Ở Bến Tre có rất nhiều cù lao nổi lên giữa lòng sông và vô số hàng dừa buông tóc dài theo gió. Khi tá túc qua đêm, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức đặc sản nhà vườn trong tiếng ếch ộp, tiếng ve kêu đầy trời.
Những món ăn mời khách gồm có tôm kho nước dừa, thịt gà vườn dai ngon.
Ban ngày bạn có thể đạp xe du ngoạn, thưởng thức mật ong rừng, ngắm người dân thu hoạch dừa hoặc ghé qua các khu trại nuôi cá giữa những đàn bướm tung tăng bay lượn khắp nơi.
Tuy nhiên, ẩn sau sự bình yên này là một lịch sử chiến tranh tàn khốc. Bom đạn đã được quân đội Mỹ rải khắp vùng đất này, bản thân họ cũng mất mát không ít lính.
Bến Tre nổi tiếng là quê hương của xứ dừa - Ảnh: wanderlust
Sau năm giờ lênh đênh trên tàu về tỉnh Trà Vinh, du khách sẽ được cảm nhận quang cảnh buôn bán nhộn nhịp nơi đây. Từng hàng tàu chở gỗ chầm chậm đi qua các khu chợ kề sát bờ sông, các bè chở chôm chôm nặng trĩu…
Bán đảo Trà Vinh trồi ra phía biển như hình dáng của móng rồng. Tại đây, du khách có thể khám phá nền văn hóa Khmer khá phong phú.
Quanh Trà Vinh có tất cả 142 ngôi chùa Khmer. Trong đó, chùa Âng đã 900 tuổi có rất nhiều tác phẩm đặc trưng của văn hóa Khmer. Chính điện là những bức bích họa mô phỏng cuộc đời Đức Phật, mái ngói nhiều tầng có chạm khắc rồng và bậc thang hình thất đầu xà.
Đặc biệt, tại chùa Hang có đến vài trăm con dơi che kín bầu trời mỗi buổi chiều về tạo nên một cảnh tượng đặc biệt.
Một đồng bằng đang dần biến mất
Đi về miền Tây, du khách sẽ đến với thị trấn Cái Bè nằm dọc theo Tiền Giang, nơi còn lưu dấu thời Pháp thuộc trong những căn nhà cổ theo phong cách Francophone.
Đây đều là những căn nhà vô cùng xa hoa với cửa chớp xanh, đèn ngủ nghệ thuật, cột gỗ lim, trang trí nội thất bằng gỗ tối màu, khảm chữ Trung - Việt và sử dụng cả ngọc trai.
Đền thờ đạo Cao Đài - Ảnh: wanderlust
Đi tàu từ Cái Bè đến Cần Thơ, du khách có thể tham gia rất nhiều tour du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả du lịch qua đêm. Hành trình sẽ đưa khách đến ngôi làng nhỏ tên Cái Nhum, nơi du khách có thể lên bờ để đến nhà thờ Cao Đài.
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có sự giao thoa giữa nhiều tôn giáo, bắt đầu từ thập niên 1920. Từ xa, những tòa tháp của nhà thờ trông không khác gì so với nhà thờ ở Pháp; gần hơn có thể nhìn thấy những vị thần khua gươm, cọc chữ thập.
Đạo Cao Đài là kết hợp phức tạp của Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Đạo giáo, đạo Huyền Bí và đạo Hồi, do vậy đạo thờ từ chúa Giêsu, Đức Phật, thậm chí cả nhà văn Pháp Victor Hugo.
Một hoạt động không thể bỏ qua ở đây chính là đi chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, lênh đênh giữa một rừng thuyền bè buôn bán rau dưa, trái cây.
Theo người dân, chợ đang dần mất đi vì thanh niên hiện nay không muốn phải sống vất vả như cha mẹ mình, thay vào đó họ muốn sống thoải mái tại các đô thị lớn.
Chợ nổi miền Tây - nét đặc trưng của vùng sông nước Mekong - Ảnh: wanderlus
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Trở lại với Tiền Giang và đến Sa Đéc, Đồng Tháp, một thành phố nhộn nhịp. Cái tên Sa Đéc thực chất nổi lên nhờ một câu chuyện tình cảm khá lãng mạn.
Trong tiểu thuyết mang tên Người tình, Marguerite Duras - người từng sinh sống tại đây - đã ghi chép lại mối tình của mình với một doanh nhân người Trung Quốc lớn tuổi, ông Huỳnh Thủy Lê, khi bà mới chỉ 15 tuổi.
Chuyện tình của hai người bắt đầu khi họ gặp nhau tại Sài Gòn, nhưng cha của ông Lê không cho phép hai người đến với nhau vì bà Duras quá nghèo… Cũng vì bị ruồng rẫy, Duras đã từ chối gặp mặt ông Lê vài chục năm sau tại Paris.
Từ đó, du khách có thể đến thăm một ngôi trường của Pháp xây dựng, nơi người mẹ góa bụa của bà Duras dạy học, cũng là dinh thự của nhà họ Lê.
Mắt hổ ở Long Xuyên
Hành trình sông nước tiếp tục đến Long Xuyên. Thành phố này cũng có một ngôi chợ nổi với khoảng 500 tàu thuyền nhưng hầu như không có bóng du khách nào.
Các thuyền lớn chuyên chở nông sản sang các tỉnh để bỏ sỉ. Cả gia đình của chủ thuyền, trẻ em, thú nuôi, cây trồng đều gắn chặt trên những con thuyền.
Cái tên Long Xuyên bắt nguồn từ một truyền thuyết cách đây đã 300 năm về một con hổ được một cặp vợ chồng nuôi nấng. Con hổ này có hẳn một đền thờ riêng.
Người dân tin rằng nó đã mang lại cho họ sự giàu sang và vận may. Nhờ vậy mà ở đây chưa từng nổ ra cuộc chiến nào với lính Pháp và Mỹ.
Hành trình về Châu Đốc - An Giang
Trà Sư - điểm đến nổi tiếng ở An Giang - Ảnh: wanderlust
Hành trình này kết thúc tại thành phố Châu Đốc, An Giang.
Nếu có dịp nghỉ chân tại các khách sạn ở đây, ví dụ như khách sạn Victoria, du khách sẽ được cảm nhận nhiều sắc thái khác nhau: tiếng cầu nguyện từ những nhà thờ Hồi giáo ở các làng bản dân tộc Chăm quyện với tiếng bình bịch phát ra từ những chiếc xuồng máy nhỏ nhắn.
Từ đây, du khách có thể đón chuyến tàu cao tốc để sang Phnom Penh một cách dễ dàng đến nỗi người dân còn ví von Châu Đốc giống như một trạm trung chuyển sang Campuchia.
Ngoài ra, còn rất nhiều nơi để tham quan ở Châu Đốc như leo núi Sam ngắm nhìn những cánh đồng lúa xanh bát ngát, lan xa ra cả bên kia biên giới, vi vu qua vùng rừng tràm ngập nước Trà Sư, nơi đã có một sự vực dậy đáng kinh ngạc và thu hút không ít diệc, cò, cùng nhiều loài chim kéo về làm tổ.
Theo XUÂN LỘC (TTO)