Không trải qua bất cứ trường lớp hội họa nào, nhưng với tài hoa của bản thân, ông đã khiến người xem “tâm phục, khẩu phục” với biệt tài “vẽ” tranh bằng khói bếp độc nhất vô nhị.
Biết vẽ nhờ…tháo nhà bếp
Bước vào ngôi nhà của họa sĩ chân đất Vũ Quốc Sự, người ta dễ nhận thấy sự khác biệt của họa sĩ này so với những họa sĩ khác.Cùng vẽ tranh nhưng chất liệu mà ông chọn dùng lại chủ yếu là tre, nứa và “mực” vẽ lại chính là khói bếp. Điều độc đáo còn nằm ngay ở bộ dụng cụ dùng để vẽ tranh chỉ vẻn vẹn một cây kim nhọn, một lưỡi dao nhỏ và một viên đá mài.
Cơ duyên đến với nghệ thuật của họa sĩ nông dân Vũ Quốc Sự cũng lạ không kém: “Trong một lần tháo dỡ nhà bếp dựng bằng tre trong rẫy ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh), tôi tình cờ nhìn thấy những liếp tre đen vì khói bị trầy xước, hiện ra những hình thù lạ mắt. Thế là tôi tự nhủ tại sao không vẽ tranh bằng khói bếp.Tranh thủ giờ nghