Voi rừng linh thiêng Bên sông mã (Bài cuối): Sự trở về trong "thù hận"

21/11/2014 10:17

Theo dõi trên

Theo nhiều người dân ở đất Sông Mã và Phiêng Cằm thì con voi cái độc đàn này vốn là nạn nhân trong một vụ săn bắn cách đây hơn 20 năm tại huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La (khi ấy huyện Sốp Cộp vẫn thuộc huyện Sông Mã). Trong cuộc săn ấy, con voi mẹ đã bị bắn chết và bị người dân xẻ thịt. Voi con lẩn quất trong rừng, chứng kiến cảnh người ta giết thịt mẹ mình và ôm một mối hận ngút trời.

Loài voi vốn rất thông minh, có trí nhớ và hành động kỳ lạ trước những cái chết, kể cả khi chính nó gây ra. Không ai có thể quên được vụ voi rừng quật chết cháu Phàng A Thênh, học lớp 7 ở xã Phiêng Cằm do nghi ngờ cháu đe dọa đến sự an nguy của nó vào tháng 3.2003. Sau khi quật cháu Thênh đến chết, nó vẫn quơ vòi bẻ cành cây quanh đó đậy lên xác cháu Thênh như hành động nhân đạo cuối cùng với người đã khuất (?).

Tìm lại xác mẹ

Sau khi bị mất mẹ, con voi này đã lưu lạc sang đất Lào nhiều năm liền và chỉ trở về Sơn La khi đã trưởng thành. Với sự theo dõi của chuyên ngành kiểm lâm, người ta khẳng định con voi độc đàn hiện nay chính là con voi mồ côi mẹ ở đất Sốp Cộp năm 1997. 




Con Voi rừng độc đàn vẫn thường về thăm lại quê hương  trên đất Chiềng Khoong huyện Sông Mã, Sơn La.  (Ảnh: Kiều Thiện)

Chỉ có một điều lạ là trước đây nó rất ít về và có về thì cũng chủ yếu chỉ ở trong rừng sâu và với thời gian ngắn như khách du lịch. Nhưng bây giờ nó về đây thường xuyên, ở dài ngày hơn và sống sát con người hơn như đang muốn tìm lại xác mẹ mình. “Bộ xương của con voi mẹ đó chúng tôi đã thu hồi về Hạt Kiểm lâm huyện, đem chôn ở một góc vườn. Sau này cải tạo trụ sở Hạt, chả biết để đâu nên đã đem ra ngoài Chi cục ở thành phố Sơn La cất vào kho lưu trữ, hiện giờ vẫn còn những cục xương rất to, chả ai biết dùng để làm gì” - anh Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã, bảo vậy.

Còn theo sự phân tích của ông Lò Xuân Doan – một kiểm lâm viên sinh ra và lớn lên ở đất Sông Mã thì con voi “đa quốc tịch” này sống đến hôm nay chắc hẳn trong lòng nó không chỉ chứa chất một nỗi hận thù khi bị giết mẹ năm nào. “Nó hẳn đã nhiều lần bị đe dọa, săn bắn, bẫy hụt nên bây giờ luôn cảnh giác với con người, sẵn sàng nổi giận hay tấn công người và nếu cần cũng rất khôn ngoan”.

Với con vật như vậy, tốt nhất là nên biết giữ khoảng cách an toàn và thái độ thận trọng, mềm mỏng khi cư xử với nó”.

Dù hiện đã cao trên 3,5m, nặng khoảng trên 4 tấn nhưng nó di chuyển rất nhẹ nhàng mỗi khi đi qua bản, khu vực có người. Có những đêm nó mò vào tận cửa nhà dân, ghếch vòi cao ngang cửa nhà sàn làm dân bản chết khiếp nhưng những con chó vẫn không phát hiện ra hay vì lý do gì đó mà không sủa. Có thể nó không hiểu hết tiếng người nhưng biết phân biệt âm điệu của hận thù và sự yêu thương qua giọng nói con người.

Vì thế những ai chửi mắng, đe dọa là nó nhớ hơi, tìm về tận nhà. Ở đây đã có nhà bị nó dùng vòi bẻ hết mít xanh xếp thành đống quanh gốc, hay dùng vòi bẻ trụi các cành nhãn to như cổ tay, cổ chân; cởi miệng bao thóc, bao ngô đổ tung tóe ra nhà… Nhìn chung, nó là con vật vốn thông minh và nay càng thông minh hơn bởi sự va chạm với con người ngày càng lớn.

