Hàng nghìn món đồ cổ được xếp kín trên vách ngăn.
Kho đồ cổ độc, lạ, ngoài sức tưởng tượng…
Nhà sưu tập nhớ khi mới vừa học hết phổ thông, chưa kịp giúp gia đình được bao nhiêu thì đến tuổi vào bộ đội. Năm 1990, anh xuất ngũ, thay chiếc áo lính bằng chiếc áo công nhân vệ sinh. Ngoài những lúc đi ca anh làm thêm nghề mua bán đồ lạc xoong để tồn tại. Đó là khoảng thời gian anh có dịp tiếp xúc được nhiều giới, trong đó có giới chơi cây cảnh và sưu tầm cổ vật.
Anh nghĩ chơi đồ cổ thì tốn kém và cũng kén người, còn chơi cây cảnh hồi ấy đang nổi nên anh quyết định chuyển sang lĩnh vực kinh doanh cây cảnh. Sau mấy năm dốc toàn tâm, toàn lực đã đem về cho anh số vốn kha khá, anh tích cóp bằng cách mua những món đồ cổ mà mình ưa thích. Với phương châm “kiến tha lâu đầy tổ”, mỗi tháng rồi đến mỗi tuần và sau cùng là mỗi ngày “tha” về nhà một món. Cho đến nay, gần 30 năm sưu tầm hiện vật của anh đã vượt quá con số 100.000 món các loại: tô, chén, dĩa, bình trà, bình bông, tượng… có xuất xứ từ nhiều quốc gia nhưng phần lớn là đồ gốm sứ Việt Nam qua các thời kỳ. Đáng nói là anh có đầy đủ bộ gốm sứ 3 miền Bắc, Trung, Nam: Óc Eo, Đông Sơn, Chăm, Bát Tràng, gốm Biên Hòa, Lái Thiêu, gốm Cây Mai… thuộc nhiều thế kỷ trước. Trong đó có những hiện vật độc bản, có niên đại hàng trăm năm, rất quý hiếm, như các tượng đá Sa Huỳnh (thế kỷ 14); tượng nữ thần Chăm (thế kỷ 17); tượng thần đèn độc bản bằng gốm Bát Tràng (thế kỷ 18); choé Thuý Hồng – Quảng Đức (thế kỷ 17), thuộc dòng gốm Tuy Hòa, Phú Yên, có màu đỏ huyết do được nung bằng củi và con sò tươi ở nhiệt độ khoảng 500 độ C làm cho sản phẩm có màu huyết… Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật độc đáo, vô giá khác như chiếc gối bằng sứ của hoàng tử đời Minh; chiếc bình bát Huệ Tôn – đây là chiếc bình vẽ cảnh vua Quang Trung cùng đoàn tuỳ tùng lúc mới lên ngôi về thăm ngôi làng ở quê nhà được lò gốm Lái Thiêu làm cách nay khoảng 80 năm…
Tuy vậy, trong số cả trăm ngàn hiện vật đang sở hữu anh nói chỉ mới chọn ra hai bộ sưu tập lộc bình và đĩa, cả hai đều có số lượng hơn 5.000 chiếc được xác lập 2 kỷ lục: người sở hữu lộc bình xưa nhiều nhất và đĩa xưa nhiều nhất Việt Nam. Giới sưu tầm đồ cổ phương Nam rất ít khi nhắc đến tên Đinh Công Tường mà gọi anh là “vua đồ cổ”.
Nhà sưu tầm Đinh Công Tường.
Bài học của ông “vua đồ cổ”
Anh Tường chia sẻ: Từ lúc sưu tầm đến giờ chưa từng bán lại bất cứ món nào, cho dù qua thời gian hay di chuyển chúng bị sứt mẻ hoặc hư hỏng. Với tính cách phóng khoáng, vui vẻ, dễ gần, anh nói mình đi tới đâu cũng sẵn lòng kết bạn nên nhiều lúc vô tình vớ phải món hàng độc, hiếm. Anh nói đó là cái duyên trong sưu tầm, vì có nhiều tiền đôi lúc chưa chắc người ta bán cho mình. Để có cổ vật hiếm nhiều khi phải thuyết phục chủ nhân mất có đến vài năm. Song, kinh nghiệm sưu tầm cổ vật của anh cho đến giờ có thể nói là “ai cũng bị lừa”. Một bài học tưởng chừng đơn giản nhưng khi bước vào nghề hầu như ai cũng phải trả giá. Anh nhớ lúc mới vào nghề anh bị một cậu bé dàn cảnh lừa mất đến 10 cây vàng mà mãi nhiều năm sau anh mới biết do người lớn “đạo diễn”. Số là trong một lần anh xuống tận dưới Nhà Bè để xem mất chiếc lộc bình cổ. Chủ nhân mấy chiếc lộc bình cho cháu bé chừng 12, 13 tuổi ra đầu chợ Phú Xuân đón, dẫn đi sâu vào trong cánh đồng đến một ngôi nhà trên bàn thờ còn khăn tang, khói nhang nghi ngút. Ông chủ nhà trạc ngũ tuần, giới thiệu vợ ông mới mất chưa lâu, nhà khánh kiệt, muốn bán một số đồ thờ để xây cất mộ phần và sửa sang lại căn nhà. Ông bước đến bên bàn thờ lấy xuống hai chiếc lộc bình còn chưng hoa cúc trắng, nói mình còn 4 chiếc lộc bình khác và có ý định bán hết. Ông sẵn sàng cho xem hết nhưng nếu mua phải đặt cọc trước 50 triệu đồng (lúc đó tương đương 10 cây vàng). Chiều hôm sau “vua đồ cổ” quay lại đặt cọc và xin mang về trước 2 chiếc, người bán đồng ý, sau khi về xem kỹ mới “té ngửa” vì cả hai đều là hàng giả cổ mới ra lò. Vì là mua bán đồ cổ được cho là hàng cấm, nên chỉ biết kêu trời và nguyền rủa kẻ đã giăng bẫy lừa mình. Mấy năm sau đó anh bị lừa liên tiếp hai lần nữa ở Tiền Giang và Bạc Liêu. Cả hai lần anh đều mua nhầm hàng giả cổ, chúng được “dân lừa đảo” ngâm trong nước biển cho hào bám khiến anh mất tiếp 12 cây vàng.
Hiện thời với số lượng hiện vật “ngoài sức tưởng tượng” nhưng anh nói chưa có ý định thành lập bảo tàng tư nhân cho công chúng thưởng ngoạn. Chỉ vì với anh nó vẫn còn thiếu nhiều món mà hiện thời anh đang “lùng” cho bằng được, sau đó mới nghĩ đến chuyện lập bảo tàng. Vả lại anh nói đang cùng vài người bạn rất bận rộn với dự án “từ thiện”, nhằm giúp đỡ những đứa trẻ không nhà, những người già không nơi nương tựa… bằng những món quà thiết thực được anh và nhóm bạn trao tận tay. Anh nói thời thiếu thốn của mình đã qua, nhưng hiện tại quanh mình vẫn còn nhiều mảnh đời quá khó khăn cần đến sự giúp đỡ nên sẵn sàng chia sẻ với họ trong khả năng của mình.
Theo baodulich.net.vn