Cải lương Nam Bộ: Nghệ thuật truyền thống của dân tộc

27/04/2018 15:30

Theo dõi trên

So với những thể loại nghệ thuật truyền thống khác của nước ta, nghệ thuật cải lương mới chỉ được hình thành khoảng một thế kỷ nhưng có sức lan tỏa sâu rộng và được phổ biến rộng trên khắp các vùng miền của đất nước. Bởi nghệ thuật cải lương là sự kết hợp hài hòa và đa dạng của nghệ thuật truyền thống của dân tộc (nghệ thuật hát bội – đờn ca tài tử Nam Bộ) và nghệ thuật sân khấu hiện đại theo phong cách phương Tây.

Giải thích chữ “cải lương” theo nghĩa Hán Việt, giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn”, thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản. Ở đây là đã cải lương (cải cách, đổi mới) nghệ thuật hát bội. Từ một động từ theo nghĩa thông thường đã trở thành một danh từ riêng. Sau khi cải lương thì nghệ thuật cải lương về cơ bản đã có sự khác biệt so với nghệ thuật hát bội cả về nội dung và hình thức.

Cũng có tài liệu cho rằng cải lương được rút ra từ hai câu đầu của hai câu liễn được gánh hát Tân Thịnh treo hai bên cánh gà sân khấu năm 1920: Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: “Người ta nghe hát bội hoài, hát bội mãi, cũng chán tai thét hóa nhàm thì các ban tài tử đờn ca xuất hiện. Buổi đầu, khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, các nhóm đờn ca được thành lập cốt để tiêu khiển, để phục vụ trong các buổi lễ tại tư gia, như đám tang, lễ giỗ, tân hôn… nhưng chưa hề biểu diễn trên sân khấu hay trước công chúng. Và nếu trước kia “cầm” (trong “cầm, kỳ, thi, họa”) là của tầng lớp thượng lưu thì đến giai đoạn này nó không còn bị bó buộc trong phạm vi đó nữa, mà đã phổ biến rộng ra ngoài xã hội. Chính vì thế nhạc tài tử ở các tỉnh phía Nam, về nội dung lẫn hình thức, dần dà thoát ly khỏi nhạc truyền thống có gốc từ miền Trung và miền Bắc”.

Theo tài liệu của Giáo sư Trần Văn Khê, hai ban đờn ca nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ là ban Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) tại tỉnh Mỹ Tho và ban Trần Văn Triều ở làng Vĩnh Kim - Mỹ Tho.

Năm 1906 ban tài tử của Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) ở Mỹ Tho được mời sang Pháp biểu diễn tại hội chợ đấu xảo cho các nước thuộc địa, tổ chức tại thành phố Marseille (có tài liệu ghi thời điểm 1910 - 1911). Ban tài tử gồm Tư Triều (đờn kìm), Chín Hoán (độc huyền cầm), Bảy Vô (đờn cò), Mười Lý (thổi tiêu), cô Hai Nhiễu (đờn tranh) và cô Ba Đắc (tài tử ca) được sắp xếp ngồi trên sân khấu đờn ca lớp Tứ đại oán Bùi Kiệm đi thi.
 
 
Nghệ sĩ Cải lương Tư Cương - Ảnh tư liệu

Còn theo soạn giả Nguyễn Phương trong cuốn Tứ đại gia sân khấu cải lương xuất bản tại Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Cương (hay còn được gọi là Tư Cương) là “một nhà trí thức, từng du học bên Pháp, về xây dựng một đoàn hát cải lương theo mô hình những đoàn hát bên Pháp. Ông là người góp phần khai sáng ra nghệ thuật sân khấu Cải lương và đã đào tạo, nâng cao nghề nghiệp cho những ngôi sao sân khấu Cải lương lúc ngành nghệ thuật này mới được tạo thành. Đó là những tài danh như Năm Phỉ, Sáu Ngọc Sương, Bảy Nam, Năm Nghĩa, Bảy Nhiêu, Năm Châu, Ái Liên, Thanh Tùng, Duy Lân…”.
 
Ông Tư Cương đem bài bản ở Pháp về kịch nghệ, hướng dẫn cho những nghệ sĩ trong gánh hát biết phân biệt: hát bội theo phong cách Á Đông là loại hình sân khấu tượng trưng, lời ca điệu bộ chủ yếu là tả ý. Cải lương, gần gũi với kịch phương Tây, lời ca, điệu bộ chú trọng tả thực. 
 
Trong cuốn Hồi ký 50 năm mê hát - 50 năm cải lương, Vương Hồng Sển cho rằng: “Cải lương đã manh nha từ năm 1916, hoặc là 1918”, nhưng theo ông thì kể từ ngày 16 tháng 11 năm 1918, khi tuồng Gia Long tẩu quốc được công diễn tại Nhà Hát Tây Sài Gòn, cách hát mới lạ này mới “bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân, vừa cải cách…nên Cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ…”
 
Cũng theo học giả Vương Hồng Sển: “Ông Tư Cương là người đầu tiên biết áp dụng các điệu bộ tuồng tích của ngành “hát bóng nói”, ông cũng biết phổ biến qua Cải lương những gì ông thâu thập được trong tiểu thuyết và tuồng hát Tây ông từng đọc hoặc đi xem diễn. 
 