Chính sự thông minh ấy đã góp phần giúp nó tồn tại được đến nay. Nhưng có lẽ cũng chính bởi sự cảnh giác cao độ và hận thù thường trực trong lòng nên dù trưởng thành đã lâu, bên Lào cũng có voi đực hoang dã nhưng con voi này vẫn chưa thành voi mẹ. “Với con vật như vậy, tốt nhất là nên biết giữ khoảng cách an toàn và thái độ thận trọng, mềm mỏng khi cư xử với nó”.

Một thời ra ngõ gặp... voi

Để thấy rõ thời “thịnh vượng” của loài voi nơi biên viễn xa xôi Sông Mã, Sốp Cộp, tôi tìm tới những người đang lưu giữ những kỷ vật sau những chuyến săn bắn hay vào rừng vô tình nhặt được các vật liên quan tới loài voi. Trong ký ức của họ khi kể về loài voi nơi đây thật kỳ thú...




Lực lượng kiểm lâm huyện Sông Mã tuần tra theo dấu voi rừng. (Ảnh: KIều Thiện)

Khi hậu vùng Sông Mã, Sốp Cộp nổi tiếng là nóng, ấy vậy mà vào dịp cuối năm nơi đây thật lạnh. Người ta vẫn bảo nhau ở đây “một ngày có cả 4 mùa”. Cái lạnh nơi vùng biên cắt da cắt thịt, khiến người ta phải sờn lòng. Trước năm 1954, khi đó mường Sốp Cộp cùng 7 xã khác vẫn đang thuộc châu Lai Châu và sau năm 1954 thuộc châu Sông Mã, nơi đây nổi tiếng là nhiều thú rừng quý hiếm: Tê giác, hổ, gấu, báo gấm, bò tót, trăn, rắn… nhưng được con người biết đến nhiều nhất là loài voi. Chỉ cần vào rừng hay đi đường là nhìn thấy những đàn voi hàng chục con cùng những dấu tích mà chúng để lại mỗi khi đi qua. Thậm chí, bom đạn chiến tranh, săn bắn là vậy nhưng nơi đây như cục nam châm thu hút voi rừng về rất nhiều, chúng thường tụ tập cố định trên nhiều tuyến đường từ Sông Mã vào Sốp Cộp để uống nước, ăn đất khoáng hay ngủ đêm. Do vậy, những thế hệ cán bộ từng công tác ở vùng này khoảng năm 1980 về trước mà không nhìn thấy voi rừng là chuyện lạ. Thậm chí, có đàn nhiều voi đến nỗi xe ô tô phải dừng lại tắt máy chờ chúng đi qua hay bị chúng dùng vòi nâng xe, hất đổ xe ô tô; có xe bị voi húc vào ba đờ sốc còn mắc cả một đoạn ngà vào đó...

Chả vậy mà trong báo cáo của BQL rừng đặc dụng Sốp Cộp ghi rõ: Ở Tây Bắc trước đây, Sốp Cộp nổi tiếng nhiều thú lớn. Trước năm 1980, mặc dù bị săn bắn khá nhiều nhưng vẫn còn khoảng 80 con voi, 15 bò tót, nai có khoảng 1,5 con/km2. Các loài gấu, vượn bạc má, lợn rừng, hổ, báo hoa mai khá phổ biến. Ngay như tê giác trước năm 1952 vẫn còn ở khu vực Mường Khoang, Mường Lèo...

Theo ghi chép của ông Ón và bản thân ông cũng là nhân chứng sống về một thời “thịnh vượng” của loài voi nơi đây được biết: Dân bản địa vùng này những năm 40 đến những năm 60 của thế kỷ trước hầu như ai cũng từng được ăn thịt voi hay cùng vào rừng săn bắn loài có thân xác đồ sộ này.

Giữ những kỷ vật voi rừng

Ngay như năm 1989, cũng bởi chuyên lang thang các bản vùng cao, được bà con quý trọng nên khi trở về, bà con bản vùng cao thuộc xã Mường Cai còn mang tặng ông hẳn một chiếc đầu voi với đầy đủ răng và 1 chiếc ngà dài hơn sải tay. Sau này, ông đã mang ra ngoài Hội VHNT tỉnh để trưng bày và theo ông hiện chiếc thủ voi này đang “lưu lạc” dưới Hà Nội...




