Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo dấn thân và kiến tạo

24/11/2017 15:41

Theo dõi trên

Nhân ngày sinh lần thứ 95 đồng chí Võ Văn Kiệt, chúng ta nhớ về ông, một nhà lãnh đạo dấn thân và kiến tạo, một cuộc đời vì nước, vì dân. Trong cuộc hành trình cùng đất nước, ông như luôn có mặt ở tuyến đầu, luôn có những đóng góp sắc sảo, tạo nên những bước đột phá cho sự đổi thay của đất nước.

Đồng chí Võ Văn Kiệt sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Trung Hiệp, Vũng Liêm, Vĩnh Long - vùng đất có truyền thống yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền.

16 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng, với sự giới thiệu của đồng chí Tạ Uyên. Sau đó làm Bí thư chi bộ, được bổ sung vào Huyện ủy và tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vũng Liêm.

Những năm 1941 - 1945, đồng chí hoạt động ở vùng U Minh, Kiên Giang, tham gia Tỉnh ủy Rạch Giá, chỉ đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở thị xã Rạch Giá và các huyện, giành thắng lợi trong cuộc Cách Mạng Tháng Tám. Năm 1950, đồng chí là Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Năm 1955, là Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang, sát cánh bên cạnh đồng chí Lê Duẩn, góp phần xây dựng Đề cương cách mạng miền Nam - cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng ta ra đời Nghị quyết 15, tạo nên phong trào Đồng khởi, tiến tới làm phá sản Chiến tranh đặc biệt của Mỹ.
 
 
Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể dự án xây dựng thành phố Vạn Tường và khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất (tháng 7-1995)

Khi được điều động về Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Võ Văn Kiệt đã kiến nghị Xứ ủy sáp nhập Sài Gòn - Chợ Lớn với Gia Định hình thành địa bàn chiến lược, tạo nên thế trận mới, gắn nội thị với ven đô, gắn Sài Gòn với vùng nông thôn rộng lớn miền Đông Nam bộ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, bộ phận chỉ huy của đồng chí đã vào sát cửa ngõ Sài Gòn, khu vực Bình Chánh, quận 7... Đơn vị bảo vệ đồng chí - đội cận vệ A6 anh hùng cũng đã tham gia đánh nhiều trận, bảo vệ an toàn Bộ chỉ huy tiền phương. Hơn 10 năm (từ 1960-1970) làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí đã bám địa bàn, nhiều thời gian ở Củ Chi, nhiều lần ra vào nội thành, chỉ đạo sát sao việc xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang ngay trong nội thành, phát triển các lực lượng cốt cán, tổ chức các phong trào đấu tranh của các giới đồng bào…

Từ năm 1971-1973, đồng chí được điều động về làm Bí thư Khu ủy Khu 9. Đây là giai đoạn địch chống phá ác liệt, tiến hành “Bình định cấp tốc” lấn đất, gom dân, đóng thêm đồn bót ở vùng U Minh thượng, U Minh hạ với chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”.

Đồng chí đã kiên quyết chỉ đạo “Mệnh lệnh tối cao lúc này là phải giữ đất, giữ dân… nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả”.

Đến cuối năm 1971, quân dân ta đã bức rút 155 đồn bót, chia lửa với chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1972, đã gỡ hơn 900 đồn bót, tạo ra vùng giải phóng rộng lớn.

Đồng chí Lê Đức Anh, người chỉ huy đánh bại cuộc tiến công lấn chiếm của địch với 75 lượt tiểu đoàn ở Chương Thiện, làm kế hoạch lấn chiếm U Minh bị phá sản, kể rằng: “Anh Kiệt lúc đó là chỗ dựa cho các quyết định của chúng tôi”.

Sau Hiệp định Paris, đồng chí được điều về làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, phụ trách thường trực và công tác dân vận, binh vận. Đầu tháng 4-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn được thành lập, đồng chí được phân công là Bí thư Ban cán sự Đảng và là Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn.

Sau khi kết thúc nhiệm vụ Ủy ban quân quản, đầu năm 1976, đồng chí là Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, rồi Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Ông được gọi là “Chủ tịch gạo” vì đã giải quyết được vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của thành phố lúc bấy giờ. Ông được gọi là “Tướng xé rào”, bởi việc sâu sát tìm cách làm sáng tạo, tháo gỡ khó khăn để sản xuất bung ra và tạo nên những chuyển biến trong đời sống kinh tế, xã hội, nhanh chóng thoát khỏi trì trệ của cơ chế không còn phù hợp.

Tháng 3-1982, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, và được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX (1992 - 1997), đồng chí là Thủ tướng Chính phủ.

