Mới đây, Hội đồng thẩm định liên ngành Trung ương do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tịch vừa tổ chức họp thẩm định chủ trương đầu tư cảng hàng không Quảng Trị. Kết quả 100% thành viên thống nhất để UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định liên ngành Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP và tỉnh đã xác định ba trụ cột chiến lược, cụ thể:
Thứ nhất, công nghiệp đột phá, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế trên cơ sở khai thác những tiềm năng và hình thành Trung tâm năng lượng. Thứ hai, nông nghiệp là bệ đỡ, gồm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp thực phẩm. Thứ ba, du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đang ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để khai thác được những tiềm năng, lợi thế. Trong đó, cơ sở hạ tầng về giao thông là quan trọng nhất. Cùng với cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh thúc đẩy xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy, logistics đồng bộ, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, đường giao thông liên vùng, tạo điều kiện đẩy mạnh kinh tế tư nhân… để Quảng Trị thay đổi ngày càng tốt hơn. Do đó, việc xây dựng cảng hàng không Quảng Trị được xem là rất cần thiết.
Trước đó, cảng hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 và đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT ngày 26/01/2021. Cảng hàng không Quảng Trị là một trong những cảng hàng không quan trọng, được đánh giá đứng thứ 24/28 cảng hàng không đã được đưa vào quy hoạch.
Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị sẵn sàng về công tác quy hoạch và kêu gọi đầu tư. Về quy hoạch đất đai, Ngoài việc quy hoạch đất để xây dựng cảng hàng không với tổng diện tích 316,5 ha, tỉnh Quảng Trị đã dự trữ thêm phần đất mở rộng để sau này nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E; mở rộng quỹ đất chung quanh sân với quy mô 1.000 ha để xây dựng đô thị sân bay, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Phục vụ dự án cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh đã bố trí 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đầu tư xây dựng giai đoạn 1 tuyến đường nối từ sân bay đến quốc lộ 1 với chiều dài 4,3km; bố trí 233 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết HĐND tỉnh để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cảng hàng không Quảng Trị sẽ tác động mạnh mẽ tới sự phát triển chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Thúc đẩy sự kết nối giao thương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây về chính trị, văn hóa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Lào và giữa Quảng Trị với các vùng miền khác.
Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KHĐT) Tăng Ngọc Tráng cho biết, dự án phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển vận tải hàng không, Hội đồng cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải đầu tư Dự án. Tuy nhiên, do Cục hàng không Quảng Trị có vị trí cách sân bay Đồng Hới khoảng 93km về phía Bắc và cách sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 88km về phía Nam.
Do vậy, Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo thực hiện kỹ lưỡng hơn công tác dự báo nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa hàng không trong vòng 45-50 năm tới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng lưu ý hai vấn đề chính, đó là hiệu quả của Dự án và chia sẻ rủi ro. Bộ trưởng yêu cầu báo cáo phải giải trình rõ về hiệu quả của dự án, hàng hóa, hành khách, tầm nhìn. Việc đầu tư dự án cảng hàng không Quảng Trị không phải đầu tư cho tỉnh mà cho vùng, không phải chỉ cho phát triển kinh tế mà còn cho quốc phòng, an ninh…
Được biết vào tháng 4/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc chính thức với Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, theo đó, tập đoàn này cam kết sẽ thực hiện các dự án đã nghiên cứu tại Quảng Trị, đặc biệt là dự án Cảng hàng không Quảng Trị và đưa các dự án đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Liên quan các dự án đầu tư của T&T Group tại Quảng Trị, mới đây tỉnh này vừa cấp chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho tổ hợp các nhà đầu tư T&T Group, CTCP Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc và Tổng Công ty khí Hàn Quốc thực hiện dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - Giai đoạn I (công suất 1.500 MW) với tổng vốn đầu tư giai đoạn I dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).
Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, T&T Group sẽ góp vốn đầu tư 40% và 3 doanh nghiệp CTCP Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc và Tổng Công ty khí Hàn Quốc sẽ đóng góp 60% vào dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.