“Vương quốc” lác bên dòng Cổ Chiên

13/03/2018 15:59

Theo dõi trên

Nằm bên dòng sông Cổ Chiên, xã Đức Mỹ (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) bây giờ được ví là “vương quốc” lác ở miền Tây. Bởi, sau 10 năm mạnh dạn đưa cây lác thay thế cây lúa trên đất nhiễm phèn, mặn đã giúp nhiều hộ dân nơi đây đổi đời...

Cánh đồng trăm triệu

Những ngày đầu năm 2018, trên cánh đồng lác rộng hơn 530ha nằm trải dài theo dòng sông Cổ Chiên rộn rã tiếng nói cười của hàng trăm người tất bật với việc thu hoạch, chẻ, phơi lác... Người dân Đức Mỹ ai cũng phấn khởi vì vụ lác này đạt năng suất cao, lại bán được giá.
 
Ông Kim Văn Tiền (ngụ ấp Đức Hiệp), cho biết: “Năng suất vụ này tăng hơn vụ trước từ 100 - 150kg/công, mỗi công ước đạt trên 1 tấn lác khô. Lác ở Đức Mỹ loại 1 cọng dài hơn 2m, màu sắc đẹp, dẻo nên được thu mua với giá 19.000-20.000 đồng/kg, còn lác loại 2 có giá 14.000 - 15.000 đồng/kg, trừ chi phí cầm chắc lời 80 triệu đồng/ha. Một năm, cây lác thu hoạch được 3 vụ nên tính ra chưa có cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây lác”.
 
 
Lác Đức Mỹ được thương lái thu mua đưa đi các tỉnh. Ảnh: Bình Nguyên

Ông Nguyễn Văn Trọng (ngụ ấp Đức Mỹ A) đang bán lác cho thương lái cho biết trước đây 7 công ruộng của gia đình ông làm lúa vụ trúng vụ thất, cuộc sống rất bấp bênh. Sau đó ông quyết định chuyển qua trồng lác, giờ đây thu nhập cao hơn rất nhiều. “Mỗi công lác thu hoạch đạt từ 1 - 1,5 tấn lác khô các loại, mỗi năm làm 2 - 3 vụ. Lác của tôi hiện bán hơn 14.000 đồng/kg nên vụ này cũng thu vô hơn 100 triệu đồng”, ông Trọng nói.
 
Để có được thành quả như hôm nay công đầu thuộc về chính quyền xã Mỹ Đức khi dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khuyến khích người dân xóa bỏ cây lúa một vụ bấp bênh để thay thế bằng cây lác vốn được xem là cây hoang dại. Ông Mai Thanh Tú, cán bộ nông nghiệp xã Đức Mỹ, cho biết trước đây địa phương đã tìm nhiều phương cách cải tạo lại đất nông nghiệp để phát triển cây lúa nhưng vẫn không sao rửa hết được phèn, ngăn được mặn xâm nhập. Trồng cây lúa chưa có năm nào năng suất đạt được 4 tấn/ha, nên cuộc sống của người dân cứ quẩn quanh cái vòng thiếu ăn, thiếu mặc, hàng trăm hộ nghèo phải xa quê đi làm thuê nơi khác.
 
Năm 2006, khi nghề dệt thảm lác xuất khẩu ở tỉnh Vĩnh Long và số nơi khác phát triển rầm rộ. Nguồn nguyên liệu từ cây lác trên thị trường trở thành mặt hàng cung không đủ cầu nên thường trực Đảng ủy và UBND xã mới quyết định đề ra chủ trương chuyển đổi cây lúa sang trồng cây lác. "Ban đầu, xã vận động, khuyến khích vài chục hộ dân trồng thử vài chục héc ta. Thấy được hiệu quả, người dân địa phương dần tự chuyển đổi sang trồng lác và đến giờ diện tích đã hơn 530ha, cuộc sống người trồng lác ngày một sung túc", ông Tú nói.
 
