Khi hợp nhất, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích 1.715km2, với dân số gần 47 vạn người, bao gồm 14 dân tộc anh em, đông nhất là người Kinh, chiếm 98,38% dân số. Đồng bào dân tộc sống rải rác ở 17 xã thuộc dãy núi Tam Đảo và Sáng Sơn của 5 huyện là Tam Dương, Bình Xuyên, Lập Thạch, Kim Anh và Đa Phúc. Đại bộ phận nhân dân theo Đạo Phật, có gần 2 vạn người theo đạo Thiên chúa sống rải ở 72 xã, 2 thị xã, trong đó có 26 thôn Công giáo toàn tòng.

Tháng 2 năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Trong thời gian hợp nhất từ năm 1968 đến năm 1996, các huyện trong tỉnh Vĩnh Phúc nhiều lần thay đổi địa giới. Trên phạm vi tỉnh Vĩnh Phúc cũ, hai huyện Kim Anh và Đa Phúc hợp nhất thành huyện Sóc Sơn; huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc hợp nhất thành huyện Vĩnh Lạc; huyện Tam Dương và Lập Thạch hợp nhất thành huyện Tam Đảo; huyện Yên Lãng và Bình Xuyên hợp nhất thành huyện Mê Linh, trong đó có thị trấn Phúc Yên. Tháng 12/1978, huyện Lập Thạch tách khỏi huyện Tam Đảo trở về đơn vị huyện cũ Lập Thạch; huyện Bình Xuyên tách khỏi Mê Linh nhập với Tam Dương thành huyện Tam Đảo mới. Tháng 3 năm 1979, toàn bộ tỉnh Phúc Yên gồm hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh chuyển về Hà Nội. Tháng 10 năm 1991, huyện Mê Linh lại tách khỏi Hà Nội trở về thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 1/1/1996, huyện Vĩnh Lạc được tách thành 2 huyện là Vĩnh Tường và Yên Lạc.
Tháng 11 năm 1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa IX, đã thông qua Nghị quyết về việc chia tách một số tỉnh, trong đó có tỉnh Vĩnh Phú chia tách thành 2 tỉnh là Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Ngày 1/1/1997, sau gần 29 năm hợp nhất với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, tỉnh Vĩnh Phúc đã được tái lập, mở ra một trang mới trong lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là sự kiện quan trọng gắn liền với thời kỳ phát triển mới của tỉnh, với nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn.
Khi mới tái lập Vĩnh Phúc có 7 đơn vị hành chính là: Thị xã Vĩnh Yên và 6 huyện: Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, và Mê Linh. Tháng 9 năm 1998, huyện Tam Đảo tách thành 2 huyện là Tam Dương và Bình Xuyên. Ngày 9/12/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết số 153/2003/NĐ-CP thành lập Thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo mới. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, từ ngày 01/ 8 / 2008, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội.
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có diện tích tự nhiên 1.231 km2 , phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp Hà Nội, phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh của Hà Nội; Tổng dân số của tỉnh là 1.027.000 người (kết quả điều tra năm 2013), theo 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo; có 7 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh gồm: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường. Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính, gồm: 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện; 137 xã, phường, thị trấn. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là: Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh; thị xã Phúc Yên và 7 huyện là Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch và Sông Lô.
Nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội; gần Sân bay Quốc tế Nội Bài; có đường Quốc lộ Số 2 Hà Nội - Hà Giang, đường sắt Hà Nội - Lào Cai và Đường Cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua; các tuyến đường thủy: sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ,…Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi trong giao thông vận tải, phát triển kinh tế, mở mang giao lưu văn hóa trong và ngoài nước. Trải qua thời gian, trên mảnh đất Vĩnh Phúc lắng đọng biết bao di sản văn hóa, cả văn hóa phi vật thể và văn hóa hữu thể; văn hóa truyền thống đan xen với những công trình văn hóa hiện đại, tạo cho Vĩnh Phúc mang đúng nghĩa là một Vùng quê Văn hiến.
