Bảo tồn và phát huy Di sản Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma coong, tỉnh Quảng Bình

02/12/2022 10:27

Theo dõi trên

Di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng dân tộc thiểu số của Việt Nam mặc dù nhận được sự quan tâm để bảo vệ, thông qua việc kiểm kê, xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, song chưa thực sự phát huy để có thể trở thành tiềm lực văn hóa phục vụ cho chính cộng đồng.

dap-trong2-1669951598.jpg
Nguồn ảnh: phongnhakebang.vn

Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2019. Đây là một di sản văn hóa đặc sắc và tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc ít người ở vùng rừng núi đại ngàn phía Tây dãy Trường Sơn, ngay trong khu vực vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, được giữ gìn và bảo tồn cho đến ngày nay. Lễ hội được cộng đồng tổ chức vào mùa xuân, ngày 16 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội đã đi sâu vào đời sống văn hoá của người Ma coong, thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều, và có ảnh hưởng lớn đến các cư dân thuộc các nhóm tộc người khác trong vùng, từ lâu đã trở thành lễ hội văn hoá của các tộc người sống chung trên địa bàn. Lễ hội còn thu hút cả người Lào bên kia biên giới sang tham dự.

Lễ hội Đập trống là một thực hành văn hóa thể hiện bản sắc văn hóa tộc người, chứa đựng những khát vọng, lòng biết ơn thần linh của đồng bào Ma coong, cầu mong một mùa vụ mới bội thu. Lễ hội là dịp khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ và phát huy chúng trong cuộc sống; góp phần cố kết cộng đồng, ngăn chặn và giảm thiểu các biến đổi môi trường gây ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tuy nhiên, cộng đồng nhóm tộc người Ma coong ở Thượng Trạch cư trú ở vùng sâu vùng xa, giáp biên giới, đời sống kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên đã tác động đến việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Lễ hội đang đứng trước nguy cơ mai một do sự xâm nhập của văn hóa hiện đại làm người dân xa rời văn hóa truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ. Có thể thấy một số nguy cơ mai một hiện hữu trong thực hành nghi lễ của cộng đồng như chủ lễ thực hành việc cúng lễ có phần tùy hứng, thiếu thống nhất; trang phục truyền thống để thực hành nghi lễ đã bị mất mát, hư hỏng; nhạc cụ sử dụng, ví dụ chiêng, bị mất, bị hỏng, đến nay không còn đủ bộ… Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai dự án Bảo tồn và phát huy Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình gắn với xây dựng nông thôn mới” là một nhiệm vụ cấp thiết nhằm hỗ trợ cộng đồng nâng cao nhận thức về di sản văn hóa họ đang nắm giữ, tạo điều kiện để họ thực hành nghi lễ theo đúng truyền thống và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Ma coong đến với cộng đồng bên ngoài.

Từ thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các dân tộc thiểu số khu vực miền núi và vùng sâu vùng xa, cho thấy đời sống dân cư còn khó khăn, kém phát triển. Các dân tộc thiểu số còn bảo lưu nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống lâu đời. Mỗi dân tộc thiểu số đều sở hữu các giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có, góp phần làm đa dạng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, văn hóa các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ phai nhạt, mai một bởi sự lấn át của các giá trị văn hóa của tộc người đa số và văn hóa ngoại lai. Một số di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng dân tộc thiểu số đang dần mất đi hoặc bị biến đổi. Đáng lo ngại là một bộ phận người dân, đặc biệt là lớp trẻ không còn mặn mà với các giá trị truyền thống của dân tộc mình, thậm chí có dân tộc còn đứng trước tình trạng bị mai một tiếng nói, chữ viết vốn được coi là yếu tố quan trọng nhất tạo nên bản sắc văn hóa của một tộc người. Cùng với đó, không gian văn hóa đặc trưng của cộng đồng có nguy cơ bị phá vỡ do sự ảnh hưởng của văn hóa đa số, khoa học công nghệ, do sự thay đổi về phương thức sản xuất hay do các hoạt động du lịch…

Trước những thách thức này, cần có các hoạt động cụ thể đối với di sản văn hóa phi vật thể nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản trong đời sống đương đại. Bảo vệ các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số còn là góp phần giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững biên cương Tổ quốc, bởi phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, biên giới. Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng tới công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, là một trong những mục tiêu được xác định là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025, Cục Di sản văn hóa nghiên cứu và lựa chọn dự án “Bảo tồn và phát huy Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình gắn với xây dựng nông thôn mới” như một thử nghiệm đầu tiên và là tiền đề cho các dự án hỗ trợ cộng đồng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp theo.

Dự án nhằm Hỗ trợ cộng đồng thực hành nghi lễ theo đúng truyền thống; đầu tư kinh phí để trang bị nhạc cụ, đồ dùng thực hành nghi lễ của cộng đồng. Hỗ trợ cộng đồng tư liệu hóa quy trình thực hành lễ hội, nghi lễ, trở thành tài liệu để cộng đồng thực hành theo và trao truyền cho thế hệ kế cận. Đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa, các thành viên của cộng đồng thấm nhuần các giá trị của lễ hội, hiểu được ý nghĩa biểu trưng của lễ hội và tự hào, yêu quý di sản của cha ông truyền lại; quảng bá di sản Lễ hội đập trống của người Ma coong ở Thượng Trạch đến cộng đồng bên ngoài.

Theo đó Dự án sẽ thực hiện các nội dung gồm: Tập huấn cho cộng đồng kỹ năng trao truyền di sản phù hợp với điều kiện hiện tại; Hỗ trợ cộng đồng trang bị đồ dùng, công cụ, nhạc cụ… để thực hành lễ hội; Tư liệu hóa về quy trình thực hành lễ hội, xây dựng bộ tài liệu cơ sở dữ liệu số (bao gồm: phim, ảnh, tài liệu viết) cung cấp cho cộng đồng để thực hành, trao truyền, quảng bá.

Việc triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Lễ đập trống của người Ma coong đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán của cộng đồng địa phương, để từ đó nâng cao nhận thức và năng lực cho chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản của cộng đồng; tạo sự kết nối bền vững giữa các thế hệ trong cộng đồng, trao truyền các tri thức, cách thức thực hành di sản cho các thế hệ kế cận.

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy Di sản Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma coong, tỉnh Quảng Bình" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.