320 năm cù lao Giêng

15/10/2018 16:52

Theo dõi trên

Cù lao Giêng còn có tên gọi cù lao Đầu Nước, Dinh Châu, Doanh Châu. Lại có người đọc Giêng thành Diên, Riêng, Den, Ven… Đây là dải đất nằm giữa sông Tiền, có chiều dài 12km, chiều rộng khoảng 7km gồm 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; cũng là mảnh đất có lịch sử lâu đời với 320 năm hình thành và phát triển (1698-2018).

Quá trình hình thành cù lao Giêng

Nhiều sử sách ghi mùa xuân năm Mậu Dần 1698, cụ Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai và tổ chức việc  khẩn hoang, ổn định, an dân vùng đất mới phương Nam, trong đó có Cù Lao Giêng. Nhà văn Nguyên Hùng đã tả: “Cù lao Giêng trước kia là vùng đất hoang, cọp beo, heo rừng, rắn rít lền khên”. Cụ Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí” ghi: “Vùng Cái Sao tức cù lao Giêng trước đây là vùng đất hoang vu, không người ở”. “Đại Nam nhất thống chí” cũng đã chép: “Bãi Doanh Châu tục gọi cù lao Diên ở thượng lưu sông Tiền Giang, trước kia ở phía Bắc tre rừng xanh tốt cao lớn, gốc rễ chằng chịt, cành lá um tùm, hồ chầm có nhiều tôm cá…”.


 
Đình Thần Tấn Mỹ.

Năm 1757, Chúa Nguyễn Phúc Khoát cho thành lập Tân Châu đạo, khi ấy cù lao Giêng thuộc về Tân Châu đạo. Đạo Tân Châu lúc bấy giờ có hậu cứ ở Bãi Dinh. Vào đầu thế kỷ XVIII, nhà Nguyễn có lệnh cấm đạo Thiên Chúa gắt gao nên một số người theo đạo, có cả cha cố người Pháp, đã đến cù lao Giêng trốn tránh rồi dần dần lập ra các cơ sở tôn giáo, sau đó xây dựng thánh đường cù Lao Giêng. Sau khi chiếm xong Nam kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp xóa bỏ hệ thống hành chánh nhà Nguyễn. Năm 1900 cù lao Giêng thuộc tổng An Bình, tỉnh Long Xuyên, năm 1917 thuộc quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên.

Năm 1956 tỉnh Long Xuyên hợp nhất với tỉnh Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Từ năm 1957 cù lao Giêng thuộc tổng An Bình, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sau ngày 30-4-1975, quận Chợ Mới thành huyện Chợ Mới thuộc tỉnh Sa Đéc. Đến tháng 2 năm 1976, huyện Chợ Mới thuộc về tỉnh An Giang như cũ. Ngày nay, cù lao Giêng gồm các xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Di tích lịch sử, tôn giáo của cù lao Giêng

Cù lao Giêng có nhiều cơ sở thờ tự của Thiên chúa giáo và Phật giáo; trong đó, Nhà thờ cù lao Giêng được xây dựng vào năm 1879 là công trình kiến trúc kiểu Pháp lâu đời nhất ở An Giang. Gần đó là Tu viện dòng nữ Providence, thành lập năm 1874. Ngoài ra còn có nhà thờ cổ của dòng tu Phan-xi-cô; đền tưởng niệm thánh Phêrô Đoàn Công Quí và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng. Tất cả tạo thành quần thể kiến trúc tôn giáo rất ấn tượng.

Cù lao Giêng cũng là nơi có nhiều ngôi đình, chùa Phật giáo cổ kính như Chùa Bà Lê (Phước Hội Tự), cũng là di tích lịch sử cách mạng được công nhận cấp quốc gia; Thành Hoa Tự (còn gọi là chùa Đạo Nằm) ở xã Tấn Mỹ; chùa Phước Minh còn gọi là chùa Bà Vú ở xã Bình Phước Xuân, mang nhiều huyền thoại; chùa Phước Thành, một công trình kiến trúc nghệ thuật rất đẹp tọa lạc tại xã Bình Phước Xuân với nhiều hạng mục đã được công nhận kỷ lục Việt Nam với quần thể tượng Phật tổ A Di Đà và 48 vị Bồ Tát Thánh Chúng với đường nét tinh xảo, khéo léo.

Cù lao Giêng có đình Tấn Mỹ tọa lạc tại xã Tấn Mỹ, được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Cuối năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đã kết nạp các nhà cách mạng Châu Văn Liêm và Ung Văn Khiêm tại xã Tấn Đức, nay là Tấn Mỹ trên Cù lao Giêng. Ngọn lửa cách mạng từ đó đã lan qua Chợ Mới, Cao Lãnh và khắp Nam kỳ lục tỉnh. Cù lao Giêng còn là nơi xuất hiện cờ đỏ búa liềm của phong trào cách mạng tại cột dây thép trên sông Tiền, được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Cù lao Giêng trên đường phát triển

Hiện nay, cù lao Giêng phát triển kinh tế đa ngành: nông nghiệp, chăn nuôi, mua bán, thủ công; nổi bật là nghề đan giỏ ni lông, đóng ghe xuồng, làm tranh kiếng… Làng nghề tiểu thủ công nghiệp nơi đây đã được UBND tỉnh An Giang công nhận từ năm 2004. Nhà văn Sơn Nam nhận định cù lao Giêng là một ĐBSCL thu nhỏ, đại diện cho văn minh sông nước miệt vườn. Nhà văn Nguyên Hùng gọi cù lao Giêng là “Đệ nhất cù lao”. Cụ Nguyễn Liên Phong cách nay 109 năm đã gọi cù lao Giêng là cù lao đứng đầu trên sông Tiền. Cụ từng ca ngợi:


Cù lao Giêng cảnh lịch thay

Dinh Châu chữ đặt chỗ rày đẹp xinh

Nhà thờ cao vọi thinh thinh

Nhơn dân trù mật vui tình ấm no…

Ngày nay cù lao Giêng không những phát triển về kinh tế mà còn nổi bật về phong trào thể thao và văn nghệ. Thế mạnh hiện nay là du lịch sông nước, du lịch về nguồn gắn với du lịch văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là du lịch tâm linh. Ttại xã Tân Mỹ đang hình thành khu du lịch sinh thái, gồm nghỉ dưỡng ven sông, câu cá giải trí và thể thao dưới nước, tạo tiềm năng du lịch rất lớn trong tương lai.

Cù lao Giêng - Chợ Mới là vùng đất có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước và cần cù lao động. Việc bảo tồn các di tích và phát huy các thành quả về kinh tế - xã hội - chính trị - quân sự là một việc làm đáng trân trọng. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề để khai thác và tạo thêm những sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần xác lập danh tiếng “đệ nhất cù lao”.
 
Hoài Phương
Theo baocantho.com.vn

Bạn đang đọc bài viết "320 năm cù lao Giêng" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.