Chiếc răng hàm voi nặng 1,5kg thuộc sở hữu của ông Lò Văn Thong, bản Mường Và, xã Mường Và (Sốp Cộp). (Ảnh: Kiều Thiện)

Tìm gặp ông Lò Văn Thưởng, bản Sốp Cộp, người lưu giữ chiếc răng cửa của một con voi. Qua câu chuyện của ông được biết: Ngày đó, voi vùng này nhiều lắm. Đi công tác gặp voi phải chờ hàng tiếng đồng hồ, thậm chí là phải quay lại, nhất là khu vực Túp Phạ, xã Huổi Một voi thường về ăn đất khoáng, tụ tập ở đó rất nhiều. Năm 1973, khi đó ông đang là cán bộ còn chứng kiến một con voi con bị chết do lũ cuốn trôi, hay năm 1978 được chia 10kg thịt một con voi đực bị rơi xuống tà luy âm khu vực Túp Phạ... Cũng theo lời ông Thưởng, chúng tôi tìm tới nhà ông Lò Văn Hoa, bản Mường Và, là em trai ông Thưởng, người đang cất giữ một chiếc nanh voi cái dài khoảng 35cm, chu vi bằng cán dao. Theo lời ông Thưởng đây là chiếc nanh do bố ông để lại và tình cờ trong một lần vào rừng nhặt được sau khi một đàn voi đi qua. Rất nhiều người đến hỏi mua với giá cao, nhưng ông không bán vì quan niệm của người dân nơi đây rất coi trọng đối với những vật như vậy (theo quan niệm bất kỳ vật gì của thú rừng mà người đi rừng nhặt được mà để trong nhà sẽ rất may mắn).

Cùng ở bản Mường Và, xã Mường Và, tìm tới nhà ông Lò Văn Thong, 63 tuổi, người trong bản còn giữ chiếc răng hàm voi nặng 1,5kg hay những vật quý của loài tê giác, hươu... do bố ông để lại làm “vật may” trong nhà. Theo lời ông Thong, trước đây ông có rất nhiều răng voi, kết quả sau những chuyến đi săn của người dân vùng cao mang tặng. Cũng bởi nhiều người thích để vật này trong nhà nên ông cũng đã mang làm quà tặng mất nhiều chiếc, hiện chỉ còn lại một chiếc duy nhất. Tuy nhiên, do một lần cho người trong xã tới mượn để về chữa bệnh nên hiện chiếc răng đã bị đập lấy đi mất 1/3. Bột được cạo ra từ chiếc răng voi có thể pha với rượu uống để chữa bệnh đau dạ dày. Còn bột ngà voi, nếu bị sâu răng, viêm lợi thì mài ra, chấm nhẹ vào chỗ đau là sẽ khỏi liền. Việc chữa bệnh như vậy đã được ông cũng như nhiều người trong vùng thử nghiệm...

Với kiểm lâm viên Hạt Sông Mã – Hoàng Văn Thử thì: “Ngày xưa khi còn bé, vào khoảng những năm cuối thập kỷ 80 vừa qua, em vẫn chui vào kho của huyện Sông Mã đây, lấy ngà voi ra làm vật húc nhau với chúng bạn. Ngày ấy cửa giả chỉ bằng phên gỗ, phên tre, có ai trộm cắp đâu mà phải bảo quản chặt chẽ. Sau này, huyện còn mang ngà voi đi biếu, đổi được một chiếc xe con hiệu Uoat hay Gat 69 không rõ. Cũng dịp ấy, vì kiểm lâm có công thu giữ, quản lý ngà voi nên được huyện thưởng lại cho một chiếc Xít đờ ca, oai nhất tỉnh, dùng mãi tới sau này. Ở đất Sông Mã này, anh cứ hỏi những người tầm từ hơn 30 tuổi một chút là họ biết chuyện về voi, bò tót, gấu ngựa rõ như lòng bàn tay. Nhưng những vật lưu giữ được từ voi thì ngày đang càng hiếm hoi hơn bởi trước đây có ai nghĩ tới một ngày voi rừng biến mất như bây giờ đâu mà tính chuyện lưu giữ, bảo quản…”.
 
Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết "Voi rừng linh thiêng Bên sông mã (Bài cuối): Sự trở về trong "thù hận"" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.