Bàn thờ thiên của người Việt ở Tây Nam Bộ

17/06/2019 16:34

Theo dõi trên

Bàn thờ thiên, là bàn thờ trời, một vị thần tối thượng của người Việt, người Hoa và nhiều cư dân ở Việt Nam và châu Á. Việc thờ cúng ông trời có sự khác nhau tùy theo văn hóa của các cộng đồng cư dân, cộng đồng tộc người.

Bàn thờ thiên tập trung chủ yếu ở người Việt, người Hoa Nam Bộ, gần đây rải rác miền Bắc và miền Trung Việt Nam đã xuất hiện bàn thờ thiên. Ở Nam Bộ, khu vực Đông Nam Bộ cũng có bàn thờ thiên, nhưng phổ biến hơn là khu vực Tây Nam Bộ, còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long.
 

Đến thăm một ngôi nhà của người Việt ở Tây Nam Bộ, dù là miệt vườn, hoặc nơi thị trấn, thị tứ..., chúng ta dễ dàng bắt gặp bàn thờ thiên. Thường đó là một mảnh gỗ mỗi bề rộng khoảng 50 - 60cm, được gắn liền một cây cột bằng gỗ. Ở đô thị bàn thờ thiên được xây bằng gạch, cũng là một bệ xi măng đặt trên trụ xây gạch cao hơn đầu người một chút. Bàn thờ được đặt ngay trong vườn nhà gần lối đi vào, tức phía trước nhà,đôi khi được làm thành một cái trang nhỏ gắn liền tường trước mặt nhà gần cửa, cổng. Bàn thờ thiên, chỉ trừ đặt trong trang thờ, thì không có mái che phía bên trên.
 
Bên trên phiến gỗ, hoặc bệ xi măng, có một bát hương và bình gốm để cắm hoa, và một chén (hoặc ly) để đựng nước cúng. Nhìn chung việc thiết lập và bài trí bàn thờ thiên khá đơn giản, tùy khả năng gia chủ mà dựng trụ gỗ (cây) hoặc xây gạch. Về nghi thức cúng ở bàn thờ thiên cũng có phần giản đơn hơn so với một số lễ cúng các vị thần thánh khác. Thường sáng sớm khi mặt trời vừa lên, và chiều tối khi mặt trời đã lặn, gia chủ thắp nén hương (3 cây hoặc 5 cây), có khi chỉ cần một cây hương vái trời đất, bốn phương rồi cắm ở bát nhang, không có đọc kinh và khấn vái gì. Vào ngày mùng một và rằm hàng tháng (theo âm lịch), chủ nhà kiếm một ít hoa và trái cây, thường là hoa trái vườn nhà, bày lên bàn thờ thiên, thay nước lạnh (thường là nước mưa trữ trong lu ở nhà). Sau đó gia chủ thắp hương và vái, cũng có thể khấn xin trời đất, thần thánh ban cho gia đình sức khỏe bình yên. Trong những ngày gia đình có việc như giỗ chạp, cưới xin, tang ma, hoặc vào dịp tết, lễ, gia chủ cũng thay nước, đặt hoa và trái cây, thắp hương nơi bàn thờ thiên.
 
Cho đến nay, chưa có nhiều tìm hiểu về nguồn gốc tập tục liên quan đến bàn thờ thiên của cư dân người Việt Tây Nam Bộ. Thờ trời phổ biến ở nhiều cư dân, cộng đồng tộc người khu vực Nam Á và rộng hơn là châu Á. Ở Việt Nam, người Việt từ xưa đã có tập tục thờ trời, những hoa văn hình mặt trời trên trống đồng Đông Sơn hẳn có lẽ liên quan đến tín ngưỡng thờ trời. Đối với cư dân thuộc văn minh nông nghiệp như các tộc người ở Việt Nam, trời là một vị thần tối cao, và chi phối quan trọng đến việc canh tác lúa nước (và cả lúa cạn). Người ta tin rằng chuyện mưa gió, bão lụt, thời tiết nóng lạnh, hanh khô là do ông trời quyết định, và họ luôn cầu xin sự giúp đỡ của trời.
 