Văn hóa truyền thống
Ngay từ đầu thời kỳ tự chủ cũng như qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, Vĩnh Phúc luôn được xác định là vị trí địa lý quan trọng của đất nước. Vị trí địa lý và điều kiện giao thông thuận lợi đó tạo lợi thế cho Vĩnh Phúc trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với các tỉnh trong vùng và cả nước, đặc biệt là với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Trong suốt tiến trình lịch sử, các thế hệ người Vĩnh Phúc đã tận dụng những thế mạnh đó, xây dựng vun đắp nên truyền thống của quê hương, khẳng định vị thế “địa linh nhân kiệt” và hình thành bền vững một vùng văn hiến với những sắc thái riêng – văn hiến Xứ Đoài.
Lịch sử hình thành mảnh đất Vĩnh Phúc giầu đẹp ngày nay là lịch sử đấu tranh, khai phá vùng đất nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, vùng đất chuyển tiếp / nối liền miền núi và miền đồng bằng Bắc Bộ. Thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, với biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu đã đổ xuống để chống xói mòn / xói lở miền đồi trọc, đắp đê trong, đê ngoài, đê bao, đê bối ngăn nước lũ Sông Hồng, Sông Lô, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ,…vào mùa mưa, chống hạn vào mùa nắng. Cùng với thời gian, sự đoàn kết, tinh thần dũng cảm và đức tính cần cù, chịu khó của bao thế hệ người Vĩnh Phúc đã biến vùng đất đồi gò, sông suối đan xen thành những đồi nương trồng chè, trồng sắn và nhiều hoa mầu khác; biến những vùng trũng hạ lưu những con sông thành những cánh đồng mênh mông bát ngát của các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Bên cạnh nghề nông, người Vĩnh Phúc còn rất khéo tay, làm nên những công cụ lao động, vật dụng hàng ngày, theo năm tháng, đã hình thành nên những làng nghề thủ công nổi tiếng, như: Làng gốm Hương Canh; các làng mộc Hợp Lễ, Yên Lan, Thanh Lãng, Văn Hà, Bích Chu, Thủ Độ, Vĩnh Đoài, Lũng Hạ, Vĩnh Trung; các làng mây tre đan Triệu Xá, Xuân Lan, Cao Phong,…; làng nuôi rắn Vĩnh Sơn; làng đá Hải Lựu; làng chế biến tơ lụa Tảo Phú; làng bún bánh truyền thống Hòa Loan;…Vĩnh Phúc cũng là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp, các món ăn đặc sản, như: dứa Hướng Đạo, gạo Long Trì, rau Ngô Đạo, gạo Cốc Lương,…
Không chỉ cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, người dân Vĩnh Phúc còn anh dũng, bất khuất chiến đấu chống lại các kẻ thù xâm lược, dù chúng đến từ đâu để bảo vệ quê hương, đất nước, giữ gìn những thành quả lao động của mình. Đó là giá trị và phẩm chất văn hóa tiêu biểu nhất của người Vĩnh Phúc.
Mặc dù Vĩnh Phúc còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đã có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Vĩnh Phúc; trong đó có công trình nghiên cứu trò chơi kéo co để phục vụ xếp hạng trò chơi này là di sản văn hóa nhân loại. Nhiều công trình nghiên cứu văn hóa đã được xuất bản thành sách như: Địa chí Vĩnh Phúc, Tuyển tập 100 ca khúc Vĩnh Phúc yêu thương, Văn miếu và truyền thống hiếu học ở Vĩnh Phúc, Văn hóa dân gian Vĩnh Phúc, Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc, Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc,…Để tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, Vĩnh Phúc đã triển khai “Chương trình Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể” trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm kê, phân loại, tỉnh đã đề ra hướng nghiên cứu, sưu tầm một cách có hệ thống và lâu dài các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
Vĩnh Phúc cũng là quê hương của nhiều làn điệu dân ca độc đáo, như: hát trống quân Đức Bác, hát cửa đình, hát đúm, hát xoan ghẹo, hát ví, hát chèo, hát ca trù, ….của người Kinh; hát soóng cọ của người Cao Lan, hát sình ca của người Sán Dìu,…biểu diễn trong các dịp lễ tết, hội hè, đình đám được nhân dân rất ưa thích.
