Vĩnh Long: “Đòn bẩy” để phát triển du lịch

18/11/2015 15:11

Theo dõi trên

Xác định du lịch là ngành kinh tế, văn hóa quan trọng của tỉnh về lâu dài, góp phần thực hiện công tác đối ngoại, quảng bá đất nước, con người của tỉnh đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, vừa qua Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cùng với cả nước, du lịch Vĩnh Long cơ bản từ ngành kinh tế quan trọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.



Tham quan di tích LSVH Văn Thánh Miếu, phường 4, TP. Vĩnh Long

Lượng du khách có  chiều hướng tăng chậm

Vĩnh Long có điều kiện vị trí địa lý tương đối đặc biệt, được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, tạo ra lợi thế rất lớn cho tỉnh liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL tập trung phát triển du lịch sinh thái miệt vườn với hai tuyến du lịch chính là sông Tiền và sông Hậu. Ngoài ra, du lịch Vĩnh Long thời gian qua còn hấp dẫn du khách bởi nét đặc trưng vốn có của tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn, thông qua du lịch gắn kết tìm hiểu những nét giá trị văn hóa truyền thống ở các đình, chùa, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Theo thống kê của ngành Du lịch Vĩnh Long, năm 2010 tổng lượt khách đến du lịch tại tỉnh là 665.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 170.000 lượt, doanh thu đạt 120 tỷ đồng. Đến năm 2014, lượng khách đạt 950.000 lượt, khách quốc tế là 200.000 lượt, doanh thu đạt 210 tỷ đồng. Tính chung giai đoạn 2010-2014, lượng du khách đến Vĩnh Long tăng trung bình 8%/năm, doanh thu tăng 13%/năm.

Lượng khách tuy có tăng, nhưng so với giai đoạn 2005-2009 (tăng trung bình 23%/năm) thì con số này tăng không nhiều và có chiều hướng tăng chậm lại. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là sản phẩm du lịch của Vĩnh Long thời gian qua chưa mang tính đặc thù rõ nét để tạo ra sự khác biệt so với những địa phương khác trong khu vực. Sản phẩm hàng lưu niệm và tiêu dùng đặc trưng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách còn thiếu; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, chưa có bến tàu khách đạt chuẩn, thiếu cơ chế khuyến khích đầu tư, thiếu sự kiện tạo dấu ấn và những giải pháp mang tính đột phá cho du lịch phát triển.

Định hướng phát triển  du lịch

Trước thực trạng nêu trên, cộng với bối cảnh cuối năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 92/NQ-CP đề ra một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ mới, thế nên việc Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành một Nghị quyết chuyên biệt về du lịch như là một “đòn bẩy” mạnh mẽ, tạo động lực cho ngành Du lịch tỉnh nhà không ngừng tiến bước trên con đường hội nhập.

Mục tiêu của Nghị quyết là phấn đấu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cùng với cả nước, du lịch Vĩnh Long cơ bản từ ngành kinh tế quan trọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Vĩnh Long trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước, với tốc độ duy trì lượng khách tăng bình quân hằng năm từ 7-9%, doanh thu tăng 15%/năm.

Để đạt mục tiêu, Nghị quyết cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, cần tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mà Vĩnh Long có thế mạnh như: Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch Homestay, dịch vụ giải trí sông nước, du lịch gắn tham quan tìm hiểu các công trình văn hóa trọng điểm gồm: Khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm GS-VS Trần Đại Nghĩa; khu liên hợp VH,TT và DL Cái Ngang và một số di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy giá trị các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, trước mắt hướng vào các làng nghề đã được công nhận. Ưu tiên đầu tư những làng nghề nổi tiếng, gần các khu, điểm du lịch, chú trọng khai thác các giá trị tự nhiên và văn hóa phi vật thể như: lễ hội dân gian, đờn ca tài tử, hát bội…Khai thác mạnh tuyến du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và chú ý đến tuyến sông Măng từ TP.Vĩnh Long đi huyện Vũng Liêm.

Bên cạnh đó, quan tâm, xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dự án phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh như: dự án bến tàu-khu phố hàng lưu niệm-bến xe phục vụ du khách; khu dịch vụ vui chơi giải trí Mỹ Thuận; khu du lịch sinh thái An Bình-Đồng Phú; khu du lịch Mỹ Hòa; khu du lịch sinh thái cồn Đông Hậu, Quới Thiện, Lục Sĩ Thành…

Ngoài ra, tỉnh cũng cần xây dựng chiến lược tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp với các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước, đầu tư kinh phí để quảng bá, tổ chức những sự kiện quan trọng và các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Cụm liên kết phía Đông ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh và TP.Cần Thơ, nhằm thu hút đông đảo khách du lịch đến với Vĩnh Long, để du lịch Vĩnh Long xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.n

Theo Minh Tâm (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Long: “Đòn bẩy” để phát triển du lịch" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.