
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân - Ảnh: P.V
Ông Nguyễn Quốc Luận, Chủ tịch UBND xã vừa cho biết: “Xã Nghĩa Thắng có diện tích 730 ha với 3000 người dân. Có 6 xóm trong đó có 1 xóm thuộc diện 135, gồm 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, đó là Kinh, Thái, Thổ. Nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/người/năm. Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, thời gian qua xã đã có những chính sách, khuyến khích lao động tham gia xuất khẩu nhằm giải quyết việc làm, thay đổi kinh tế của các hộ gia đình”.
Xác định xuất khẩu lao động là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết việc làm và nâng cao mức thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn, chính quyền xã đã chú trọng đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tạo điều kiện để người lao động tìm hiểu các thông tin về việc làm, cũng như thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng.
Theo đó, xã Nghĩa Thắng đã làm việc với một số doanh nghiệp uy tín đưa lao động đi xuất khẩu như: Công ty cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại, công ty vilemxin… Để đảm bảo cho người lao động xuất cảnh đúng thời gian, giảm chi phí.
Ngoài ra, địa phương còn làm việc với ngân hàng chính sách xã hội huyện Nghĩa Đàn, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn để giúp người lao động dễ tiếp cận với các vốn vay. Đối với hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo địa phương đứng ra ký cam kết với các ngân hàng về các khoản vay.

Nhà văn hóa xóm Tân Phong được đầu tư xây dựng rộng, đẹp có sân thể thao phục vụ cho bà con - Ảnh: P.V
Hiện nay toàn xã có hơn 145 lao động đang làm việc tại các nước Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điển hình tham gia vào công tác như xóm Tân Phong, xóm Sình, xóm Rải, xóm U…
Ông Luận khẳng định, nhờ có người đi xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình trong xã Nghĩa Thắng đã xây dựng nhà cửa to đẹp và dành dụm được khoản vốn nhất định để đầu tư sản xuất thoát khỏi hộ nghèo, con em có điều kiện học tập tốt hơn, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao, bộ mặt làng quê có nhiều thay đổi… góp phần xây dựng xã nông thôn mới bền vững trong tương lai.
Không chỉ ông Luận mà ngay bản thân chúng tôi cũng phải ghi nhận một điều rằng, những lao động đi xuất khẩu sau khi trở về quê hương đều có kỹ năng nghề, ngôn ngữ cũng như tác phong làm việc chuyên nghiệp. Từ đó, họ sẽ dễ dàng xin việc vào các công ty liên doanh tại Việt Nam hoặc có thể tự lập nghiệp trên chính mảnh đất mình sinh ra.
Khi được hỏi về hướng đi trong thời gian tới, ông Luận trả lời: “Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các lao động ở địa phương mạnh dạn đi xuất khẩu lao động ở các thị trường an toàn, thu nhập ổn định. Còn về phía địa phương tiếp tục làm việc với một số công ty uy tín, mức lương cao để người lao động tiếp cận; tạo điều kiện tối đa trong thủ tục hành chính, hướng dẫn người lao động tiếp cận các ngân hàng để vay vốn xuất khẩu lao động”.