Theo Internet
Là loài hoa dân dã, không kiêu sa, đài các, nhưng bông Ô môi màu sắc lại dịu dàng, e ấp, đằm thắm như thôn nữ, nên khi ngắm nhìn ai cũng say mê. Vào những ngày nắng đẹp, ong bướm vờn quanh, chỉ cần cơn gió nhè nhẹ lùa qua, bông rơi vãi đầy bến sông, rồi lững lờ trôi theo con nước…
Bông Ô môi thanh tao, say đắm lòng người đến vậy, nhưng trái Ô môi thì lại xù xì, bởi dáng dài ngoằn, có lớp vỏ xanh dầy, thô cứng. Khi trái chín chuyển màu đen cong cong, treo lủng lẳng trên cành đong đưa theo gió.
Khi ăn, bọn tôi phải dùng sức ép hai đường gân cho xệu xạo, rồi mới nhóp nhép nhai từng múi Ô môi đen mật, ngòn ngọt…
Với bọn trẻ quê tôi, ăn Ô môi không chỉ để thỏa “cơn ghiền”, mà còn muốn có được một mớ hạt trơn bóng, ngà ngà xinh xắn.
Nghe bà nói, hạt Ô môi ngâm nước nóng một đêm cho mềm, rồi dùng mũi dao nhọn tách bỏ vỏ và cả nhụy, lấy cơm hạt Ô môi màu trắng đục đem nấu chè với đậu xanh rất ngon.
Tuy nhiên, con nít xứ đạo quê tôi, không mê món chè hạt Ô môi bằng việc lấy hạt, rồi kéo nhau kéo nhau ra gốc Ô môi ở bến sông, tụm ba, tụm bảy ngồi trên “tấm thảm hồng” chơi trò “búng hạt”.
Còn nhớ, lúc chơi, có đứa nghịch, nhặt những cánh hoa rơi tung lên trời múa hát, rồi có đứa trèo lên cây hái trái, bị bà rầy “coi chừng té tụi bây…”.
Lớn lên, chúng tôi mỗi người một hướng, mùa nối mùa tuột qua kẻ lá, nhưng cây Ô môi ngày nào vẫn đợi ở bến sông. Mỗi lần từ Long Xuyên về quê vào mùa Ô môi nở, lòng tôi ngây ngây như sống lại với bao kỷ niệm tuổi thơ.
Tha thiết ngắm nhìn, nâng niu từng cánh hoa, trong tôi bất chợt nhớ đoạn vọng cổ: "Ô môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ…”.