió ven bờ trở thành tên gọi của bến sông. Mặc dù người Pháp đặt tên là Quai de Commerc - bến thương mại, nhưng người dân thường gọi bằng cái tên dân dã là bến Hàng Dương, vì dọc bờ sông có hàng cây dương.
Việc giao thương mỗi ngày thêm phồn thịnh, bến Hàng Dương do đó cũng được mở rộng và sửa sang, rồi dần dần trở thành thắng cảnh du lịch của đất Tây Đô.
Và như trên đã nói, sau sự kiện khánh thành công viên ngày 4-8-1958, tên gọi Bến Ninh Kiều hình thành và tồn tại đến ngày nay.
Theo Báo Cần Thơ