Vợ chồng cùng giữ gìn truyền thống

10/04/2019 14:38

Theo dõi trên

Chỉ với những dụng cụ thủ công đơn giản như: cưa, dao, kéo, đục, dùi, mũi khoan, kim chỉ… vợ chồng ông Nguyễn Đình Du (55 tuổi) và bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (60 tuổi) người dân tộc Mường, ngụ xã Phú Túc (huyện Định Quán) đã làm ra hàng trăm mô hình nhà truyền thống, tượng gỗ, nhạc cụ, dụng cụ sinh hoạt của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường.


Ông Nguyễn Đình Du và bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, người dân tộc Mường, ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán đang làm những vật dụng của đồng bào dân tộc Mường để trưng bày tại Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Mường sẽ hoàn thành vào tháng 9-2019

Trong đó, nhiều hiện vật được ông bà trao tặng cho Bảo tàng Đồng Nai, nhà văn hóa xã, huyện để trưng bày, giới thiệu đến công chúng.

Vợ chồng khéo tay

Đang hoàn thành những công đoạn cuối của chiếc gối dựa lớn có kích thước 20cm x60cmx20cm (gối hình chữ nhật 8 màu, dùng để dựa lưng khi ngồi) bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết phải mất 15 ngày mới có thể hoàn thành 1 chiếc gối như thế này. Mọi công đoạn thêu, nhồi và ép bông định hình cho gối đều bắt buộc người thợ phải làm hoàn toàn bằng tay để đảm bảo độ đều, mịn cho mặt gối. Nhưng khó nhất theo bà Ánh Ngọc khi làm chiếc gối này chính là phần ruột bên trong được sắp xếp theo từng tầng cao thấp chứ không phải bằng phẳng, mỗi tầng là một hình thêu hoa văn khác nhau do đó mà việc ép, định hình cho gối không hề đơn giản.

Ông Quách Diễm (75 tuổi, người uy tín trong cộng đồng dân tộc Mường ở xã Phú Túc, huyện Định Quán) cho biết, trong số 270 hộ dân tộc Mường với 1.370 nhân khẩu ở xã chỉ còn bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc và ông Nguyễn Đình Du biết chế tác những dụng cụ sinh hoạt, thờ cúng, tượng của dân tộc Mường.

Ông Nguyễn Đình Du cũng là người khéo tay, đa tài khi biết làm ra nhiều vật dụng truyền thống của dân tộc Mường. Từ những đoạn gỗ sần sùi, ông Du đã tạo hình dáng, làm nên những tượng gỗ thầy mo Mường, tượng phụ nữ Mường đánh cồng chiêng, uống rượu cần, mời trầu, giã gạo hay các loại nhạc cụ như: đàn bầu, đàn cò, đàn nhị…

Để tạo hình cho một tượng gỗ cao 1,2m, ông Du phải đục đẽo liên tục 15 ngày, sau đó là các công đoạn phơi tượng, chà nhám và khắc hoa văn, tạo hình trang phục. Theo ông Du, việc tạo hình cho tượng đơn giản, khó nhất là làm sao khắc đúng hình ảnh trang phục dân tộc Mường mà không bị lẫn với trang phục của những dân tộc khác. Ông có thể làm được việc này là do khi còn nhỏ đã được cha dạy cách đan lát, đục đẽo và cộng thêm chút năng khiếu sẵn có.

Tuy đời sống còn khó khăn nhưng những hiện vật dân tộc làm ra, vợ chồng ông Du - bà Ngọc đều không bán mà dành tặng cho cộng đồng và những địa chỉ làm công tác bảo tồn văn hóa.

Bà Ánh Ngọc cho hay: “Mỗi khi để dành được từ 2-3 triệu đồng, vợ chồng tôi lại mua những lóng gỗ dài 1,2m với giá 400 ngàn đồng/lóng, mua vải, chỉ… để về chế tác. Vợ chồng tôi không chú tâm đến việc bán những đồ vật làm ra để lấy tiền mà muốn góp sức bảo tồn văn hóa cộng đồng”.

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Mới đây, khi hay tin Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Mường được UBND huyện Định Quán khởi công xây dựng và dự tính hoàn thành vào tháng 9-2019, vợ chồng ông Nguyễn Đình Du và bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc đã gom hết những vật dụng của dân tộc Mường có sẵn ở nhà, đồng thời quyết định dùng tiền của gia đình và dành thời gian để mua gỗ, vải để về làm đồ vật truyền thống của dân tộc.



Mô hình nhà sàn người Mường của ông Nguyễn Đình Du (người dân tộc Mường, ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán) được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai

 
Tính đến nay, đã có gần 40 hiện vật với đầy đủ kích cỡ, chất liệu được đôi vợ chồng này tạo ra. Ông Nguyễn Đình Du tâm sự, đây là cơ hội tốt nhất để vợ chồng ông có thể bộc lộ hết những hiểu biết của mình về văn hóa dân tộc Mường thông qua các hiện vật, mô hình.

Trước đó, vợ chồng ông Nguyễn Đình Du và bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc đã chủ động trao tặng nhiều hiện vật dân tộc phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. Trong cuộc triển lãm Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay do Bảo tàng Đồng Nai tổ chức vào tháng 12-2018, mô hình nhà sàn Mường có chiều dài 1,2m, rộng 0,5m, cao 0,75m cùng những mô hình tái hiện sinh hoạt của người Mường; dao nam, dao nữ của người Mường, đàn nhị, đàn bầu, sáo do ông tự làm đã được người xem chú ý.

Theo ông Nguyễn Anh Sơn, cán bộ của Bảo tàng Đồng Nai, người trực tiếp sưu tầm, tiếp nhận nhiều hiện vật được trưng bày của vợ chồng ông Du, dù phải bỏ ra nhiều tháng để thực hiện và tốn không ít tiền mua vật liệu nhưng ông Du và vợ vẫn vui vẻ trao tặng cho Bảo tàng Đồng Nai với mong muốn quảng bá, giới thiệu nét văn hóa của người Mường đến với công chúng. Đây là điều rất đáng trân trọng.


 
Võ Tuyên
Theo Đồng Nai

Bạn đang đọc bài viết "Vợ chồng cùng giữ gìn truyền thống" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.