Người Hoa ở Nam Bộ cũng có phong tục thờ trời. Trong văn hóa Trung Hoa, trời là một trong những vị thần tối cao, nhà vua được xem là thiên tử, con trời. Đến miền đất Nam Bộ, những di dân từ nam Trung Hoa đem theo vào vùng đất mới tín ngưỡng thờ trời. Tại những cơ sở tín ngưỡng cộng đồng của các nhóm Hoa đều có thờ trời, với danh xưng là Ngọc hoàng thượng đế. Ở đấy có bàn thờ, khóm thờ Ngọc hoàng riêng, và đôi khi Ngọc hoàng được thờ với tư cách vị thần chủ thứ nhất như ở Ngọc hoàng điện (phường Đakao, quận 1, TP.HCM) nay là chùa Phước Hải. Tại các nhà dân, việc thờ trời được bố trí ở một trang thờ bên ngoài nhà (ở đô thị) hoặc gần cổng ra vào (ở nông thôn, ven đô). Trang được gắn vào tường, hoặc để trên trụ gạch (hoặc cây gỗ) cao ngang đầu người. Trong trang có một bài vị với 4 chữ Hán thiên cung tứ phúc (phúc đức ban từ trên trời) và một bát hương để cắm nhang. Hàng ngày, rằm, mùng một hàng tháng, gia chủ thắp hương vái bốn phương tám hướng vào sáng sớm và chiều tối. Thường bên dưới trang thờ trời nhiều nhà người Hoa còn đặt trang thờ ông địa và thần tài ngay trên mặt đất. Trong một vài tư liệu có nói đến thiên đài, là bàn thờ ngoài trời có ở một số địa phương Trung Hoa.
 
Người Việt và người Hoa tìm đến vùng đất Nam Bộ mưu sinh vào những thời điểm không cách xa là mấy, khoảng hơn ba thế kỷ về trước. Hai tộc người đã gặp gỡ, cùng nhau chung sống, cùng tham gia vào việc tạo dựng một vùng đất mới ở phương nam tổ quốc Việt Nam. Về mặt văn hóa, hai nhóm cư dân Hoa, Việt này đều thuộc nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, và trên lĩnh vực tín ngưỡng có nhiều liên quan đến việc thờ trời, cùng các thế lực siêu nhiên khác như đất, nước, lửa… Cùng chung sống với nhau, sự giao lưu văn hóa là một hệ quả. Nhìn đại thể thì khu vực Tây Nam Bộ, tính cộng cư giữa người Việt, người Hoa diễn ra đậm nét và mật thiết hơn so với vùng miền Đông. Chỉ riêng về lãnh vực ngôn ngữ, sự đan xen giữa tiếng Triều Châu và tiếng Việt khá phổ biến, như cách gọi, xưng hô: hia, chế, y… Tín ngưỡng thờ trời của người Việt và người Hoa đã có sự gặp gỡ, giao lưu trên vùng đất Tây Nam Bộ.
 
Việc thờ cúng ông trời của người Việt ở Tây Nam Bộ là nét tín ngưỡng chung của người Việt ở các địa phương trong nước. Tuy nhiên, niềm tin và các nghi thức có phần khác biệt, liên quan đến lịch sử và không gian sinh tồn của người Việt ở Tây Nam Bộ, mà bàn thờ thiên là một dẫn liệu. Người Việt Nam Bộ gọi bàn thờ vị thần được thờ là thiên, hoặc ông thiên, không gọi là ông trời, hoặc như trong văn hóa Trung Hoa là Ngọc hoàng, Ngọc hoàng thượng đế. Chữ thiên trong bàn thờ thiên chỉ trời, và liên quan đến thiên cung (nơi ở của trời) trong bài vị trên bàn thờ trời của người Hoa là thiên cung tứ phúc. Trong chừng mực nào đó, từ thiên đối với người dân miền Tây thể hiện sự kính trọng hơn là gọi trời, ông trời và gần gũi hơn với cách gọi Ngọc hoàng, thượng đế. Người Việt miền Tây Nam Bộ đã ý thức về cách gọi bàn thờ trời của mình với tên gọi bàn thờ thiên, vừa bày tỏ sự tôn kính vừa không quá cách biệt với vị thần tối thượng cai quản cả thế gian và nhân loại.
 
