Báo chí góp phần khơi dậy những dòng chảy văn hóa tích cực (Bài 1)

14/08/2022 14:33

Theo dõi trên

Hiện thực hóa mục tiêu "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhân 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân đã phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo cách mạng Việt Nam. Nhiều cấp Hội Nhà báo cũng như các cơ quan báo chí đã phát động, giao kết thi đua, tích cực hưởng ứng phong trào.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện chùm bài viết "Báo chí góp phần khơi dậy những dòng chảy văn hóa tích cực" nhằm giới thiệu những cách làm hay, mô hình hoạt động tích cực, cũng như đề xuất các giải pháp để phong trào thực sự hiệu quả, góp phần xây dựng nền báo chí kỷ cương, liêm chính.

vn36363467-1660462399.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Bài 1: Xây dựng nền báo chí kỷ cương, liêm chính

Báo chí là một phần của văn hóa, những người làm báo chính là những người có trách nhiệm truyền tải những thông điệp tích cực, văn hóa, tạo niềm tin cho công chúng, cũng như sự đồng thuận của xã hội, góp phần xây dựng xã hội phát triển. Bên cạnh những cơ quan báo chí, những nhà báo làm tốt nhiệm vụ của mình, cũng có những cơ quan báo chí còn có biểu hiện "lệch hướng" khỏi chuẩn mực văn hóa.

Dưới tác động của các yếu tố tiêu cực bên ngoài cũng như sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, sự xuống cấp của một bộ phận cơ quan báo chí, vấn đề văn hóa báo chí đang là nội dung mang tính cấp thiết, vì vậy việc phát động phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí là hết sức quan trọng và kịp thời.

Lan tỏa, nhân lên những giá trị văn hóa tốt đẹp

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam, đã từng khẳng định: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng"; "Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng". Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, Người nhắc nhở người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn "cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa"; "nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động". Cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa. Nhà báo không phải để cho oai, để phách lối, hù dọa người; báo chí có nghĩa vụ phục vụ công nông binh, đấy chính là văn hóa báo chí. Những lời dạy của Người luôn là "kim chỉ nam" cho các cơ quan báo chí, người làm báo - những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Thực hiện lời dạy của Bác, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm xây dựng môi trường văn hóa, cũng như phát triển báo chí. Có thể kể đến như: Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”... Hội Nhà báo Việt Nam cũng đưa ra các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam...

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, có đóng góp quan trọng trong thông tin, tuyên truyền trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước; khẳng định và làm sâu sắc những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, nhân dân ta... Nhiều cơ quan báo chí trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đã tự thân hình thành nên những giá trị văn hóa, môi trường văn hóa tốt đẹp, những tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức văn hóa để mỗi cán bộ, phóng viên, người làm báo tự giác thực hiện, coi đó là điều hiển nhiên, lẽ tất yếu của người làm báo, người làm văn hóa. Qua đó, chất lượng người làm báo và chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí từng bước được khẳng định, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được báo chí lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có những cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, đặt tít câu view, sử dụng thông tin, hình ảnh không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng về thông tin của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí gây tác động tiêu cực trong dư luận. Một bộ phận lãnh đạo một số cơ quan báo chí, đội ngũ cán bộ, phóng viên còn non yếu về bản lĩnh chính trị, chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh, trách nhiệm xã hội của người làm báo, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chạy theo lối sống thực dụng, vị kỷ; trong đó có một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng, đã bị xử lý hình sự.

6 tháng năm 2022, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra tại 10 cơ quan báo chí; ban hành 11 quyết định xử lý vi phạm sau thanh tra. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đã tiến hành 2 cuộc thanh tra, 2 cuộc kiểm tra; xử lý vi phạm hành chính 9 trường hợp vi phạm về báo chí.

Trong năm 2021, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp; 6 tháng năm 2002 đã nhắc nhở một số trường hợp nhà báo có những phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội; liên hệ với các báo, tạp chí có phóng viên bị bắt (liên quan đến việc tống tiền doanh nghiệp), yêu cầu báo cáo và đề xuất hình thức xử lý...

Việc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo...

Mỗi cơ quan báo chí là tấm gương đi đầu trong xây dựng văn hóa

Phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" đã đặt ra 12 điểm, trong đó có 6 tiêu chí đối với cơ quan báo chí, 6 tiêu chí đối với người làm báo Việt Nam. Theo đó, tiêu chí đối với cơ quan báo chí văn hóa là: Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; xây dựng, tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan; tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung; quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và của văn phòng đại diện.

Các tiêu chí tiếp theo đó là: Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị "chân, thiện, mỹ"; lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội; tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo; hưởng ứng, triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Tiêu chí đối với văn hóa của người làm báo là: Có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo; tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức.

Đồng thời, người làm báo có văn hóa là phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác; ứng xử chân thành, thân ái; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng.

Với vai trò là một thành phần của văn hóa, đồng thời là một trong những phương tiện chủ lực phổ biến các loại hình văn hóa đến toàn xã hội, bộ tiêu chí hướng đến: Mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan văn hóa, mỗi người làm báo cần luôn có ý thức nâng cao văn hóa của bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm. Báo chí cần chủ động, tích cực thúc đẩy, nâng cao văn hóa trong chính ngành nghề, lĩnh vực của mình.

Trong bài phát biểu tại lễ phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí", Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định: Những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam là cội nguồn sức mạnh, giúp dân tộc ta trường tồn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách nghiệt ngã trước thiên tai, địch họa. Với sứ mệnh vẻ vang của người chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thắp lên ngọn lửa tri thức, lòng nhân ái trong toàn xã hội. Mỗi bài báo phải là một tác phẩm văn hóa, thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, hướng tới các giá trị cao đẹp của chân - thiện - mỹ. Mỗi cơ quan báo chí phải là một tấm gương đi đầu trong việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa cơ quan.

Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là trách nhiệm, đồng thời cũng là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí, người làm báo. Để phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cả nước thiết thực hưởng ứng, thực hiện, lan tỏa phong trào ra xã hội; duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp, từ đó tạo nên nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

(Còn tiếp)

Theo Phúc Hằng (TTXVN)
Bạn đang đọc bài viết "Báo chí góp phần khơi dậy những dòng chảy văn hóa tích cực (Bài 1)" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.