NSƯT Phạm Bằng. Ảnh: Afamily.
Bắt đầu nghiệp diễn khi đang là sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông Công chính theo lời rủ rê của bạn bè, nhưng phải đến năm 1959, khi gia nhập Đoàn Văn công Hà Nội, Phạm Bằng mới có cơ hội thể hiện tài năng. Năm 1964, Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội) được tách ra cùng các đoàn cải lương, chèo, ca múa nhạc, Phạm Bằng theo đoàn và được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời diễn chính thức, phần lớn là các vai phản diện. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, ông chuyển sang Đoàn Kịch nói trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) và bắt đầu với những vai hài để đời.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, dấu ấn trên sân khấu của Phạm Bằng còn ở vai Lý trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và vai Thương trong “Mớ đời Thương” đều đoạt Huy chương Vàng trong Hội diễn sân khấu toàn quốc.
NSND Lê Tiến Thọ nói: Tôi nghĩ ông đã học tập được từ Nghệ sĩ Nhân dân Đào Mộng Long, bước ra sân khấu là tạo được những ấn tượng. Ông biết phô diễn được tính chất nhân vật, từ động tác, hình thể đến đại từ, nhất là ánh mắt. Ánh mắt biểu diễn của những nghệ sĩ tài năng như một cái thần đến với khán giả, và chinh phục khán giả chính ở cái “Tinh – khí – thần” của nhân vật thì đó là nghệ sĩ Phạm Bằng.
Sau này, Phạm Bằng “lấn sân” sang điện ảnh với các phim “Ngày lễ thánh” và “Đất mẹ”. Tuy nhiên, ông để lại ấn tượng sâu đậm và được công chúng yêu quý nhất với vai “sếp” trong các tiểu phẩm của chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trên sóng VTV3 những năm đầu thế kỷ này. Ai từng có cơ hội làm việc với nghệ sĩ Phạm Bằng, sẽ thấy chất hài của ông là ở sự tìm tòi trong cách nhấn, nhả chữ, cách ngắt nghỉ, lên xuống, luyến láy giàu trí tuệ một cách tự nhiên.
Nghệ sĩ ưu tú Tố Uyên, người từng làm việc với Nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng trong phim “Ngày lễ thánh” chia sẻ: "Trong công việc, chú tuy có tuổi nhưng rất nhanh nhẹn. Lớp trẻ chúng tôi cũng phải học tập chú ấy. Tôi thấy chú đóng rất nhiều vai, thứ nhất đóng “Ngày lễ thánh” cùng tôi, rồi đóng kịch, một hai vở cũng đóng cùng".
Sinh thời, Phạm Bằng luôn tâm niệm, người nghệ sĩ muốn tỏa sáng trong nghệ thuật thì ngoài tài năng phải luôn học hỏi. Chưa một đạo diễn nào không hài lòng với cung cách làm việc của ông, nhất là khả năng sáng tạo, tìm tòi trong diễn xuất. Nếu nhiều diễn viên chỉ nhớ ý kịch bản rồi “phiêu” thì Phạm Bằng lại rất nghiêm túc học thuộc từng từ từng chữ, không bao giờ đến tập mà chưa thuộc lời. Có điều gì cần góp ý, ông trao đổi với tác giả và đạo diễn, thêm hay bớt đi một câu nào đó là cả một sự cân nhắc rất kỹ của ông.
Nếu trên sân khấu hay phim ảnh, khán giả thấy một Phạm Bằng dí dỏm, hài hước thì trong đời thường ông lại đơn giản, hòa nhã và khi đến với công việc, ông lại là con người nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Khi tuổi cao, trí nhớ giảm sút, ông không chọn đứng trên sân khấu với những vai diễn dài hơi, mà chuyển sang diễn tiểu phẩm, hoặc đóng phim để diễn được hoàn hảo, trọn vai.
Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết: "Tuy không còn trẻ, nhưng ông làm việc nhiệt tình một cách tuyệt vời, không những đúng giờ, làm trọn vai của mình mà ông còn chỉ bảo cho các đàn em rất tích cực thế nên ai cũng quý mến. Bên cạnh đấy, tính cách ông rất thú vị. Chúng ta biết quán bánh trôi Phạm Bằng, người ta đến đấy ăn bánh trôi một phần thôi nhưng người ta rất yêu quý ông, đến đấy ông nói chuyện vui vẻ, rất thú vị. Tôi rất tiếc khi chúng ta phải chia tay một con người tuyệt vời như thế".
Dẫu biết sinh tử là lẽ thường, nhất là khi người nghệ sĩ ấy đã ở tuổi 85, đã rút cạn đời mình hiến dâng cho nghệ thuật. Nhưng với phần đông khán giả, niềm tiếc nuối vẫn trĩu nặng trong lòng. Có lẽ sẽ chẳng ai quên “cái duyên” diễn hài của Phạm Bằng, cái "Khí", cái "Thần” ông đã thổi vào từng nhân vật, hay lòng tự trọng nghề nghiệp và tôn trọng khán giả của một người nghệ sĩ tâm tài./.
(Theo vov.vn)