Yên Thế - Cơ hội khai thác tiềm năng du lịch

15/03/2016 09:02

Theo dõi trên

Vùng đất Yên Thế xưa (nay là Yên Thế và Tân Yên) thuộc tỉnh Bắc Giang, vốn là đất anh hùng thượng võ. Nơi đây ghi dấu ấn cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân Yên Thế do Lương Văn Nắm (Đề Nắm) và Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) lãnh đạo kéo dài suốt 30 năm khiến giặc Pháp và chính quyền tay sai nhiều phen kinh hồn bạt vía.

Dấu ấn của những trận đánh lịch sử

Sử sách ghi lại, tháng 3 năm 1884, sau khi nghĩa quân đánh thắng trận tại Đức Lân và Vân Cầu (nay thuộc Phú Bình, Thái Nguyên), tại khu đền, chùa Hả (nay thuộc xã Tân Trung, Tân Yên), Đề Nắm cùng những người nông dân áo vải cùng chí hướng đã làm lễ tế cờ thề chống Pháp đến cùng. Ban đầu, nghĩa quân tập hợp những cánh quân, những nhóm kháng chiến địa phương và từ các vùng lân cận. Sau nghĩa quân được sự ủng hộ của người dân ngày càng lớn mạnh, tạo thành một thế trận quân - dân vừa đánh Pháp vừa sản xuất.

Khi Đề Nắm bị sát hại, Đề Thám được suy tôn làm lãnh tụ đã đưa cuộc khởi nghĩa lên một tầm cao mới. Suốt thời gian dài, khắp một vùng Yên Thế được coi như bất khả xâm phạm. Nhiều lần Thực dân Pháp đưa lính tiến công hòng tiêu diệt nghĩa quân nhưng đều thất bại. Nghĩa quân đã mở rộng vùng kiểm soát từ Yên Thế sang giáp sông Cầu, đến vùng hạ Thái Nguyên.




Lễ hội Yên Thế được tổ chức hàng năm từ ngày 15 - 17 tháng 3 âm lịch.

Không chỉ tiến hành kháng chiến trong địa bàn Yên Thế, Đề Thám còn chủ trương phối hợp với các nghĩa quân khác tạo thành thế liên hoàn có thể chi viện, chia lửa cho nhau mỗi khi quân Pháp tiến hành đánh phá. Vụ “đầu độc Hà thành” năm 1908 cũng có bàn tay của nghĩa quân Yên Thế tham gia dù thất bại nhưng đã để lại tiếng vang lớn trong phong trào chống Pháp. Đến năm 1913, thủ lĩnh Đề Thám mất, nghĩa quân Yên Thế cũng đi vào thoái trào và cuộc khởi nghĩa kết thúc cùng năm đó.

Điểm sáng của du lịch tâm linh

Năm 1984, đúng 100 năm sau ngày nổ ra cuộc Khởi nghĩa Yên Thế, Lễ hội Yên Thế được Nhà nước chính thức công nhận nhằm tưởng nhớ công lao của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân. Từ đó đến nay, Lễ hội được tổ chức đều đặn hàng năm từ ngày 15 - 17/3 âm lịch với nhiều hoạt động ý nghĩa, tái hiện một phần lịch sử oai hùng của cuộc khởi nghĩa trong trang sử vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đặc biệt, từ năm 2013, 23 địa điểm diễn ra cuộc Khởi nghĩa Yên Thế được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội Yên Thế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức Lễ hội trang trọng với nhiều hoạt động tế lễ, văn hóa, thể thao cũng như tái hiện phần nào cuộc sống, hào khí của người dân vùng Yên Thế xưa cách đây hàng trăm năm.




Đền Thề - nơi nghĩa quân tổ chức hội thề giết giặc.

Lễ hội Yên Thế là dịp để Bắc Giang quảng bá, thu hút người dân khắp nơi về dự, tham quan, du lịch, khám phá đối với vùng đất anh hùng, thượng võ này. Ngoài thời gian tham dự lễ hội, du khách cũng có thể dành thời gian thăm lại các di tích địa điểm khởi nghĩa Yên Thế xưa. Những đền Thề - nơi nghĩa quân tổ chức hội thề giết giặc; đồn Phồn Xương, Hố Chuối - nơi ghi dấu những trận đánh khiến quân Pháp hồn xiêu phách lạc... Năm 2014, nhân kỷ niệm 130 năm cuộc Khởi nghĩa Yên Thế, bức tượng đồng cụ Đề Thám được đúc thay cho bức tượng xi măng đặt hoành tráng trong cụm di tích.

Trong khoảng mấy năm trở lại đây, Lễ hội Yên Thế không chỉ được biết đến ở Bắc Giang và các tỉnh phụ cận mà nhiều đoàn du khách trong nước đã biết và về dự hội. Nhiều nhà hảo tâm đã góp công, góp của sửa đền, đúc tượng và kiến thiết cảnh quan khu vực trung tâm Phồn Xương ngày càng khang trang.




Đồn Phồn Xương - nơi ghi dấu những trận đánh khiến quân Pháp hồn xiêu phách lạc.

Tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái gắn với không gian sử thi của vùng đất này là điều có thể phát huy. “Đặc điểm tự nhiên của Yên Thế là sự trong lành của khí hậu, với nhiều đồi rừng, hồ đập, bởi vậy, khai thác những giá trị lịch sử, văn hóa của Lễ hội Yên Thế để phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thường vụ Huyện ủy đề ra” - ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết.

Theo đó, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát huy tiềm năng vốn có của địa phương đã có thương hiệu như: gà đồi Yên Thế, chè sạch Bản Ven... gắn với việc hình thành tour du lịch sinh thái - lịch sử trên địa bàn và các vùng phụ cận. Đặc biệt, việc kết nối tuyến du lịch văn hóa - tâm linh Tây Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (Yên Dũng), vùng quan họ cổ (Việt Yên), vùng hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần (Lục Ngạn)... với Yên Thế trong tổng thể chương tình phát triển du lịch Bắc Giang. Hy vọng rằng, cùng với những định hướng đúng, thời gian tới Yên Thế sẽ triển khai thực hiện các biện pháp hữu hiệu để nhanh chóng đưa vùng đất sử thi này trở thành một điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch quốc gia.

(Theo Làng Việt Online)

TRẦN THƯỜNG
Bạn đang đọc bài viết "Yên Thế - Cơ hội khai thác tiềm năng du lịch" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.