Lễ hội truyền thống trong các làng quê của Vĩnh Phúc cũng vô cùng phong phú. Theo thống kê, đến năm 2015, trên đất Vĩnh Phúc có 107 lễ hội truyền thống (trong đó,H. Yên Lạc 13 hội, H. Vĩnh Tường 23 hội, H. Tam Đảo 09 hội, H. Tam Dương 16 hội, H. Sông Lô 07 hội, H. Lập Thạch 17 hội, H. Bình Xuyên 10 hội, TX Phúc Yên 3 hội, TP Vĩnh Yên 9 hội). Các lễ hội, được tổ chức thường niên, nhiều lễ hội truyền thống đã được khôi phụ đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân nhân trong và ngoài tỉnh. Trong các lễ hội còn giữ được nhiều trò chơi phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, như: rước cây bông ở lễ hội làng Cam Giá (An Tường, H. Vĩnh Tường), lễ hội làng Thượng Yên (xã Đồng Thịnh, H. Lập Thạch, lễ hội đền Đuông Bồ Sao, Vĩnh Tường,…; trò kéo co bằng sợi dây song ở hội làng Hòa Loan, xã Lũng Hòa, H Vĩnh Tường; ở hội làng Yên Tĩnh, xã Đồng Thịnh, H. Sông Lô và nhiều nơi khác (trò chơi kéo co ở Vĩnh Phúc cùng với trò kéo co ở một số tỉnh khác đã được UNESSCO công nhân là Di sản Văn hóa nhân loại); trò đánh phết ở lễ hội đền thôn Tây Hạ, xã Bàn Giản huyện Lập Thạch; trò diễn trình nghề tứ dân, đánh đu, chọi gà, múa rồng, múa lân,…Đây là những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể có ý nghĩa quan trọng, phản ánh sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Vĩnh Phúc. Ngoài Lễ hội Tây Thiên - Tam Đảo được xác định là lễ hội vùng tiêu biểu nhất trong việc phục dựng lễ hội ở Vĩnh Phúc, còn đa số lễ hội truyền thống ở Vĩnh Phúc là lễ hội làng.
Trong kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của Vĩnh Phúc còn có các loại hình như: phong tục, tập quán, tri thức dân gian, trò chơi dân gian, văn bia, tài liệu Hán Nôm, huyền tích, ca dao, tục ngữ, truyện kể…vô cùng phong phú. Ngoài kho tàng di sản văn hóa dân gian của người Kinh, các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc mỗi dân tộc có một di sản văn hóa riêng, rất đặc sắc; có thể kể đến: hát Sình ca của người Cao Lan, hát Soọng cọ của người Sán Dìu, trang phục truyền thống của người Sán Dìu,.…
Bên cạnh kho tàng văn hóa phi vật thể thì kho tàng văn hóa hữu thể trên mảnh đất Vĩnh Phúc cũng rất đa dạng, phong phú và rất có giá trị. Vào hậu kỳ thời đồ đá mới cách nay khoảng trên dưới 4.000 năm, tổ tiên chúng ta đã tụ cư và khai phá vùng đất Vĩnh Phúc. Những di vật về thời kỳ ấy đã được tìm thấy trên đất Vĩnh Phúc, ở hơn 20 địa điểm, di chỉ được phát hiện, thám sát, khai quật và nghiên cứu, thuộc các giai đoạn văn hóa khảo cổ: hậu kỳ đá cũ, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và nhiều di chỉ, địa điểm, dấu tích ở thời kỳ sau Công nguyên cho đến thế kỷ thứ X. Trong đó phổ biến hơn cả là các di chỉ thuộc thời giai đoạn Kim khí, thời kỳ hình thành nhà nước sơ khai, thuộc giai đoạn từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, tập trung ở các di chỉ lớn, phạm vi phân bố rộng, tầng văn hóa dày, hiện vật phong phú và có những đặc điểm khá rõ nét để nhận biết. Đó là các di chỉ: Di chỉ cư trú Gò Hội (xã Hải Lựu, Sông Lô), di chỉ cư trú, mộ táng và khu lò gốm Lũng Hòa (Vĩnh Tường)... Tiêu biểu nhất là Di tích khảo cổ Đồng Đậu, diện tích 6,5ha, phạm vi phân bố tầng văn hóa khoảng 4ha, tầng văn hóa dày 3,4m-4,0m, bao gồm 4 giai đoạn văn hóa khảo cổ liên tiếp từ Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn không có thời kỳ giãn cách. Từ khi phát hiện năm 1962 đến nay đã trải qua 7 lần khai quật, kết quả khẳng định đây là một di chỉ cư trú mộ táng của người Việt cổ đã định cư với thời gian dài tới hàng nghìn năm. Đồng Đậu được xếp vào loại di tích đặc biệt quan trọng của tỉnh.
