Vui buồn nghề giúp việc

22/10/2016 13:58

Theo dõi trên

Xa gia đình, làng quê lên thành thị làm nghề giúp việc, những người phụ nữ xuất thân từ các vùng quê nghèo đã quen với cuộc sống lam lũ, tần tảo một nắng hai sương nay lại âm thầm, lặng lẽ hy sinh hạnh phúc cá nhân vì miếng cơm manh áo của gia đình.



Công việc của người giúp việc gia đình chủ yếu là chăm sóc trẻ và nội trợ như nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa.

Chị Lê Thị Lan ở Thị Trấn Thanh Ba  có "thâm niên" 6 năm làm nghề giúp việc gia đình. Nhà có 2 mẹ con, cuộc sống trông cả vào mấy sào ruộng nên khó khăn, thiếu đói triền miên. Được người quen ở phường Nông Trang, thành phố Việt Trì gợi ý giúp việc cho gia đình, chị rời quê lên thành phố bắt đầu làm quen với việc hàng ngày lau dọn nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, đưa đón con chủ nhà đi học. Chủ nhà thấy chị chăm chỉ, biết việc, lại thật thà nên coi như người nhà. “Mỗi tháng tôi được trả lương 3 triệu đồng cùng chi phí đi lại mỗi lần về thăm nhà, mọi sinh hoạt chung với nhà chủ”, chị Lan  chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị  Lan Anh, quê ở Lâm Thao đến với nghề giúp việc gia đình khá bất ngờ: Năm 2012, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tìm việc, nhưng vì không có trình độ chuyên môn nên nhân viên Trung tâm gợi ý chị đi giúp việc gia đình. Hiện chị đang làm cho một gia đình tại Đài Loan và vừa được nghỉ 10 ngày về thăm con, mỗi tháng được trả lương 10 triệu đồng, ăn ở, sinh hoạt chung với gia chủ. Chị  Anh tâm sự: “Chuyên làm những việc không tên, mới nghe tưởng dễ nhưng để trụ được với nghề không đơn giản. Nghề đòi hỏi sự cẩn thận, sạch sẽ nhưng trên hết là phải thật thà. Thời gian đầu, khi mới đặt chân sang Đài Loan làm việc thực sự rất khó khăn. Môi trường sống, công việc  đều lạ lẫm. Rất may mình có biết chút ngoại ngữ. Chủ nhà cũng thoải mái. Hai bên trao đổi thẳng thắn với nhau, do đó những vướng mắc cũng dần được giải quyết ổn thỏa. Cũng nhờ biết ngoại ngữ, hiểu được những yêu cầu của chủ nhà nên mình được họ coi như người nhà vậy. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên mình đành dừng chuyện học hành lại để kiếm việc, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chắc mình chỉ làm việc cho gia đình người Đài Loan  một thời gian nữa thôi, để cố gắng hoàn trả nốt khoản nợ còn lại của gia đình cũng như kiếm thêm một khoản tiết kiệm. Sau đó, mình sẽ về quê cùng chồng mở cửa hàng kinh doanh”.

Biết bao kỷ niệm vui buồn trong nghề giúp việc, chị nào cũng đã từng gặp sự cố. Có chủ nhà khó tính, các chị vừa vệ sinh nhà xong, chủ đi kiểm tra bắt làm lại cũng phải chịu. Dù được trang bị khẩu trang, bao tay nhưng đôi lúc các chị cũng không tránh được những tai nạn nghề nghiệp như đứt tay chân, vệ sinh cầu thang trơn bị ngã, lau các đồ điện bị chạm mạch điện giật, đồ vật rơi trúng người.

Chị Nguyễn Thị Tân, quê ở Cẩm Khê, giúp việc cho một gia đình ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì được mấy tháng thì nghỉ, chia sẻ: “Lúc đầu theo thỏa thuận, tôi chỉ trông em bé với lương 2,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khi vào làm thì tôi được giao cả nhiệm vụ nấu ăn, thậm chí giặt giũ cho cả gia đình. Công việc vất vả từ sáng đến tối vẫn không hết, tôi đề nghị chủ nhà tăng thêm tiền nhưng họ không chịu nên nghỉ việc”. Nghề giúp việc gia đình đôi khi phải chịu sự khinh miệt, coi thường của không ít người. Gặp gia đình nhà chủ hiểu biết, cảm thông thì không sao, chứ gặp phải gia đình ỷ có tiền hống hách thì phải nghe những lời nói… không lọt tai. Đó là chưa kể khi lỡ tay làm vỡ hoặc hư hỏng đồ dùng trong nhà thì lương tháng đó bị trừ tùy theo giá trị của đồ vật. Chỉ cần chủ nhà không vừa ý thì lập tức mất việc. “Mình chủ yếu hợp đồng miệng chứ đâu có ràng buộc gì. Vì vậy, nếu nghỉ việc thì mình phải chịu thiệt thòi, thậm chí còn bị trừ lương vì nhiều lý do”, chị Tân nói.

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều tâm sự của người lao động làm công việc giúp việc gia đình. Có khó khăn, vất vả,… nhưng cũng có những niềm vui, ước mơ, sự hứa hẹn về một tương lai phía trước. Có cầu ắt có cung. Xã hội phân công, mỗi người một nghề, công việc khác nhau.  Như bao nghề mưu sinh khác, người làm nghề giúp việc bỏ công sức và nhận thù lao chính đáng nên cần được xã hội trân trọng, tôn vinh.

(Theo Báo Phú Thọ)

Hạnh Thúy
Bạn đang đọc bài viết "Vui buồn nghề giúp việc" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.