Liên kết sản xuất 
 
Sau chuyển đổi, diện tích lác tại Đức Mỹ không ngừng tăng lên nhưng sản phẩm vẫn chỉ bán theo dạng nguyên liệu thô để các đầu mối khắp nơi đến mua về làm hàng thủ công mỹ nghệ, dệt chiếu nên hiệu quả kinh tế chưa thật sự cao. Bên cạnh đó, hầu hết nguồn tiêu thụ lác đều phụ thuộc vào thương lái nên giá cả khá bấp bênh.
 
Để giải quyết đầu ra ổn định cho cây lác, người dân ở Đức Mỹ bắt đầu tổ chức sản xuất theo hướng sử dụng nguyên liệu tại địa phương hợp tác với các đơn vị ngoài tỉnh làm hàng xuất khẩu hoặc tự tổ chức sản xuất. Đặc biệt, UBND xã Đức Mỹ khuyến khích người dân tham gia thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để mở ra thêm nghề dệt thảm, chiếu lác xuất khẩu. Vào làm ăn hợp tác, người dân chủ động được đầu ra cho cây lác, không lo ngại tư thương ép giá, tận dụng được thời gian nông nhàn dệt thảm, chiếu và se lõi lác có thêm thu nhập.
 
 
Nghề dệt chiếu lác tại Đức Mỹ tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: Bình Nguyên

Anh Trương Văn Sỹ, chủ cơ sở sản xuất chiếu cao cấp Khánh Vy (ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ), cho biết khoảng 3 năm trước, thấy nguồn lác tại địa phương nhiều trong khi bà con phải bán nguyên liệu thô, một số hộ thì dệt chiếu thủ công nên anh quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng mua 10 máy dệt về tổ chức sản xuất. “Bây giờ, mỗi tháng tôi thu mua của bà con khoảng 3 tấn lác khô, sản xuất khoảng 1.000 chiếc chiếu với nhiều kích cỡ, bán từ 70.000 – 90.000 đồng/chiếc, qua đó cũng tạo thêm được việc làm cho hàng chục lao động địa phương”, anh Sỹ nói.
 
Thêm một tin vui cho người dân Đức Mỹ vào đầu năm mới một hợp tác xã chuyên thu mua lác ra đời tại địa phương. Hợp tác xã này được thành lập khẳng định chủ trương nhất quán của xã trong việc tổ chức sản xuất theo hướng bền vững. Ông Trần Hậu Giang, Giám đốc Hợp tác xã Đức Phát, cho biết hợp tác xã mới thành lập với 60 xã viên. “Chúng tôi sẽ cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con, sau đó tổ chức bao tiêu lác cho xã viên để bà con không phải mất tiền khi bán qua trung gian”.
 
Toàn xã Đức Mỹ đã có 1.600 hộ dân tham gia vào làm ăn tập thể, gắn bó với cái nghề chẻ, phơi, se lõi lác, dệt thảm, chiếu xuất khẩu. Một số hộ mạnh dạn đầu tư máy dệt thay cho khung dệt thủ công. Năm 2009, Đức Mỹ cũng được công nhận là làng nghề dệt thảm, chiếu xuất khẩu và trở thành thành viên Hiệp hội làng nghề Việt Nam.
 
Những năm qua, làng nghề dệt thảm, chiếu xuất khẩu Đức Mỹ luôn đứng đầu các làng nghề khác trong tỉnh Trà Vinh về làm ăn hiệu quả. Bình quân mỗi lao động tận dụng thời gian nhàn rỗi để se lõi lác, đan thảm, dệt chiếu mỗi ngày cũng có thêm thu nhập khoảng 80.000 đồng. Ông Mai Thanh Tú cho biết: “Nhờ cây lác mà thu nhập đầu người của địa phương tăng lên đáng kể, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ có cuộc sống ấm no, sung túc. Tới đây, địa phương khuyến khích người dân nâng cao chất lượng sản phẩm,  tìm đầu ra để dễ dàng  tiêu thụ, đưa sản phẩm lác vươn xa”.
 
Bình Nguyên
Theo Báo Cần Thơ Online

Bạn đang đọc bài viết "“Vương quốc” lác bên dòng Cổ Chiên" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.