Xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Ô: Bài toán vẫn đang đi tìm lời giải!

27/11/2015 15:18

Theo dõi trên

Cho đến thời điểm này, huyện Vĩnh Linh là đơn vị dẫn đầu của tỉnh Quảng Trị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) với 3 xã đã về đích trong năm 2014. Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Linh là địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, từ đó tạo bước đột phá quan trọng, đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM.

Có thể nói, bằng nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả đồng thời phát huy tiềm lực của địa phương, sự vào cuộc của người dân cũng như các ban, ngành đoàn thể, nông thôn mới ở Vĩnh Linh đã thực sự góp phần thay đổi diện mạo. Tuy nhiên, đối với xã địa bàn vùng núi như Vĩnh Ô, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số thì quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần kịp thời tháo gỡ.

Vĩnh Ô là một xã vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, 98% đồng bào dân tộc thiểu số, phương thức canh tác lạc hậu chưa áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiếu đất sản xuất và tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Bắt tay vào xây dựng NTM, số tiêu chí mà Vĩnh Ô đạt được là rất thấp, sau 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đã đạt 5 tiêu chí.



Một góc thôn, bản ở Vĩnh Ô

Trao đổi vấn đề này với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Sáu cho biết, ngay sau khi tiếp nhận chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua các buổi họp thôn lồng ghép các cuộc họp sơ kết, tổng kết các ngành đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Triển khai cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” của UBND xã được nhân dân hưởng ứng tích cực, người dân đã tự nguyện hiến đất, cây lâm nghiệp để xây dựng đường giao thông nông thôn”, ông Sáu cho biết thêm.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, xã cũng chọn cách làm các tiêu chí nào thực hiện trước, tiêu chí nào khó cần nhiều vốn đầu tư làm sau.

Đặc biệt, thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã được hưởng các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình 135, đề án giảm nghèo bền vững. Xã cũng tập trung vào các hoạt động về chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển mô hình, tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất, tín dụng, chuỗi giá trị như mô hình nuôi lợn bản, mô hình trồng tràm, cao su… đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Từ năm 2009 bắt đầu có đường giao thông từ trung tâm huyện tới xã. Các công trình cũng nhiều hơn nên người dân thuận lợi hơn trong sản xuất, phát triển phát triển kinh tế. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường phát triển và ổn định.



Trụ sở làm việc xã

Theo ông Sáu, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đã triển khai và cũng đã có những kết quả đáng kể, các hạng mục xây dựng cơ bản, giao thông thủy lợi từng bước xây dựng, phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, khó khăn đối với địa bàn vùng núi như Vĩnh Ô còn nhiều, do nhận thức của bà con về chương trình mục tiêu còn hạn chế, khó khăn về tập quán sinh sống, địa bàn đồi núi, đường sá đi lại vẫn là bài toán của địa phương. Bên cạnh đó, xuất phát điểm quá thấp so với mặt bằng chung của toàn huyện cũng là một trong những lý do mà Vĩnh Ô khó thực hiện các tiêu chí còn lại.

Hiện nay, đường giao thông nông thôn từ xã đến các thôn, bản vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Xã vẫn còn thôn Mít chưa có điện thắp sáng.

Ông Sáu cho hay, kinh phí còn hạn chế, vùng đất sản xuất chủ yếu là rừng phòng hộ và đất thuộc dự án của Zika (Nhật) nên bà con còn vướng mắc trong phát triển sản xuất. Công tác tổ chức tập huấn để áp dụng KHKT vào chăn nuôi sản xuất cho bà con chưa nhiều, phương thức sản xuất còn lạc hậu, hiệu quả chưa cao.

Các tiêu chí giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường trong năm qua chưa được đầu tư nên chưa đạt chuẩn NTM. vướng mắc chưa có vốn.

Đến nay, xã vẫn chưa có nhà công vụ, cơ sở vật chất thiếu thốn, hệ thống thủy lợi tưới tiêu chưa có, đặc biệt là ở bản 8. Địa hình nhiều sông suối, kênh rạch, núi rừng bao phủ, người dân đi lại, sản xuất khó khăn. Nhưng hiện nay địa phương mới chỉ có 1 cây cầu nhỏ. Vào mùa mưa bão địa phương bị cô lập hoàn toàn, đặc biệt là ở bản 3 và bản Lền ít nhất bị cô lập trong vòng 1 tuần lễ.



Đường giao thông nông thôn vẫn chưa được đầu tư xây dựng

“Trong thời gian tới, xã mong muốn sẽ có nhiều cây cầu được xây dựng để người dân đi lại đỡ vất vả và nguy hiểm. Bên cạnh đó, theo Đề án giai đoạn 2015 - 2020 xã tăng cường phát triển trồng rừng, đưa mô hình, gắn liền trồng rừng với phát triển chăn nuôi, khắc phục những khó khăn xây dựng NTM”, ông Sáu chia sẻ.

Và để có thể hiện thực được mong muốn, Vĩnh Ô cần mở rộng diện tích đất sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, thu hút đầu tư chế biến nông sản mà sản phẩm chủ yếu sản xuất từ nông nghiệp. Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn chưa thực hiện được. Tập trung vào công tác chỉ đạo, tổ chức quản lý, điều hành chương trình đúng trọng tâm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Công tác quy hoạch; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng bộ, sát thực tế. Huy động và bố trí nguồn lực; cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn của Tỉnh, Bộ, ngành Trung ương.


Trần Hải

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Ô: Bài toán vẫn đang đi tìm lời giải!" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.