Là người có trọng trách lớn của Chính phủ trong những năm khó khăn, có lúc lạm phát phi mã đến 774%, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cắt hoàn toàn viện trợ, Trung Quốc chưa bình thường hóa, Mỹ còn bao vây cấm vận…

Riêng chuyện xử lý lạm phát, IMF cho rằng Việt Nam phải có 3 tỷ USD mới có thể giải quyết được. Vậy mà với quyết tâm phát huy nội lực, tìm cách đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm, chúng ta đã từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng.

Với những chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút tiền của, chất xám trong nước và nguồn lực từ kiều bào, bãi bỏ hạn chế về gửi tiền, hàng của kiều bào, bật đèn xanh cho các xí nghiệp trung ương và địa phương chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo nên khí thế lao động mới… 

Với tư duy sáng tạo, khả năng quyết đoán, tổ chức phối hợp nhịp nhàng trong chỉ đạo điều hành, nhiều những công trình được thiết kế, thi công nhanh để lại dấu ấn gắn liền với tên tuổi của ông như đường dây tải điện 500 KV Bắc Nam, dự án thoát lũ ra Biển Tây, ngọt hóa Tứ giác Long Xuyên, Nhà máy thủy điện Trị An, Thác mơ, Yaly… đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận…

Ông quan tâm tạo ra nguồn năng lượng điện để phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. Trong thời gian làm đường dây tải điện Bắc Nam, “Thủ tướng điện” đã liên tục có mặt trên những cung đường, những điểm thi công hiểm trở, động viên những người làm việc quên mình và người dân đồng thuận về giải phóng mặt bằng cho công trình sớm đem lại hiệu quả.

Ông là người có đóng góp to lớn trong phá bỏ bao vây, cấm vận, chủ động hội nhập toàn cầu, nhất là trong bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ, cải thiện mối quan hệ với các nước ASEAN, tăng cường hợp tác với các nước Tây Bắc Âu… là người được đánh giá là có nhiều bạn trên thế giới.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon lúc bấy giờ đã nhận xét: “Như một động lực chính cho những cải cách kinh tế tại Việt Nam, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng”.

Ông là người có sức thu phục nhân tâm lớn, biết lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu sáng kiến của người dân, những đề xuất của các chuyên gia giỏi, truyền cảm hứng sáng tạo, với tư duy mới mẽ, tiệm cận với thực tiễn cuộc sống.

Ông luôn chủ động đi cơ sở, đến với mọi giới đồng bào, các tầng lớp nhân dân. Tuy không được học nhiều ở trường lớp chính quy nhưng ông đã học cật lực trong thực tiễn, hay ghi chép, luôn trăn trở tìm kiếm lời giải cho những bài toán khó. Và người dân đã nhận biết ở ông, một người có tầm hiểu biết sâu rộng, một tâm hồn, một nhân cách có sức cảm hóa tuyệt vời, một tấm gương chân thật, gần gũi. 

Có lẽ, từ khóa gắn với ông chính là từ Dân, đó là ngọn nguồn sức mạnh vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất Võ Văn Kiệt. Đó cũng là tên ông, tên con ông, hòa trong tên chung của mọi người dân của đất nước.

Trong cuộc hành trình đầy sinh tử, người dân đã bảo bọc, chở che cho ông. Giữa đô thành Sài Gòn, ông có thể trà trộn, đi công khai, vượt qua tai mắt địch. Ông đã tin vào dân, một đức tin vô bờ bến và vì lợi ích của dân, ông có thể đánh đổi cả sinh mạng chính trị của mình.

Những người lãnh đạo cùng thời với ông cho rằng, ông là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình. Với tư chất thông minh, nghị lực phi thường, người được mệnh danh là một kiến trúc sư của đổi mới, một nhà thi công tài ba của những quyết định và dự án tầm cỡ, người có khả năng truyền lửa, gieo mầm cho những ý tưởng sáng tạo.

Ông có sức mạnh và làm được nhiều việc lớn bởi có lòng dân và lòng tin.

Ông ra đi mới đó mà đã 9 năm. Người như ông thuộc lớp học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà lãnh đạo được trui rèn qua thực tiễn của cuộc chiến đấu ở khắp các chiến trường, qua những thử thách khắc nghiệt của thời hòa bình, xây dựng, xứng đáng được tôn vinh như những anh hùng, xứng đáng được ngưỡng mộ bởi tầm vóc trí tuệ, bản lĩnh và tấm lòng vì dân. 

Đồng chí Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân như một tượng đài sống mãi trong lòng dân.
 
Phạm Phương Thảo
(SGGP Online)

Bạn đang đọc bài viết "Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo dấn thân và kiến tạo" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.