Á hậu Trang Viên ra mắt MV nghệ thuật “Khát Quê” gây ấn tượng với công chúng và giới yêu nhạc

12/01/2022 07:29

Theo dõi trên

Tiếp nối thành công của nhiều ca khúc viết về Việt Nam - Đất nước - Con người, Á hậu Trang Viên vừa cho ra mắt ca khúc mới với tựa đề Khát Quê gây được ấn tượng lớn với công chúng và giới yêu âm nhạc cả nước.

a-hau-trang-vien-lot-xac-trong-vai-tro-la-ceo-mot-cong-ty-truyen-thong-2-1641947221.jpg

Theo Á hậu Trang Viên, Khát Quê - Là tiếng lòng thổn thức nhớ quê, là khát vọng được trở về trong miền ký ức với không gian văn hóa truyền thống của một làng quê thuần Việt, nơi in đậm hình ảnh thân thuộc như: Cây đa, giếng nước, sân đình; những con đường làng quanh co, dòng sông uốn lượn, cánh đồng lúa chín bát ngát thẳng cánh cò bay; những chú trâu hiền lành nằm nhai bóng râm giữa trưa hè oi ả, tiếng sáo diều vi vu bất tận... Ở đó, đình làng là không gian linh thiêng, nơi trấn giữ bình yên cho cả làng, nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng, những trò diễn xướng dân gian bồi đắp nét đẹp văn hóa tinh thần cho người Việt.

“Nhắc tới quê hương là nhắc tới hình ảnh người mẹ hiền tảo tần một nắng hai sương hết mực yêu chồng thương con, ngọn lửa thiêng sưởi ấm hạnh phúc cho mỗi gia đình; hình ảnh người cha mẫu mực, quanh năm lam lũ, hy sinh để mang lại những điều tốt đẹp cho gia đình, quê hương, đất nước; hình ảnh những đôi nam thanh nữ tú hò hẹn dưới ánh trăng quê lãng mạn hướng đến hạnh phúc trăm năm; những giá trị tiếp nối truyền thống hướng tới sự phát triển trường tồn của văn hóa dân tộc...”, Á hậu Trang Viên chia sẻ.

a-hau-trang-vien-lot-xac-trong-vai-tro-la-ceo-mot-cong-ty-truyen-thong-6-1641947245.jpg

Cũng theo chia sẻ của Á hậu Trang Viên, thì ca trù hay còn gọi là “hát cô đầu”, “hát xẩm cửa đình” là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng hình thành và phát triển tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Loại hình âm nhạc dân gian này, trở nên thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.

“Ca khúc Khát Quê với những ca từ mộc mạc gợi nhớ những hình ảnh thân thương về một miền quê trong sâu thẳm mỗi tâm hồn người Việt, thì việc sử dụng âm hưởng ca trù làm ngôn ngữ chủ đạo không chỉ góp phần tăng hiệu quả nghệ thuật, mà tác giả mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình trong việc tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc. Trong đó, có loại hình âm nhạc ca trù được xem là bộ môn nghệ thuật bác học của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam”, Á hậu Trang Viên tâm sự.

a-hau-trang-vien-lot-xac-trong-vai-tro-la-ceo-mot-cong-ty-truyen-thong-5-1641947328.jpg

Điều đặc biệt, ca khúc Khát Quê đã được Á hậu Trang Viên dựng thành MV nghệ thuật Khát Quê lấy bối cảnh quay phim tại Làng So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội), một làng Việt cổ tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ với vẻ đẹp cổ kính linh thiêng của ngồi đình So được mệnh danh “Danh lam đệ nhất Xứ Đoài”, với làng nghề truyền thống miến So nổi tiếng với mỹ tự “Tiệc yến miến So”. Ngày nay, dù làng So đang trên đà phát triển của nông thôn đổi mới ngoại thành Hà Nội nhưng những vẻ đẹp thuần khiết của một miền quê đáng sống vẫn được nhân dân nơi đây gìn giữ và phát huy.

khat11-1641901543-1641947304.jpg
MV Nghệ thuật Khát Quê với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi

Tham gia MV nghệ thuật Khát Quê, ngoài phần thể hiện ca khúc của Á hậu Trang Viên còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi: NSUT Quang Tèo, NSUT Phương Lâm, Giáo sư Trần Duy Quý, Nghệ sĩ Quốc Quốc, Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Tiến sĩ Đinh Thị Lệ Hà, Nghệ sĩ Đức Huy, Đạo diễn Nguyễn Anh Quân, Nhà thiết kế áo dài Hằng Nguyễn, bé Minh Tuệ, bé Hà Anh và các diễn viên quần chúng khác.

MV nghệ thuật Khát Quê của Á hậu Trang Viên được đầu tư công phu chắc chắn sẽ là món quà tinh thần giàu ý nghĩa nhân văn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 năm nay./.

Quyết Tuấn
Bạn đang đọc bài viết "Á hậu Trang Viên ra mắt MV nghệ thuật “Khát Quê” gây ấn tượng với công chúng và giới yêu nhạc" tại chuyên mục Giải trí. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.