So với một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc là tỉnh có số lượng di tích khá lớn. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 8 năm 2013, toàn tỉnh có 1.284 di tích thuộc 4 loại: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh, bao gồm tất cả các loại hình: đình, đền, chùa, miếu, cầu, quán, tháp, di tích lịch sử - cách mạng, di tích khảo cổ, nhà thờ họ… Mật độ di tích tương đối dày đặc, được phân bố đều khắp ở 137 xã, phường, thị trấn. Với trên 1.284 di tích (trong đó có 371 ngôi đình, 405 ngôi chùa, 128 ngôi đền, 171 ngôi miếu, số còn lại là các loại hình di tích khác như: nhà thờ họ, am, nghè, lăng, quán, phủ, văn chỉ, từ đường) thờ những anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước trong chống ngoại xâm, truyền nghề, dạy nghề,…đã nói lên những trang lịch sử hào hùng của Vĩnh Phúc. Trong các di tích trên, có nhiều di tích được tạo dựng bằng vật liệu gỗ, gạch, ngói... nhiều nhất là vật liệu bằng gỗ, có kiến trúc quy mô, nghệ thuật chạm khắc độc đáo, tiêu biểu như: tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang, 3 ngôi đình Hương Canh, chùa Tùng Vân, chùa Đồng Cổ, chùa Tây Thiên / Tây Thiên tự, Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, chùa Hà Tiên, đền thờ Trần Nguyên Hãn,.. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 375 di tích được xếp hạng; trong đó có: 65 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 310 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt là tháp Bình Sơn (thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô) - di tích có niên đại sớm nhất còn được lưu giữ tương đối nguyên vẹn đến ngày nay ở Vĩnh Phúc, và Khu di tích Tây Thiên Tam Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Di tích Quốc gia đặc biệt”.
Công tác tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm thường xuyên. Trong hệ thống di tích Vĩnh Phúc, loại di tích kiến trúc nghệ thuật chiếm đại đa số, trong đó, đa phần các di tích được tạo dựng bằng vật liệu gỗ, gạch, ngói... nhiều nhất là vật liệu bằng gỗ. Nhìn chung, tính bền vững của các di tích loại này là không cao, thêm vào đó lại chịu nhiều tác động của điều kiện tự nhiên với khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt. Vì vậy, các di tích đã và đang xuống cấp, có những di tích xuống cấp một cách nghiêm trọng. Số lượng di tích và công việc phải tu bổ, sửa chữa hàng năm ngày càng tăng. Có những di tích phải tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Do nguồn kinh phí tu bổ, chống xuống cấp di tích được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo tồn di tích và trích từ ngân sách tỉnh và địa phương còn rất hạn chế nên hầu hết việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện từ việc huy động nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân địa phương. Ở Vĩnh Phúc, công tác xã hội hóa (XHH) nguồn lực tài chính cho việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trong những năm gần đây phát triển rất mạnh, được sự ủng hộ của nhân dân, sự quan tâm của các ngành, các cấp, tổ chức xã hội, được tài trợ, công đức từ các doanh nghiệp, cá nhân... Nguồn vốn XHH được huy động mỗi năm cho công tác tu bổ phục hồi di tích lên tới hàng chục tỉ đồng từ cộng đồng, chưa kể đến những công đức, đóng góp rất lớn về lao động, tri thức trong quá trình thi công tu bổ, phục hồi di tích. Nhờ vậy, đã có hàng chục di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử-văn hoá ở Vĩnh Phúc được tu bổ, tôn tạo; trong đó có một số di tích trọng điểm của tỉnh như: Khu Di tích và danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, chùa Hà Tiên, cụm đình Hương Canh, Cụm di tích đình Thổ Tang - chùa Tùng Vân,… Những di tích này sau khi được đầu tư tu bổ hoặc phục hồi đã trở thành địa điểm du lịch, điểm đến về tâm linh hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách du lịch, khách hành hương trong và ngoài nước.