Chính ông vừa rút các tuồng cụp lạc gay cấn của hát bội cải biên qua Cải lương, điển hình nhứt là tuồng Xử án Bàng Quý Phi... khéo phỏng theo tuồng Pháp mà diễn các tuồng xã hội trước tiên như Tứ đổ tường, Tơ vương đến thác...”.
 
Như vậy, xét về bản chất, Cải lương là sự kết hợp giữa nghệ thuật hát bội Nam Bộ và nghệ thuật sân khấu phương Tây. 
 
Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam ghi nhận, năm 1920 – 1930 là thời kì phát triển rực rỡ của nghệ thuật Cải lương, nhiều gánh hát ra đời, nổi tiếng nhất là hai gánh Phước Cương và Trần Đắc có dàn kịch gồm 3 loại: các tuồng tích của Trung Quốc, loại xã hội và loại phóng tác (như “Tơ vương đến thác”, “Giá trị và danh dự”)… 
 
Trong thời kì 1930 – 1934, nghệ thuật Cải lương lan truyền ra ngoài Bắc và nhiều nghệ sĩ xuất sắc xuất hiện như Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nhiêu, Năm Châu… Thời kì kinh tế khủng hoảng, nhiều gánh hát tan rã. Dựa vào tâm lí của dân chúng ngả về tôn giáo, các gánh hát đua nhau diễn các tích về Phật, tiên, đi đầu là gánh hát Tân Thịnh.
 
Từ 1934 xuất hiện thêm phong trào “kiếm hiệp”, đi đầu là gánh Nhạn Trắng và tác giả Mộng Vân. Những vở nổi tiếng: “Chiếc lá vàng”, “Bích Liên vương nữ”, “Bảo Nguyệt Nương”. Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, đã có nhiều vở diễn mới xuất hiện với nội dung phong phú và đa dạng.
 
Nhận thấy Cải lương miền Nam có một sức hấp dẫn đặc biệt, trong gian đoạn từ năm 1935 tới năm 1941 tại miền Bắc cũng đã hình thành rất nhiều gánh Cải lương như: Nhật Tân Ban, Quốc Hoa, Tố Như, Ái Liên, Đức Huy, Nam Hồng… Một số gánh đã vào Nam biểu diễn và được đông đảo khán giả đón nhận. 
 
Tại miền Nam Việt Nam, thập niên 60 là thập niên hưng thịnh nhất của nghệ thuật Cải lương, nhiều khi lấn át cả tân nhạc. Riêng tại vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã có khoảng 40 rạp hát Cải lương và hơn 20 “lò” luyện cổ nhạc, trong đó có những “lò” nổi tiếng như của Út Trong, Văn Vĩ, Duy Trì, Huỳnh Hà, Tư Tân, Yên Sơn, Ba Giáo... 
 
 
Nghệ sĩ cải lương Thanh Nga - Ảnh tư liệu

Trong những giải thưởng của dành cho Cải lương thời đó, nổi tiếng và uy tín có giải Thanh Tâm, do ông ký giả Thanh Tâm (tên thật là Trần Tấn Quốc) thành lập, hoạt động từ năm 1958 đến năm 1968, mà người nhận giải đầu tiên là nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Những soạn giả tuồng nổi tiếng trong thời này có Năm Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Bảy Cao, Thiếu Linh, Thu An, Viễn Châu (sáng tạo hình thức tân cổ giao duyên, tức là hát Cải lương chung với tân nhạc). Những gánh hát Cải lương nổi tiếng thời này có đoàn Thanh Minh, Thống Nhứt, Tiếng Chuông Vàng,… với những nghệ sĩ nổi tiếng như: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Vương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ...
 
Sau khi Đất nước thống nhất năm 1975, Cải lương miền Nam còn hoạt động mạnh thêm khoảng 10 năm. Kể từ sau năm 1985 nghệ thuật Cải lương đã dần dần sa sút vì nhiều lý do, trong đó có thiếu kịch bản hay, thiếu rạp diễn mới và thế hệ lão thành tàn lụi. Tuy vậy, nghệ thuật Cải lương đương đại vẫn còn nhiều nghệ sĩ tài năng và có tâm huyết với nghề như: Vũ Linh, Kim Tử Long, Quế Trân… 

Tròn một thế kỷ, dẫu có nhiều thăng trầm nhưng Cải lương đã đi vào máu thịt và là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Nam Bộ nói riêng và của người dân cả nước nói chung. Chúng ta hy vọng, với sự quan tâm, bảo tồn và phát triển của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cùng các ban ngành chức năng, địa phương, nghệ thuật Cải lương sẽ được đón nhận rộng rãi từ các thế hệ độc giả trên cả nước, góp phần bảo vệ những giá trị truyền thống của dân tộc trong thời đại mới - thời đại của hội nhập văn hóa thế giới.
 
Phạm Sinh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Cải lương Nam Bộ: Nghệ thuật truyền thống của dân tộc" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.