Vị Xuyên (Hà Giang): Đầu tư "khủng", dân không đến ở?

11/09/2017 08:50

Theo dõi trên

Với gần 70 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước nhưng sau gần 5 năm triển khai, Khu tái định cư thôn Dìn (xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), dân không về ở. Một lần nữa câu hỏi về việc sử dụng vốn ngân sách, lo cho cuộc sống người dân tiếp tục được đặt ra?

 
Cách trung tâm huyện Vị Xuyên không xa là nơi dẫn vào Khu tái định cư thôn Dìn.

Từ huyện Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, theo con đường chỉ dẫn vào Ngọc Minh, khi còn cách trung tâm xã khoảng 500m, người ta chợt thấy bắt mắt với tấm biển xanh có dòng chỉ dẫn trắng có tên thôn Dìn. Đây là khu Tái định cư có thể được coi là kiểu mẫu, với kinh phí đầu tư tương đối lớn để quyết định đầu tư của gần 5 năm trở về trước.
 
Thôn Dìn, xã Ngọc Minh (Vị Xuyên) hầu hết là hộ nghèo. Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn khi điều kiện phát triển bất thuận: Không điện, không đường bê tông, không trường học kiên cố... Cuối năm 2012, Chi cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (PTNT) thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang) triển khai Dự án di chuyển dân cư từ 2 huyện Đồng Văn, Quản Bạ về thôn, người dân nơi đây có thêm hy vọng về một tương lai no ấm.
 
Được đưa vào kế hoạch cách đây 5 năm, sau 4 năm khởi công, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng cùng với đó là việc đón dân về đã kéo dài được 2 năm nhưng con đường dẫn vào thôn Dìn đã có dấu hiệu xuống cấp nhanh chóng, tuy rất ít người đi lại. Mặt đường bê tông đã có những dấu hiệu bong tróc, cùng với đó là nước từ vách núi vào mùa mưa đang xối xả tràn xuống mặt đường. Chắc ai cũng sẽ có những hoài nghi về chất lượng của một công trình di dân kiểu mẫu của tỉnh.
 

Với gần 70 tỷ đồng được đầu tư nhưng hiện nay mới 1 hộ dân nhập khẩu.
 
Gặp chúng tôi ở đầu con dốc dẫn vào Khu tái định cư, ông nông dân có tên Lô Xuân Ba nặng nhọc cùng cây chuối rừng vác trên vai về làm thức ăn cho lợn, gà. Hỏi về con đường, về khu tái định cư thôn Dì, ông Ba cho hay: Trước thấy máy ủi, máy xúc vào, rồi cả mìn nổ nữa, dân ở đây vui lắm. Vui vi dân thấy sắp có nhà, sắp có đất, lại thấy bảo có cả điện và nước sạch nữa, ai mà chả vui! Thế mà giờ thì nó thế đấy!
 
“Đường mới làm, có 2 năm thôi nhưng ngày một khó đi. Không hiểu họ thi công kiểu gì nữa. Tôi thấy dân người ta bảo mấy ông thi công hình như bớt xén vật liệu gì đấy nên nó mới thế. Chắc cũng phải thôi, dân chúng tôi ở đây, mấy đợt trước, Nhà nước cho xi – măng để làm đường, có tiết kiệm lắm nhưng đường nó vẫn tốt hơn con đường do mấy người trên tỉnh về làm!”. Nói rồi ông Ba tiếp tục vác cây chuối đi tiếp.
 
Lựa lách qua những lằn sỏi, đá do những trận mưa rừng dồn xuống mặt đường, bám theo suối, chúng tôi tìm vào với Khu tái định cư. Gần trưa nhưng cả thôn Dìn vẫn hiu hắt người, chỉ vài ngôi nhà mới dựng xen lẫn những ngôi nhà cũ. Ngôi nhà tươm nhất trong thôn là nhà của Trưởng thôn có tên La Văn Lai.
 
Anh Lai cho biết, trước, do là trưởng thôn nên những đợt có cán bộ về, bàn chuyện xây Khu tái định cư anh nắm được ít thông số. Theo lời kể của anh Lai, khu này được hình thành, ngoài việc tái định cư cho các hộ dân nội vùng thì còn có chức năng đón 25 hộ dân ở vùng thiên tai, sạt lở đất, sụt lún đất, lốc xoáy, lũ quét, lũ ống… trên 2 huyện là Quản Bạ, Đồng Văn (ngoại vùng) di về. Mới đầu dân ở đây vui lắm. Nhưng khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng thì chờ mãi chả thấy dân ở 2 huyện trên đến.
 
Cũng theo lời tâm sự của ông trưởng thôn, chả biết phía trên tác động thế nào, năm ngoái có 3 hộ dân đã xuống đây. Nhưng không hiểu sao chỉ có một hộ quyết định nhập khẩu còn 2 hộ kia thì không. Sau một thời gian cấn cá, động viên mãi thì 3 hộ cũng bỏ luôn và không thèm về ở nữa.
 
 
Đường chính dẫn vào Khu tái định cư đã có dấu hiệu xuống cấp.
 
Về bất cập, ông La khẳng định, con đường xuống cấp nhanh chóng là có thật và ông cũng nghe chuyện người dân bàn tán về việc bớt xén vật liệu. Nhưng do chưa có cơ quan chức năng nào vào kiểm tra nên chưa có kết quả cụ thể. Về Hạ tầng, theo ông Lai, tuy mới đưa vào sử dụng 2 năm nhưng hiện đã có dấu hiệu của nhiều sự xuống cấp.
 
Trong những sự xuống cấp này phải kể đến đấy là việc trượt đất từ các cấp nhà được phân lô xuống với nhau gây biến dạng mặt bằng. “Mấy cơn mưa vừa qua, đất bùn không hiểu sao đã tràn cả vào nhà dân, đặc biệt là 2 khu trường học của xã. Tới, để đảm bảo sự hoạt động cho thầy cô giáo và các em học sinh chắc phải mất nhiều công để dọn dẹp bùn đất đấy!”. Ông Lai cho biết.
 
Vì sao một dự án với nguồn kinh phí “khủng” cùng ưu ái và hỗ trợ tối đa như dự án Tái định cư thôn Dìn mà người dân lại không về ở? Vì sao cơ sở hạ tầng mới bàn giao đã có dấu hiệu xuống cấp? Câu trả lời thực sự chỉ có ở các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang.

Còn tiếp...

Lê Hoàn

Bạn đang đọc bài viết "Vị Xuyên (Hà Giang): Đầu tư "khủng", dân không đến ở? " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.