 
Những nghi thức thờ cúng trời ở bàn thờ thiên khá đơn giản, đó cũng là nét chung của nghi thức tín ngưỡng của người Việt ở Tây Nam Bộ. Trước hết việc thờ cúng trời và nhiều vị thần linh khác là một nhu cầu tinh thần, chỗ dựa tâm linh của những lưu dân người Việt đến khẩn hoang vùng đất Nam Bộ từ nhiều thế kỷ về trước. Vùng đất Tây Nam Bộ nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách đố đối với người mở đất, thiên nhiên hoang dã, rừng rậm, sông ngòi nhiều hiểm nguy chờ chực. Vì vậy, ngoài sức mạnh của bản thân và cộng đồng, lưu dân người Việt còn trông cậy vào sức mạnh siêu nhiên, sự giúp đỡ của thần thánh. Ông trời, một vị thần quen thuộc nơi quê hương, đã được người Việt mang theo, tiếp tục thờ cúng và cầu xin sự trợ giúp quan trọng. Trong buổi đầu khởi dựng làng xóm, khai khẩn đất đai, cuộc sống của lưu dân người Việt hẳn gặp nhiều khốn khó, nên các nghi thức, nghi lễ thờ cúng vừa tôn nghiêm nhưng cũng vừa giản dị, đơn sơ. Bàn thờ, đồ thờ (tự khí), thức cúng, cung cách cúng bái cũng gọn nhẹ, giản lược so với nhiều địa phương phía Bắc, miền Trung, là cách tư duy và lựa chọn của người Việt ở Tây Nam Bộ. Bàn thờ thiên thờ trời của người Việt cho thấy sự đơn giản, nhưng cũng rất thành kính trong tín ngưỡng của người Việt Nam Bộ.
 
Yếu tố đơn giản, giản dị và thực tế trong thờ cúng trời có sự tương đồng, hoặc là nét chung với đời sống tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng cư dân Việt Tây Nam Bộ. Đạo Hòa Hảo là một tôn giáo phổ biến trong nông dân người Việt miền Tây Nam Bộ, về nghi thức, nghi lễ cũng có nét đơn giản gần với cúng trời nơi bàn thờ thiên. Đạo Hòa Hảo không có nhà thờ, giáo đường như một số tôn giáo khác, việc sinh hoạt tôn giáo chủ yếu diễn ra trong gia đình. Bàn thờ của đạo Hòa Hảo là một tấm trần điều làm phông, trên bàn thờ chỉ có hương, hoa, trái cây. Tín đồ Hòa Hảo đọc kinh là những lời sấm theo điệu thơ lục bát, dễ nhớ, dễ thuộc. Giáo lý Hòa Hảo tập trung trong từ ân (ơn tổ tiên, ơn đất nước, ơn đồng bào, ơn phật), đối với người nông dân quả là rất gần gũi và dễ hiểu. Mỗi ngày, tín đồ vái lạy thắp hương trước bàn thờ tổ, thờ phật hai lần vào sáng tối. Đáng chú ý là các gia đình theo đạo Hòa Hảo đều có bàn thờ thiên và cũng cúng lễ theo thời khắc sáng tối. Ngoài đạo Hòa Hảo, một số đạo như Bửu Sơn Kỳ Hương, Từ Ân Hiếu Nghĩa… phổ biến ở Tây Nam Bộ, nghi lễ, bàn thờ, kinh kệ, giáo lý cũng rất giản dị, và có nhiều liên hệ với việc lập bàn thờ thiên.

Bàn thờ thiên, tín ngưỡng thờ trời, đã góp vào sự đa dạng và phong phú của đời sống tinh thần, vào văn hóa phi vật thể của người Việt Tây Nam Bộ. Cũng từ những nét sinh hoạt đó có thể hiểu thêm về văn hóa của người Việt ở Tây Nam Bộ, vừa có sự tương đồng, thống nhất với người Việt ở các vùng miền đất nước, vừa có nét riêng của vùng miền Tây Nam Bộ. Tìm hiểu bàn thờ thiên, và tín ngưỡng thờ trời, cho thấy thêm nét riêng văn hóa người Việt ở Tây Nam Bộ chính là sự tồn tại trong một không gian xã hội khác với Đông Nam Bộ và khu vực khác. Đó cũng còn là kết quả của sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và các tộc người cộng cư trên vùng đất Tây Nam Bộ.
 
Phan An
Tạp chí VHNT số 320

Bạn đang đọc bài viết "Bàn thờ thiên của người Việt ở Tây Nam Bộ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.