Xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Phúc: Những khó khăn, vướng mắc cần kịp thời giải quyết

07/12/2015 14:28

Theo dõi trên

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã khoác lên mình một diện mạo mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, với đặc thù là xã miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn nên việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống giao thông đang là vấn đề khó cần được tháo gỡ.

“Xác định rõ tầm quan trọng của nhân dân trong việc xây dựng NTM, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp giao ban ở xã, các cuộc họp xóm. Thường xuyên cử cán bộ tham gia tập huấn về xây dựng NTM ở huyện, thường xuyên tập huấn cho cán bộ, công chức xã và Bí thư, xóm trưởng thông qua các buổi họp dân với 1000 cuộc và trên 40.000 lượt người tham gia. Nhờ đó, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng NTM đã có chuyển biến rõ rệt. Người dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực, chủ động tham gia xây dựng quê hương với nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM”, ông Đặng Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc chia sẻ.


Xã Nghĩa Phúc đẩy mạnh các mô hình trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế

Theo ông Nam, cùng với việc tuyên truyền sâu rộng đến người dân về chương trình NTM, xã cũng chú trọng phát triển sản xuất. Thường xuyên đăng ký xây dựng cánh đồng mẫu, phối hợp với cấp trên thường xuyên mở các lớp đào tạo tập huấn về chuyển giao KHKT như trồng lúa, chăn nuôi đã góp phần làm thay đổi được nhận thức người dân trong việc áp dụng KHKT vào trong sản xuất và chăn nuôi, xóa bỏ dần tập tục cũ, đời sống nhân dân đi lên hàng ngày.

Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng đạt kết quả khả quan. Trong 5 năm qua, đã tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn và nạo vét các tuyến kênh mương thủy lợi, các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng cũng được xây dựng…

Đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi, cơ sở hạ tầng từng bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, công tác xóa đói giảm nghèo đã được quan tâm.

“Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở hạ tầng của xã chưa phát triển, chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất”, ông Nam trăn trở. “Điển hình là tiêu chí giao thông, tuy người dân đã hiến đất, hiến bờ rào và hàng nghìn ngày công để giải phóng hành lang đường giao thông nhưng vốn thực hiện lớn trong khi đó ngân sách của xã khó khăn. Muốn hoàn thành được các tiêu chí cần huy động từ nhiều nguồn lực, đặc biệt là huy động đóng góp của nhân dân. Song đời sống nhân dân trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động đóng góp với số tiền lớn là rất khó”, ông Nam nói.



Nhiều tuyến đường ở địa phương vẫn chưa được cứng hóa

Tiêu chí môi trường cũng là một trong những tiêu chí khó đối với xã, hiện nay nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là nước đá vôi nên người dân phải sử dụng nước mưa, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong toàn xã chỉ đạt khoảng 50%. Xã cũng chưa quy hoạch, xây dựng được bãi rác để thu gom rác thải theo quy định. Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế còn ít, nhân dân vẫn còn e ngại trong chuyển đổi cây trồng, vốn hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất chưa nhiều nên việc nâng cao thu nhập cho người dân cũng gặp không ít khó khăn.

“Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, Nghĩa Phúc tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng NTM, tranh thủ vốn hỗ trợ của cấp trên, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình khác nhau như chương trình 135 vào xây dựng NTM. Và quan trọng đó chính là sự quan tâm hỗ trợ từ cấp trên và các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm”, ông Nam cho biết.


Đậu Linh

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Phúc: Những khó khăn, vướng mắc cần kịp thời giải quyết" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.