Trụ sở làm việc UBND xã - Ảnh: P.V
Để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, Đảng bộ xã đã xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là tăng nhanh tỷ trọng giá trị trong GDP của các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ. Đồng thời giảm dần tương đối tỷ trọng giá trị trong GDP của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.
Trong năm tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 46,15 tỷ đồng. Trong đó nông, lâm, ngư đạt 30.2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 65,4%; Công nghiệp - xây dựng đạt 9,85 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 21,3%; Thương mại - dịch vụ đạt 6,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 13,2%. Tuy tỷ trọng ngành nông nghiệp còn cao nhưng đã có xu hướng giảm so với năm trước.
Từ đó lãnh đạo xã đã chỉ đạo bà con đưa các cây, con giống có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai của Xuân Yên để sản xuất đại trà để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó xã khuyến khích, hỗ trợ các hộ mua máy móc để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm sức lao động của con người, đồng thời tăng hiệu quả công việc lên cao hơn.
Vì vậy dù thời tiết, thiên tai có nhiều diễn biến bất thường đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nhưng kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Tổng diện tích gieo trồng trong năm 470/520, đạt 90% kế hoạch năm. Tổng sản lượng quy thóc đạt 1607 tấn, vượt 4% kế hoạch năm.
Kinh tế trang trại đã góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh, bình quân một doanh nghiệp thu hút khoảng 20 lao động, đang là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Nhiều công trình thủy lợi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thâm canh, tăng năng suất cây trồng đã bảo đảm tưới cho 90% diện tích lúa, hàng chục ha hoa màu; hệ thống đê điều được củng cố.
Về cơ bản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động xã nhà theo xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Số lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên, trong khi số lao động ngành nông nghiệp ngày càng giảm đi. Trong nội bộ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng đã có sự chuyển dịch ngày càng tích cực hơn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trên cơ sở đó, đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội nông thôn mà biểu hiện rõ nhất là thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu hộ nông thôn theo hướng ngày càng tăng thêm các hộ làm công nghiệp, thương mại và dịch vụ; trong khi số hộ làm nông nghiệp thuần tuý giảm dần.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con lên cao hơn một bước, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 22.700 nghìn đồng/người/năm, đồng thời nhân dân có thêm điều kiện để tham gia xây dựng nông thôn mới và thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại…