Nghe mấy tháng trước, ông bị tai biến, buồn vì cứ tưởng ông khó lòng đờn lại được. Nhưng một sự hồi phục kỳ lạ sau một thời gian ngắn khiến cho ông và gia đình vui mừng. Ông không giấu được niềm hạnh phúc tột độ: “Tôi đờn lại được rồi. Cái tay dù còn yếu nhưng giờ bấm phím không thua hồi đó bao nhiêu. Có điều, tôi vẫn chưa thể chạy xe Honda để đi đờn ca tài tử được. Vẫn còn tập luyện một thời gian nữa. Vậy là may lắm rồi…”. Niềm đam mê được trở lại với những nghệ nhân đờn, ca, cùng sự chăm sóc chu đáo của gia đình và quyết tâm vượt qua bệnh tật, đã giúp ông chiến thắng.
Trong niềm vui đó, ông kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình, về những niềm vui, nỗi buồn của một người hơn 40 năm gắn bó với nghiệp đờn, ca. Sinh ra trong gia đình tương đối đầy đủ, ông được học hành đàng hoàng, dù phải chạy giặc, nhưng hễ có điều kiện là ông được ba rước thầy đờn về dạy. Những nghệ nhân ông học qua giờ đây đã không còn, nhưng những ngón đờn của họ được ông tiếp thu và nghiên cứu để phát huy, nhằm tạo cho tiếng đờn thêm điêu luyện. Ông đờn được cả ghi-ta phím lõm, sến, kìm và cò. Ông nói, mỗi loại đờn mang đến cho ông sự hứng khởi khác nhau, nhưng cây đờn kìm với tiếng đờn mùi mẫn và sự nhấn nhá rất thú vị, vừa du dương, lãng mạn, vừa thể hiện được tâm trạng của người đờn…
Nỗi niềm người truyền nghề
Là nghệ nhân tài tử, chưa bao giờ ông nghĩ đây sẽ là cái nghề kiếm sống, mà là cái nghiệp, nên ông chọn cho mình nghề mọc, rồi mở xưởng cưa để chăm chút cho kinh tế gia đình. Thời trẻ, ông làm công chức ở xã Vĩnh Tường, nhưng sau khi tình nguyện đi bộ đội 3 năm trở về, ông chọn việc kinh doanh và làm vườn để sống. Trên mảnh đất của gia đình, ông trồng cây ăn trái để có thu nhập ổn định, chăm lo cho con cái học hành, có nghề nghiệp ổn định. Các con ông ngoan ngoãn, cộng với sự chăm chút của người vợ hết lòng vì gia đình, nên mái ấm ấy luôn rộn riếng cười hạnh phúc. Sau khi chu toàn việc gia đình, rảnh là ông vác cây đờn trên vai đi tìm niềm vui mà ông xem như là nghiệp. Ông kể vui: “Có lần, một đoàn hát rủ ông về đờn. Nhưng ông không chịu cuộc sống bôn ba, mà muốn gắn với quê mình, nên từ chối, chấp nhận làm người đờn lãng tử ở quê mình”.
Cuộc sống ổn định càng giúp ông có điều kiện theo đuổi niềm đam mê chẳng thể tách rời. Niềm vui càng được nhân lên khi ông có thêm niềm vui mới là được truyền nghề. Ông nói ai thích học là ông chỉ hết. Ở địa phương có mở mấy lớp tập huấn, ông sẵn sàng tham gia để mong sao những gì mình tích lũy được truyền lại cho các bạn trẻ, để cùng nhau giữ lửa và thắp truyền tình yêu bộ môn nghệ thuật của dân tộc. Rồi ông chợt chùn giọng: “Nhưng giờ không có nhiều người trẻ thích đâu. Nhìn vào các câu lạc bộ, thấy toàn lớn tuổi thôi. Mấy bạn trẻ phải đi học, rồi có nhiều thứ giải trí hơn, nên tìm người thích cũng khó. Nhưng không vì thế mà niềm tin tài tử giảm đi. Tôi thấy, dù không nhiều nhưng vẫn có và chính điều này làm cho những người như tôi thấy vui vì có sự đồng hành”.
Những năm gần đây, đờn ca tài tử còn được đặc biệt quan tâm, từ đó, các câu lạc bộ sinh hoạt ra chất tài tử ngày càng nhiều càng làm cho những người gắn bó lâu năm với đờn ca tài tử như ông thấy vui và ấm lòng. Giờ, ông mong cho sức khỏe mình tốt hơn, để tiếp tục cống hiến cho đờn ca tài tử…