Vui buồn chuyện hát karaoke di động

24/10/2016 16:27

Theo dõi trên

Nhờ đặc tính nhanh, tiện và rẻ nên karaoke di động - một hình thức giải trí mới được nhiều người ưa chuộng và đang trở thành trào lưu. Tuy nhiên, trong các cuộc vui, một số người đã vượt quá giới hạn cho phép, gây ra ồn ào và ảnh hưởng đời sống của mọi người xung quanh.



Một tiểu thương ở chợ Tuy Hòa hát karaoke bằng loa kẹo kéo - Ảnh: Thiên Lý

Hát từ nhà tới chợ

Không nhiều thiết bị và cồng kềnh như dàn nhạc sống, karaoke di động chỉ gồm một chiếc loa thùng di động (thường gọi là loa kẹo kéo), một chiếc USB, thẻ nhớ chép các bài hát, micro, kèm theo chiếc máy tính bảng để đọc lời bài hát là có thể làm cho nhiều người cảm thấy vui vẻ, nhất là những người “chân lấm tay bùn”, hàng ngày chăm bẵm công việc đồng áng.

Chị Nguyễn Thị Hiệp ở thôn Tuy Dương, xã An Hiệp (huyện Tuy An), chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 4 người con, chúng nó đều đi làm ăn xa, chỉ còn hai vợ chồng lủi thủi ở nhà, sáng sớm đi rẫy đến tối mới về tới nhà. Khi có karaoke di động, vợ chồng quyết định bỏ ra gần 7 triệu đồng mua một bộ để giải khuây khi rảnh rỗi”.

Không chỉ gia đình chị Hiệp, hiện nay, ở các vùng quê, nhiều người sắm “loa kẹo kéo” để hát hò cho vui mỗi khi rảnh rỗi, hay khi gia đình, làng xóm có “sự kiện” gì đó.

Karaoke di động không chỉ được các gia đình ở nông thôn ưa chuộng, mà còn len lỏi vào tận ngõ ngách của các khu chợ quê cho đến chợ phố. Chị Nguyễn Thị Thúy (46 tuổi), chủ quầy trái cây ở chợ Tuy Hòa, rôm rả nói: “Tôi bán hàng ở đây hơn 30 năm, lúc đắt hàng thì bán không kịp trở tay, còn khi chợ ế ẩm thì chị em thường “tám” với nhau cho qua thời gian. Gần đây, nhiều người đến tận quầy hàng quảng cáo dịch vụ cho thuê karaoke nhạc sống, thậm chí còn phát cả “card visit”. Thấy dịch vụ này cũng khá thú vị nên trong lúc không có khách mua, tôi rủ thêm vài chị em góp nhau mỗi người một ít tiền thuê về hát tại chợ cho vui”.

Người có nhu cầu thuê dịch vụ mỗi lúc một nhiều, kéo theo các chủ tiệm cũng ngày càng ăn nên làm ra. Vì vậy, số lượng người cho thuê “loa kẹo kéo” ngày một nhiều hơn. Anh Trần Ngọc Tiến, chuyên cho thuê “loa kẹo kéo” tại chợ Tuy Hòa, cho biết: “Ai có nhu cầu thuê dịch vụ này thì chỉ cần gọi điện thoại là tôi chở tới tận nơi. Nếu karaoke sử dụng màn hình tivi thì có giá 50.000 đồng/giờ, còn sử dụng máy tính bảng có giá 30.000 đồng/tiếng. Ngày nhiều nhất, tôi có thể cho thuê đến 6-7 chủ, vào thứ bảy và chủ nhật người thuê loa hát rất nhiều”.

“Tra tấn xóm làng”

Yêu thích ca hát và muốn được hát là nhu cầu giải trí lành mạnh, chính đáng, cần thiết trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên, thực tế trong các “bữa tiệc” âm nhạc, nhiều người mất kiểm soát, lạm dụng quá đà gây ồn ào, mất trật tự, khiến karaoke di động trở thành một “thảm họa” đối với nhiều người dân mỗi khi nhắc đến. Họ mở âm thanh cực lớn và hát bất kể thời gian nào, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều người xung quanh, nhất là người già và trẻ em.

Anh Phạm Xuân Cầu ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), bức xúc: “Trong xóm có hơn một nửa nhà thường xuyên hát karaoke di động cũng như cố định, trong đó có một số nhà hát bất kể giờ giấc. Sáng, trưa, chiều, tối - khi cảm thấy thích là họ hát. Hát vô tội vạ với tần suất âm thanh “tra tấn” người xung quanh, trẻ em thì không học bài được. Bức xúc là vậy, nhưng không ai dám nói vì sợ mích lòng nhau. Vì vậy, mỗi lần họ hát thì mình đóng cửa nhà lại để giảm tiếng ồn”.

Để chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm âm thanh, năm 2013 Chính phủ đã ban hành các Nghị định 158, 179, 167 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình; quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội liên quan đến hoạt động “hát nhạc sống”. Năm 2015, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị 09 về việc tăng cường quản lý hoạt động “hát nhạc sống” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ không xét công nhận các danh hiệu thôn, buôn, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa đối với các địa phương, gia đình vi phạm trong hát nhạc sống gây bức xúc trong nhân dân; danh tính những tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị công bố trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Sở VH-TT-DL Phú Yên cũng có văn bản hướng dẫn các phòng VH-TT các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức chấp hành pháp luật khi tổ chức hát “nhạc sống”…

Bà Trần Hoa Thắng, Phó Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết để tăng cường quản lý hoạt động hát nhạc sống, karaoke di động trên địa bàn tỉnh, sở đã phối hợp Công an tỉnh phổ biến các quy định có liên quan đến nội dung này. Tuy nhiên, hiện lực lượng chức năng còn khó xử lý các hành vi liên quan đến hát karaoke di động.

Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định: Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. Điều 17, Nghị định 179/2013 của Chính phủ quy định: Vi phạm các quy định về tiếng ồn bị phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA; phạt tiền từ 5-20 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 5 dBA đến dưới 10 dBA…; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân...

(Theo Báo Phú Yên)

Thiên Lý
Bạn đang đọc bài viết "Vui buồn chuyện hát karaoke di động " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.