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức nhiều đợt điều tra thám sát khảo cổ học tại các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc; đặc biệt là tại quần thể di tích danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo. Thông qua các cuộc nghiên cứu, khai quật khảo cổ đã thu được nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị và đưa về lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh và trưng bày tại điểm di tích. Về niên đại, qua các kết quả khảo sát khảo cổ học, có thể nhận định những di tích có niên đại xây dựng sớm nhất trong hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật ở Vĩnh Phúc là các di tích nằm trong khu vực danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo, những di tích mà đến nay chỉ còn nền móng như: Đồng Cổ, Phù Nghì, Tây Thiên thiền tự... Tuy nhiên, những di vật, cổ vật và những thành phần kiến trúc còn lại đến ngày nay đã chỉ ra quy mô, tầm cỡ của các di tích và xác định được khởi nguồn xây dựng là từ thời Lý - Trần (thế kỷ XII - XIII).
Văn hóa đương đại
Song song với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa quí báu mà các vị tiền nhân để lại, tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều thiết chế văn hóa mới từ tỉnh đến cơ sở.
Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng khang trang, hiện đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật, tài liệu gốc, quý hiếm, đã và đang từng bước đưa vào trưng bày phục vụ khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Thiết chế văn hóa, thể thao luôn được tỉnh quan tâm đầu tư: Hệ thống thư viện, Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa hình thành từ tỉnh đến huyện. Đặc biệt là: Quảng trường - công viên văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc (ở TP Vĩnh Yên), Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Rạp ngoài trời Hoàng Quy, Rạp chiếu phim 19/05, Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc, Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, Cáp treo Tây Thiên,…được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, hiện đại thỏa mãn phần nào không gian văn hóa cộng đồng, đồng thời đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa, các giải thể thao trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân.
