Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được hình thành theo nhiều cấp độ
Thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa. Thời gian qua, việc xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên chính sách xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.
Việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành văn hóa đã góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, thể thao trong thực tiễn.
Dấu mốc quan trọng là ngày 11/11/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030.
Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và các chiến lược, đề án, quy hoạch đã giúp nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, công trình thi đấu, luyện tập thể thao... có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại ở các tỉnh/thành phố và hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị và cơ bản đáp ứng nhu cầu về văn hóa, thể thao của Nhân dân.
Tại Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023” diễn ra mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cho biết, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được hình thành theo nhiều cấp độ từ Trung ương đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu của người dân, có hướng phục vụ theo đối tượng: thanh niên, trẻ em, công nhân…, từng bước góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, hoạt động văn hóa, thể thao tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trọng đề ra trong các chiến lược và quy hoạch chưa đạt được. Việc triển khai đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa quốc gia (cấp vùng, liên vùng, liên tỉnh) còn chậm; nhiều công trình thuộc mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia quan trọng chưa được bố trí đủ diện tích đất, chưa được nâng cấp, xây dựng mới.
Một số thiết chế văn hóa ở Trung ương diện tích chưa đạt chuẩn, cơ sở vật chất, trang thiết bị phần lớn đã xuống cấp, lạc hậu, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng và xu hướng phát triển của thời đại...
Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều thiết chế văn hóa, thể thao ở trung ương và địa phương cũng còn hạn chế. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trong thời gian qua còn không ít vướng mắc, bất cập, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, phân tán, chưa đồng bộ. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vận hành thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng...
Đảm bảo mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, thể thao
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng, trong thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế, chính sách về đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, thể thao và bối cảnh mới.
Đồng thời, đảm bảo mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, thể thao theo mục tiêu được đề ra tại Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và các chương trình, đề án, quy hoạch; mức chi ngân sách nhà nước cho đầu tư trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, thể thao Trung ương và cơ sở; tăng cường nguồn vốn ngân sách đầu tư của nhà nước cho hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương xứng với vai trò của thiết chế văn hóa, thể thao trong đời sống Nhân dân.
"Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương bố trí các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các dự án, đề án... về phát triển văn hóa, thể thao" - ông Phan Viết Lượng nhấn mạnh.
Đồng thời, tăng chi ngân sách nhà nước (cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) cho phát triển văn hóa, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; quan tâm, tập trung đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm, xứng tầm với công cuộc Đổi mới của đất nước; tiếp tục chỉ đạo đổi mới cơ chế, triển khai các giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao; tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp bảo trợ, tài trợ cho thiết chế văn hóa, thể thao…
Các địa phương cũng cần tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, bố trí đất, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích, quy mô, thiết bị và phù hợp với văn hóa, điều kiện thực tế, bảo đảm quyền tiếp cận và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp Nhân dân.
Đặc biệt, kiện toàn củng cố tổ chức, biên chế, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các thiết chế văn hóa, thể thao đủ năng lực, chủ động, sáng tạo, nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của từng đối tượng, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần xứng đáng trong việc tuyên truyền, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; tăng cường xã hội hóa, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh đối với các thiết chế văn hóa, thể thao./.
5 giải pháp để văn hóa trở thành mục tiêu, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội
Để các thiết chế văn hóa thực hiện tốt hơn vai trò của mình, bảo đảm cho văn hóa trở thành mục tiêu, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng cần tập trung vào 5 giải pháp.
Thứ nhất là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa trong việc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thiết chế văn hóa, ngoài những vai trò quan trọng như trên, còn có tác động lan tỏa đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Vì thế, khi tính toán đến lợi ích tổng thể của đất nước, cần phải nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của các thiết chế văn hóa ở đó.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện về quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đặc biệt coi trọng quy hoạch địa điểm và dành quỹ đất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở. Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với quy hoạch phát triển Khu công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, thể thao khác. Đầu tư phát triển thiết chế văn hoá, thể thao phải đồng bộ cả về cơ sở vật chất, thiết bị hoạt động. Đầu tư không dàn trải, phù hợp với đặc thù vùng, miền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá, luyện tập thể dục, thể thao của nhân dân.
Vận động các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức phi chính phủ và nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và xây dựng quỹ để duy trì hoạt động thường xuyên của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật.
Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa và quản lý văn hóa. Nhà nước cần căn cứ nhu cầu vào thực tế của địa phương, căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ văn hóa, thể thao được quy định đối với từng cấp để lập kế hoạch về nguồn nhân lực, từ đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở. Củng cố, xây dựng và nâng cấp hệ thống các trường văn hóa nghệ thuật, các trường nghiệp vụ thể dục thể thao theo khu vực hoặc ở các tỉnh, thành phố lớn để đào tạo cán bộ văn hóa, thể thao ở trình độ cao đẳng hoặc trung cấp, sơ cấp.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ hoạt động văn hóa thể thao cơ sở; ban hành các chính sách nhằm khuyến khích xã hội hóa trong huy động nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; đối với các công trình thể thao do chính quyền địa phương quản lý, cần xây dựng cơ chế phù hợp trong việc khai thác, sử dụng nhằm tận dụng tối đa công năng và hiệu suất để phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của quần chúng nhân dân, trong đó cần xem xét phương án đấu thầu quyền quản lý và khai thác các công trình thể thao do nhà nước đầu tư xây dựng; bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách về lương, chế độ thù lao công tác đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; xây dựng chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo; khuyến khích các thiết chế văn hóa thực hiện quyền tự chủ, tự trang trải kinh phí tổ chức các hoạt động phối hợp với việc tổ chức các hoạt động dịch vụ công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ.
Thứ năm, nâng cao chất hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa bằng cách đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao, gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân; đưa các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ vào nề nếp, theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa; tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ và đưa các hoạt động văn hóa, thể thao về cơ sở. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi như người cao tuổi, trẻ em; đặc biệt là thu hút những người có tài năng nghệ thuật và có nghề làm cộng tác viên trong các hoạt động của thiết chế văn hoá, thể thao. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao ở cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường. Chú trọng phát triển nhiều loại hình hoạt động, học tập phục vụ cộng đồng./.