Xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Dũng: "Đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu"

01/12/2015 08:01

Theo dõi trên

Sau 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhìn chung đã phần nào thấy được sự phát triển, đổi mới trong sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng đời sống dân sinh trên địa bàn toàn xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ, Nghệ An), đem lại một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn cho mọi người dân. Tuy nhiên do đặc thù là xã miền núi, nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã có 3 bản dân tộc ít người, đường giao thông đi lại bị xuống cấp nghiêm trọng nên việc hoàn thành 19 tiêu chí là việc khó đối với địa phương.

“Để thực hiện được các tiêu chí nông thôn mới trước hết phải có sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình từ phía nhân dân và để thay đổi nhận thức ỷ lại sang tự giác, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, từ 2011 - 2015 xã đã tổ chức 9 hội nghị lớn với 1570 người tham gia, tổ chức tại 13 xóm cho hơn 1600 hộ dân. Phát huy tinh thần thi đua xây dựng nông thôn mới giữa các xóm với các xóm, các vùng với nhau, nhân rộng các mô hình tiên tiến, tổ chức cho nhân dân tham quan học hỏi nhằm tạo điều kiện thi đua, nhân rộng những tấm gương cá nhân, những mô hình tập thể. Khi thực hiện tiêu chí nào thì chúng tôi phải căn cứ vào thực tế của địa phương và sức đóng góp của nhân dân đúng với phương châm “chậm mà chắc”, sàng lọc các tiêu chí có thể đạt được thực hiện trước, các tiêu chí nặng hơn, khó hơn thực hiện sau”, ông Nguyễn Doãn Loan, Chủ tịch UBND xã cho biết.


Trụ sở UBND xã Nghĩa Dũng

Đồng hành với mục tiêu xây dựng nông thôn mới đó là thúc đẩy kinh tế phát triển. 5 năm qua Đảng bộ và chính quyền xã đã xây dựng và thực hiện nhiều đề án phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân: Đề án chăn nuôi trâu bò vỗ béo tại xóm Cưa Đền, Tân Mỹ, mô hình cánh đồng mẫu tại xóm Cựa Đền, mô hình chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao tại xóm Cột Cờ, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật gồm 12 lớp với 840 người tham gia.

Sự thay đổi rõ nét nhất trong lĩnh vực kinh tế đó là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng thực tế trên lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, đưa được 90% trở lên các loại giống cây trồng vật nuôi đạt tiêu chuẩn, đưa các giống cây trồng cho năng suất cao hơn như giống lúa, ngô lai, lạc lai, mía, sắn, các loại giống chăn nuôi như trâu, bò lai sin, lợn siêu nạc. Nhờ những chính sách đó mà giờ đây cuộc sống của bà con xã Nghĩa Dũng đã có phần cải thiện, người dân chăm lo sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau làm kinh tế.

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay xã Nghĩa Dũng mới đạt 11/19 tiêu chí. Trong 8 tiêu chí còn lại thì giao thông và trường học là các tiêu chí mà xã gặp khó khăn nhất. Địa bàn rộng, dân cư phân bố không tập trung nên việc bê tông hóa 14,9 km đường liên xã và 49,6 km đường liên thôn là điều không thể đối với địa phương nếu chỉ huy động vào sức dân, hiện nay hầu hết các tuyến đường đều đã giải tỏa hành lang, hiến đất, mở rộng chỉ cần có kinh phí và có sự hỗ trợ là người dân bắt tay vào làm.

Không chỉ tiêu chí giao thông mà tiêu chí trường học vẫn đang là nút thắt khó gỡ. Trên địa bàn toàn xã có 3 cấp học đó là Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở trong đó Mầm non có 3 điểm trường, Tiểu học 3 điểm trường, Trung học cơ sở 2 điểm trường thuộc 2 xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Hợp, trong đó mới chỉ có duy nhất một trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.

Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Doãn Loan, chặng đường phấn đấu đưa địa phương trở thành xã nông thôn mới còn khá gian nan. Mặc dù chính quyền xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng do nguồn vốn  xây dựng khá cao nên quá trình thực hiện gặp nhiều trở ngại. “Khát” vốn là rào cản chính trên lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, khiến con đường về đích càng thêm trở ngại.



Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn xã chưa được cứng hóa

Để tháo gỡ những khó khăn, Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới xã Nghĩa Dũng đang tăng cường thực hiện chính sách an sinh xã hội, huy động sức đóng góp của người dân để mở rộng, cứng hóa đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, vận động chuyển đổi cây trồng vật nuôi hợp lý, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững; đồng thời, chú trọng tìm đầu ra cho nông sản, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, bên cạnh phát huy nội lực, Nghĩa Dũng đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía.
 

Đậu Linh

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Dũng: "Đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu"" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.