Xây dựng NTM ở Quỳnh Lưu (Nghệ An): Ghi nhận ở xã miền núi Ngọc Sơn

02/11/2015 11:10

Theo dõi trên

Là xã miền núi cách trung tâm huyện 7km về phía Tây, xã có địa bàn rộng, hệ thống giao thông lớn, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tuy nhiên, qua trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đánh giá, thời gian qua Ngọc Sơn là địa phương có truyền thống đoàn kết nội bộ tốt, luôn có sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của ban ngành cấp huyện, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, sự thống nhất, đồng lòng trong nhân dân, nhờ đó xã Ngọc Sơn đã đạt được những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM.

Nhóm phóng viên được lãnh đạo UBND huyện giới thiệu về xã Ngọc Sơn những ngày này, không khí vui tươi, sôi nổi diễn ra rộng khắp trên địa bàn xã khi đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Ông Hồ Văn Lập – Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn chia sẻ, hiện nay Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã nhà đang nỗ lực, tích cực dồn mọi nguồn lực để xây dựng, củng cố các tiêu chí NTM, chuẩn bị về đích trong năm nay.

"Qua 5 năm thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn xã nhà đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ. Ngọc Sơn có tỷ lệ km đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa 100 % đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, trên 85% kênh mương đã được kiên cố hóa. Công tác giáo dục có nhiều chuyển biến, 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất văn hóa từ xã đến thôn được củng cố và xây dựng mới. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và rèn luyện thể dục thể thao, 11/12 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, 12/12 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn quy định", ông Lập cho biết.


 
Diện mạo nông thôn mới ở xã Ngọc Sơn

Thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất, ngành nghề nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã có nhiều giải pháp tích cực như tiếp tục chỉnh trang cải tạo đồng ruộng, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như nâng cấp hồ đập, kiên cố hóa kênh mương, cứng hóa đường giao thông nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ đó nâng cao giá trị thu nhập. Xây dựng cánh đồng mẫu lớn diện tích 36,1 ha. Xã cũng duy trì các cơ sở mây tre đan xuất khẩu, sản xuất mộc dân dụng cơ khí. Đến năm 2013 được UBND tỉnh công nhận 2 làng nghề mây tre đan xuất khẩu. Từ các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đã được địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thoát nghèo bền vững, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 25,6 triệu đồng/người/năm; giảm nghèo năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo của xã 8,17%, năm 2014 6,16%, năm 2015 còn 3,86%.

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 90%; các tổ hợp tác của xã hoạt động có hiệu quả và đem lại hiệu quả kinh tế cao; tỷ lệ huy động trẻ đúng độ tuổi vào lớp học đạt 100%; trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia theo bộ tiêu chí mới của Bộ y tế; có 85% tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn đạt chuẩn Quốc gia; Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu trong nhiều năm liền. Chính trị ổn định, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị kinh tế, các thôn hoạt động có hiệu quả, công tác quốc phòng – an ninh được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên rõ nét...

Để chương trình NTM thành công, nguồn lực đóng vai trò vô cùng to lớn, từ năm 2011 đến nay xã Ngọc Sơn đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM 257,3 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 128,3 tỷ đồng, ngân sách xã 5,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 120,5 tỷ đồng, hai HTX đầu tư 3,0 tỷ đồng, các cá nhân, con em xa quê ủng hộ xây dựng phòng truyền thống 318,8 triệu đồng.

Theo ông Lập, tính đến tháng 8/2015, xã Ngọc Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Ngày 14/10 vừa qua,  Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh đã về đánh giá kết quả rà soát, tình hình triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn, tất cả các thành viên của Hội đồng tham gia thẩm định đều công nhận xã Ngọc Sơn đạt 19/19 tiêu chí.

“Trong thời gian tới, xã mong muốn tiếp tục được hỗ trợ xi măng để bê tông hóa đường giao thông, đề nghị Trung ương nên bố trí nguồn vốn trực tiếp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đề nghị UBND tỉnh, huyện tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ sản xuất để tăng thu nhập cho nhân dân”, ông Lập chia sẻ.
 

Kim Thoa

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng NTM ở Quỳnh Lưu (Nghệ An): Ghi nhận ở xã miền núi Ngọc Sơn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.