Cách Kyoto (Nhật Bản) duy trì cân bằng giữa truyền thống văn hóa và phát triển du lịch là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam

23/02/2024 13:09

Theo dõi trên

Theo trang The Japan News, Kyoto, thành phố có hơn 1.200 năm lịch sử và truyền thống, hiện đang bước vào thời kỳ thay đổi.

50073768contentphoto1-18259-1708668562.jpg
Kyoto. Ảnh: The Standard.

Khi đại dịch Covid-19 đã lắng xuống và du lịch đến Nhật Bản nhanh chóng phục hồi, thách thức lớn nhất là làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì các truyền thống văn hóa ở Kyoto và chia sẻ thông tin trên phạm vi quốc tế. Giới chức trách thành phố hiện đang đặt mục tiêu đưa Kyoto trở thành thành phố phát triển hơn nữa trong tương lai. Nhiều người dân ở Nhật Bản và trên khắp thế giới vẫn tiếp tục chú ý đến tương lai của thành phố hấp dẫn này.

Vùng Kansai, nằm ở phía Trung Tây của đảo Honshu là nơi lưu giữ 50% tài sản quốc gia của Nhật Bản và 40% tài sản văn hóa quan trọng của nước này. Đặc biệt, Kyoto có nhiều đền chùa, trong đó có Đền Kiyomizudera là Di sản Thế giới cũng như các nghề thủ công truyền thống như hàng dệt Nishijin.

Các sự kiện truyền thống như Lễ hội Gion được tổ chức quanh năm. Đặc biệt, Kyoto là một trong những điểm đến du lịch phổ biến nhất đối với người nước ngoài. Nếu dạo quanh thành phố, du khách có thể thấy nhiều người nước ngoài hòa mình vào bầu không khí lịch sử.

Theo trang Japan News, thành phố Kyoto cần phát huy 3 sứ mệnh quan trọng trong thời gian này. Đầu tiên là phải duy trì và truyền lại nền văn hóa truyền thống cho thế hệ tương lai bởi Kyoto được xem là một thành phố lịch sử. Thứ hai là phát triển du lịch đến (inbound tourism). Và cuối cùng là với tình trạng dân số đang suy giảm, vấn đề này ngày càng phải được xem xét nghiêm túc hơn trong thời gian tới.

Duy trì và truyền lại văn hóa truyền thống của thành phố Kyoto là sứ mệnh lớn nhất mà chính quyền thành phố Kyoto và các đơn vị khác đang thực hiện.

Bên cạnh đó, các cơ sở phục hồi tài sản văn hóa sẽ được thành lập ở Kyoto vào năm 2030 để thúc đẩy việc bảo vệ tài sản văn hóa và quảng bá nghệ thuật. Cơ quan này sẽ tổng hợp thông tin về các dự án khôi phục ở nhiều vùng khác nhau của Nhật Bản cũng như chia sẻ bí quyết. Từ đây sẽ phát triển các cơ chế để thúc đẩy "thương hiệu" của Kyoto nhằm tăng cường khả năng truyền bá thông tin về văn hóa và nghệ thuật.

Quá trình đào tạo những người kế thừa để duy trì và truyền lại văn hóa Kyoto cũng là nhiệm vụ quan trọng. Cơ quan phải đảm bảo ngân sách phù hợp cho mục đích này và hỗ trợ việc truyền lại kỹ năng của các nghệ nhân.

Định hướng duy trì cân bằng giữa truyền thống văn hóa và phát triển du lịch

Về mặt truyền bá thông tin, cần tạo xu hướng tích cực xuất khẩu không chỉ văn hóa truyền thống mà còn cả manga, anime và âm nhạc, những điểm mạnh của Nhật Bản ra thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Yomiuri Shimbun, Ủy viên phụ trách các vấn đề văn hóa Shunichi Tokura nhấn mạnh, nên tin tưởng hơn vào sức mạnh thương hiệu của Nhật Bản trong việc thu hút khách du lịch trong nước. Nên biến văn hóa và nghệ thuật thành một ngành xuất khẩu chủ chốt. Hy vọng rằng các biện pháp cụ thể sẽ được đưa ra càng sớm càng tốt và sẽ bắt đầu được hiện thực hóa.

Đối với hoạt động du lịch đến (inbound tourism) ở Kyoto, tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn lớn ở Kyoto vào tháng 10/2023 là 82,9%, gần bằng mức cùng kỳ năm 2019, trước đại dịch Covid-19. Và du khách nước ngoài đã đóng góp rất lớn vào quá trình phục hồi. Điều quan trọng là tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế của Kyoto bằng cách thu hút nhiều du khách nước ngoài hơn.

Mặt khác, những tác động tiêu cực của tình trạng quá tải khách du lịch bao gồm việc người dân địa phương không thể dễ dàng bắt xe buýt trong ngày vì luôn trong tình trạng chật kín số lượng khách du lịch nước ngoài. Hay tình trạng du lịch quá tải đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, có thể làm xấu đi tình cảm của người dân đối với người nước ngoài. Cần có hành động khẩn cấp để giải quyết tình hình.

Việc hạn chế lượng khách vào chùa và tăng giá du lịch có thể có tác dụng nhất định trong việc giảm lượng khách du lịch nước ngoài nhưng đồng thời, khách du lịch trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các xu hướng chuyên phục vụ những du khách giàu có ngày càng tăng, nhưng nếu khách du lịch bình thường không thể tận hưởng những dịch vụ này thì sức hấp dẫn của Kyoto cũng sẽ bị suy giảm.

Những tín hiệu tích cực từ nỗ lực của chính quyền thành phố Kyoto

Để giải quyết tình trạng quá tải, một sáng kiến gần đây đáng được quan tâm là việc phân cấp du lịch từ trung tâm Kyoto đến vùng ngoại vi. Ga Kyoto và các địa điểm khác đã bắt đầu cung cấp chỗ để hành lý lớn cho khách du lịch để họ có thể đi tham quan mà không cần mang theo hành lý, từ đó giải phóng không gian cho người dân địa phương trên phương tiện giao thông công cộng.

Mặc dù vẫn còn phải xem liệu những nỗ lực đó có hiệu quả hay không nhưng tất cả những gì Kyoto có thể làm là tiếp tục quá trình thử nghiệm nhằm tìm ra những cách tốt hơn làm hài lòng khách du lịch cũng như người dân địa phương.

Mặc dù du lịch trong nước ngày càng tăng nhưng dân số thành phố Kyoto đang có xu hướng giảm. Dân số thành phố tính đến ngày 1/12/ 2023 là khoảng 1,442 triệu người, ít hơn khoảng 20.000 người so với cùng kỳ năm 2020. Đây được cho là kết quả của làn sóng di cư của những người trẻ tuổi đến vùng ngoại ô do giá đất tăng cao và cũng liên quan đến các yếu tố khác.

Thành phố Kyoto đã thực hiện các biện pháp như cải thiện "thị trấn mới". Những khu phát triển nhà cũ ở quy mô lớn từ lâu và cả ở những nơi có ít sự thay đổi thế hệ để thu hút chú ý cho giới trẻ.

Nếu Kyoto không thu hút được những người có thể định cư trẻ và hỗ trợ phát triển thành phố thì có thể sẽ trở thành "thành phố trống rỗng", nghĩa là chỉ có khách du lịch mới thực sự ở lại Kyoto hay những người làm việc trong thành phố sẽ chỉ đi lại ở đó. Vì vậy, Kyoto hướng đến mục tiêu không chỉ hấp dẫn với khách du lịch mà còn với người dân địa phương muốn định cư./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Cách Kyoto (Nhật Bản) duy trì cân bằng giữa truyền thống văn hóa và phát triển du lịch là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.