An Giang: Dịch vụ cấy mướn ở nông thôn

18/12/2014 08:56

Theo dõi trên

Xuất thân là dân lao động nghèo của vùng nông thôn, họ tập hợp thành nghiệp đoàn chuyên đi cấy mướn. Dù chỉ là công việc làm thuê nhưng đã giúp “đội quân” lao động này có cuộc sống ổn định hơn.

 “Nữ tướng” cấy thuê

Cánh đồng xã Tân Lợi (Tịnh Biên) ngập trong cái nắng gay gắt vào một buổi trưa oi ả. Thấp thoáng giữa đồng xa, bóng người nhấp nhô của nghiệp đoàn cấy mướn. Họ là dân nghèo của 3 huyện Tri Tôn, Châu Phú, Tịnh Biên tập trung lại dưới sự điều động của một người phụ nữ - chị Huỳnh Thị Bích Tuyến.

“Gia đình tôi ngụ tại xã Tà Đảnh (Tri Tôn), cuộc sống trước kia rất khó khăn. Vì không được đi học đầy đủ nên sau ngày lập gia đình, vợ chồng tôi chỉ biết làm mướn nuôi nhau. Cuộc sống khi đó thiếu trước hụt sau, nợ nần tứ phía. Trong một lần nghe lời khuyên của chú hai Tòng ở cùng xóm, tôi đứng ra tập hợp chị em cấy mướn thành lập nghiệp đoàn để mở rộng khả năng lao động, đồng thời tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ” - chị Tuyến thật lòng.

Thời kỳ đầu lập nghiệp đoàn, chị Tuyến trải qua rất nhiều khó khăn. Khi đó, trong đội có chưa đến 10 thành viên nhưng ít khi có đủ mặt vì họ ngại chị Tuyến không có khả năng thanh toán tiền công. Bằng sự quyết tâm, chị đã thuyết phục mọi người tin vào mình.

Lúc đầu, chị chỉ dám nhận cấy thuê dăm bảy công mạ mỗi ngày vì nhân công chưa “quen tay”, sẽ trễ thời gian giao hẹn với chủ đất. Khi các thành viên đã “cứng nghề”, chị mạnh dạn nhận hợp đồng cấy thuê 40 - 50 công đất/ngày và số lượng thành viên cũng tăng lên từ đó. Nhiều chị em trong đội gọi đùa chị là “nữ tướng” bởi sự mạnh dạn và công bằng trong việc phân công lao động cho mọi người.




 “Đội quân” cấy mướn.

Hiện tại, chị Tuyến là người đại diện nghiệp đoàn đứng ra nhận cấy thuê với chủ đất, rồi cho các thành viên “bắt công” để vào việc. Với số lượng hơn 400 thành viên, “đội quân” cấy mướn của chị Tuyến có thể hoàn thành 150 công đất/ngày. Tuy nhiên, chị chỉ nhận trên dưới trăm công đất mỗi ngày nhằm đảm bảo uy tín với “khách hàng”.

“Thực tế, chúng tôi có thể nhận cấy nhiều hơn nhưng nếu cấy vội sẽ không đạt yêu cầu của chủ đất. Tôi chấp nhận “ăn ít” để được “no dai” chứ không vì hám lợi, mà tự đập chén cơm của mình” - chị Tuyến khẳng định.

Sống khỏe nhờ... cấy mướn

Dù chỉ là làm thuê nhưng với mô hình nghiệp đoàn đã giúp đời sống của các thành viên dần ổn định. Chị Mận (ngụ xã Tân Lợi, Tịnh Biên) chia sẻ: “Tôi tham gia đội cấy của chị Tuyến đã hơn 2 năm. Ngày trước, tôi đi cắt lúa mướn nhưng khi máy cắt có mặt khắp nơi, tôi chuyển sang công việc này. Với thu nhập 150.000 đồng/ngày, tôi có thể trang trải chi phí trong gia đình và lo cho các con đi học. Dù công việc cực nhọc nhưng có thu nhập thường xuyên là tôi mừng rồi”.

Theo chị Mận, tiền công cấy thuê khoảng 480.000 đồng/công đất. Chị Tuyến là người đại diện nghiệp đoàn nhận tiền của chủ đất, rồi chia lại cho các thành viên theo đúng công sức họ đã bỏ ra.

Nhờ cách làm ăn uy tín, chất lượng, “đội quân” cấy mướn được nông dân khắp nơi liên hệ. Nghiệp đoàn thường đến cấy thuê tại các cánh đồng vùng trong của huyện Châu Phú, xã Vĩnh Gia (Tri Tôn), lắm khi sang tận Đồng Tháp, Hà Tiên. Đi đến đâu, họ cũng nhận được sự hài lòng của nông dân bởi sự lành nghề và cách làm chuyên nghiệp của mình.

Anh Lê Thanh Long (nông dân xã Tân Lợi) cho biết: “Tôi chọn cách thuê người cấy mạ nhằm đảm bảo năng suất mùa vụ dù chi phí bỏ ra cao hơn việc sạ lan. Mặt khác, các chị em trong nghiệp đoàn làm việc kỹ lưỡng nên tôi rất an tâm. Vì vậy, vụ lúa nào tôi cũng nhờ họ đến cấy mạ tại ruộng của mình”.

Cấy lúa thuê vốn là dịch vụ xuất hiện từ rất lâu trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, nghề này vẫn tồn tại trong thời buổi cơ giới hóa nông nghiệp đã trở thành xu thế mới. Chị Mận trải lòng: “Có lẽ đây là công việc làm thuê hiếm hoi mà người lao động nông thôn chúng tôi ít bị sự “cạnh tranh” của máy móc. Mai kia, các con tôi sẽ đi học và tìm được việc khác bớt cực nhọc hơn. Hiện tại, tôi và anh chị em trong nghiệp đoàn vẫn lặn lội khắp nơi để đổi lấy cuộc sống ổn định cho cả gia đình”.

THANH TIẾN
Theo Tin Tức Miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "An Giang: Dịch vụ cấy mướn ở nông thôn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.