Công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin tăng tính hấp dẫn của di tích, danh thắng nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, chú trọng và ngày càng đẩy mạnh trong những năm gần đây. Các cơ quan truyền thông của tỉnh như: Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc, các đài phát thanh huyện; Báo Vĩnh Phúc, Tập san Văn hóa Thông tin (của Sở VH-TT&DL) và Tạp chí của Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá về vẻ đẹp, những giá trị văn hóa Vĩnh Phúc tới cộng đồng; tuyên truyền về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Vĩnh Phúc, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí vai trò và ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế, CNH, HĐH đất nước. Trong 5 năm trở lại đây, Sở VHTT&DL đã xuất bản hàng chục đầu sách có nội dung giới thiệu, quảng bá về các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, xuất bản các tập san, bản tin thường kỳ có nội dung về di sản, di tích gắn với du lịch, cập nhật. Nhiều di tích làm tốt công tác tự truyên truyền, quảng bá cho di tích, bằng cách in tờ giới thiệu, xuất bản những ấn phẩm giới thiệu về di tích, có bảng giới thiệu tại di tích, sản xuất các đồ lưu niệm có hình ảnh của di tích. Tại một số địa phương có di tích thuộc các tour du lịch còn có các bảng chỉ dẫn đường tới di tích và chỉ dẫn hệ thống di tích tại địa phương.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Đơn vị văn hóa phát triển rộng khắp. Từ khi phát động cho đến nay, phong trào đã được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện ngày càng sâu rộng trong toàn tỉnh, thực sự trở thành một cuộc vận động văn hóa lớn, có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được triển khai tích cực, ước đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa là 85%, tỷ lệ làng, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa là 71%. Hoạt động TDTT quần chúng được duy trì thường xuyên, thể thao thành tích cao được chú trọng. Triển khai thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, hoạt động TDTT quần chúng được duy trì thường xuyên, thể thao thành tích cao được chú trọng. Đáng chú ý là thể thao thành tích cao bước đầu được chú ý quan tâm, một số môn thế mạnh của tỉnh được duy trì và đạt kết quả cao tại các giải quốc gia như: bắn súng, bắn nỏ, bắn cung, vật, bóng chuyền, điền kinh,…Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IV năm 2002, Vĩnh Phúc lần đầu tiên giành Huy chương Vàng Đại hội, nhiều gương mặt trẻ Vĩnh Phúc đạt đẳng cấp quốc gia và tham gia thi đấu quốc tế. Năm 2003, cùng với cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc đăng cai tổ chức thành công môn thi đá cầu của SAGEM 22 tại Nhà thi đấu Vĩnh Phúc. Cùng với cả nước, từ năm 2011 đến nay, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai tích cực Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đưa nông thôn nước ta phát triển toàn diện, bền vững cả về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh trật tự; Qua đó không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của người nông dân. Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 2 huyện (Yên Lạc và Bình Xuyên), và 68 xã (chiếm 60,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã thực hiện tốt chương trình, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Những phong trào trên đã góp phần tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tư tưởng, giáo dục đạo đức và lối sống, tăng cường tình đoàn kết gắn bó trong các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống tốt đẹp ở mỗi làng quê tỉnh Vĩnh Phúc. Đó cũng là một nhân tố góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bồi dưỡng nguồn lực con người trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH, và hội nhập kinh tế toàn cầu.
Vĩnh Phúc có lợi thế là vị trí chiến lược quan trọng, kề cận Thủ đô Hà Nội; có quan hệ hữu cơ với các điểm du lịch quan trọng trong vùng và có tài nguyên du lịch đa dạng về chủng loại, đặc biệt tài nguyên du lịch sinh thái – tâm linh. Về tài nguyên du lịch tự nhiên, Vĩnh Phúc được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đặc sắc với những thắng cảnh nổi tiếng trong nước như: Tam Đảo, Đầm Vạc, Hồ Đại Lải,... là những nét độc đáo, có khả năng cuốn hút cao trong xu thế đô thị hóa hiện nay. Trong những năm qua, nhiều di tích ở Vĩnh Phúc đã được phát huy giá trị một cách tích cực dưới các mức độ khác nhau. Nhiều di tích được đưa vào các Tour du lịch, kết hợp giữa di tích và danh thắng cùng với các khu nghỉ dưỡng đã thu hút khách tham quan, du lịch. Thêm vào đó, việc tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững đã được đẩy mạnh. Các lễ hội lớn có quy mô vùng, miền tổ chức tại các di tích như: Lễ hội Tây Thiên ở Khu Di tích và danh thắng Tây Thiên, Lễ hội Chọi trâu ở Hải Lựu... hoặc các chương trình như: “Đến với Phật về với Mẫu”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Tuần