Vĩnh Long gỡ khó phát triển du lịch

09/02/2015 14:49

Theo dõi trên

Năm 2014, Vĩnh Long đón 950.000 lượt khách đến tham quan, tăng 10.000 lượt. Tổng doanh thu đạt 210 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2013.

Theo ông Nguyễn Khắc Khoan, Phó phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH-TT-DL Vĩnh Long), so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Vĩnh Long chỉ có 1 điểm du lịch tiêu biểu là khu du lịch Vinh Sang. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến trong năm 2014 là 200.000 lượt, tăng 4% so với năm 2013, nhờ hấp lực từ các tour homestay.
 
Đây loại hình du lịch thế mạnh của Vĩnh Long được kế thừa và phát triển từ vườn của một nghệ nhân trồng hoa kiểng tên Nguyễn Thành Giáo (hình thành vào năm 1986), tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ.
 
Ông Giáo có một vườn hoa tuyệt đẹp và căn nhà cổ ba gian hai chái điển hình của Nam bộ, xung quanh là vườn cây ăn trái giữa vùng cù lao sông nước…




 Du khách trải nghiệm tát mương.

 
Lợi thế nằm trọn trong vùng sinh thái nên Vĩnh Long có rất nhiều vườn cây ăn trái quy mô lớn và đa dạng về chủng loại, đủ sức phục vụ du khách quanh năm.
 
Một bộ phận không nhỏ của cộng đồng cư dân xứ vườn được hưởng lợi từ việc tham gia du lịch. Với chế độ bán nhật triều (nước lên xuống 2 lần trong ngày) và hệ thống kinh rạch thoắt ẩn thoắt hiện như “mê cung” đã làm say lòng du khách.
 
Vì vậy, 4 xã cù lao gồm: An Bình, Bình Hòa Phước, Đông Phú và Hòa Ninh (huyện Long Hồ) đã trở thành vùng trọng điểm du lịch sinh thái của Vĩnh Long. Hiện có 26 điểm đủ tiêu chuẩn phục vụ tour homestay như Út Trinh, Năm Thành, Phương Thảo, Ba Hùng, Mười Hưởng…
 
Đội ngũ phục vụ ở đây phần lớn là nhân lực “tại gia”, nhưng đã được ngành du lịch hỗ trợ đào tạo bài bản và dày dạn kinh nghiệm để làm hài lòng du khách ngoại. Tại các điểm homestay, du khách có thể yêu cầu được trải nghiệm cuộc sống thật của cư dân địa phương như một ngày làm nông dân, tát mương bắt cá, gói bánh, chế biến các món ăn đồng quê…
 
Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, chất lượng tour homestay ở Vĩnh Long dẫn đầu khu vực. Tuy nhiên, với những người đi du lịch có cảm nhận, trong vòng 10 năm trở lại đây, du lịch sinh thái của vùng nói chung và Vĩnh Long nói riêng dường như giậm chân tại chỗ, quanh đi quẩn lại chỉ thấy đi thuyền trên sông, thăm vườn cây ăn trái, ăn cơm, nghe nhạc tài tử…
 
Ở 26 điểm du lịch hiện nay tại cũng na ná nhau: vườn cây, hoa kiểng, sông nước, ca nhạc tài tử… Hai năm nay có thêm chỗ bán hàng lưu niệm, có điểm đem hàng từ TP về, có điểm đem hàng gáo dừa, kẹo dừa từ Bến Tre qua, nhưng không có quà lưu niệm đặc sắc của Vĩnh Long.
 
Nhiều ý kiến cho rằng: So với các tỉnh vùng ĐBSCL, Vĩnh Long đang sở hữu vốn di sản đồ sộ về nhà cổ, đình, chùa… có niên đại trên 200 năm. Việc bảo tồn và đưa vào khai thác du lịch các di sản này sẽ làm nên sức hấp dẫn mới mà ngành du lịch các tỉnh khác không có được.
 
Trong đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, Bộ VH-TT-DL đã cơ bản đồng thuận với đề nghị của tỉnh Vĩnh Long là tiếp tục phát triển loại hình homestay, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống, di tích; xây dựng làng bảo tàng nông nghiệp lúa nước ĐBSCL.
 
Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt trong năm 2015, Vĩnh Long tiếp tục đầu tư mở mới các điểm phục vụ tour homestay trên cù lao Quới Thiện, nhằm thu hút nhiều hơn du khách quốc tế đến với tỉnh nhà.
 
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các điểm du lịch hiện có thành điểm tiêu biểu. Tỉnh cũng đề nghị Bộ VH-TT-DL đưa vào danh sách điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL 2 di tích: Khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng và khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
 
Theo sggp.org.vn

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Long gỡ khó phát triển du lịch" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.