Văn hóa Du lịch Vĩnh Phúc năm 2013”... dần trở thành những ngày hội văn hóa lớn của cả tỉnh, và lượng khách hành hương tham dự lễ hội, chiêm bái và ủng hộ, công đức cho di tích tăng lên đáng kể. Để phát huy những lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, xây dựng ngành “Công nghiệp không khói”, tạo dựng thương hiệu riêng cho du lịch Vĩnh Phúc, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt; Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa, TDTT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Sinh thời, Bác Hồ đã từng nhấn mạnh vai trò của văn hóa: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, chúng ta phải “đem văn hóa để lãnh đạo quốc dân”. Thấm nhuần lời dạy đó của Bác Hồ, cùng với quán triệt các nghị quyết của Trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, lấy đó làm nền tảng xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ qua. Vì vậy, văn hóa Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, góp phần không nhỏ vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm 2010 - 2015, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những Trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành Thành phố Vĩnh Phúc trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ XXI, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đặt ra những chỉ tiêu cụ thể: “Tỷ lệ thôn, làng văn hóa hàng năm đạt từ 75 – 80 %; tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt từ 85-90%; phấn đấu tỉnh đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào năm 2017”. Để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu; trong đó có nhiệm vụ: Tập trung phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới (phát triển đô thị theo hướng bền vững, đặt nền móng để Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường…..Phát triển văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người; gắn kết giữa giáo dục gia đình với nhà trường và xã hội. Hoàn thiện nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở cơ sở. Xây dựng Trung tâm đào tạo, huấn luyện và từng bước đầu tư Khu Liên hợp thể thao tỉnh. Làm tốt công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông.
Trăn trở và Tin tưởng
Cũng như nhiều … và hơn nhiều địa phương khác, Vĩnh Phúc đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các bậc tiền nhân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi thấy Vĩnh Phúc cần tiếp tục tiến hành xây dựng mấy công trình sau:
- Công trình “Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc” đã xây dựng xong phần Vật thể - là một công trình Kiến trúc Đẹp – đậm chất Phương Đông – Việt Nam truyền thống. Vĩnh Phúc cần đẩy nhanh công tác Thổi phần Hồn cho công trình để đưa vào sử dụng; theo hướng đây là công trình Văn hóa Mới của tỉnh với tên gọi “Trung tâm Văn Hiến Vĩnh Phúc” – Đối đãi với những Trung tâm TDTT, Nhà hát, Rạp ngoài trời,….
- Hiện nay, việc thờ phụng Nguyễn Thái Học và bà Giang vợ ông vẫn do gia đình người em con ông chú ruột Nguyễn Thái Học phụng sự trong ngôi nhà nhỏ sinh thời Nguyễn Thái Học đã sinh ra và lớn lên. Thiết nghĩ, Vĩnh Phúc cần có một Không gian và một công trình Đền thờ Nguyễn Thái Học, Bà Giang, và những chiến sĩ Quốc dân Đảng đã hy sinh oanh liệt trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo trên chính mảnh đất quê hương Thổ Tang của người Anh hùng – Liệt sĩ Nguyễn Thái Học.
- Cần có giải pháp bảo tồn, cắm biển di tích Ngôi nhà của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc ở quê hương ông, cho tương xứng với tên tuổi và công lao của Ông đối với Đất nước.
Thiết nghĩ, làm được như thế, bức tranh Văn hóa Vĩnh Phúc sẽ thêm toàn mỹ, diện mạo Văn hóa Vĩnh Phúc sẽ không còn một khoảng chưa sáng; làm được như thế, công tác tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, nâng cao ý thức giữ gìn di sản văn hóa quê hương sẽ tốt hơn.
Tin tưởng, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là cán bộ ngành văn hóa từ tỉnh, huyện tới xã tiếp tục học tập, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 5 (Khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết TƯ 9 (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết của Đại hội XVI Đảng bộ Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015 - 2020. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ về giá trị của kho tàng di sản văn hóa truyền thống của ông cha để lại, nêu bật được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển, nâng cao lòng tự hào, từ đó tự giác bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của địa phương mình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc giầu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống của Vùng quê Văn hiến.
------------------------------------
Tham luận tại Hội thảo “Văn hiến Vĩnh Phúc - truyền thống và hiện đại”
ThS. Nguyễn Thùy Linh
(Trung tâm NCBT&PH Văn hóa dân tộc)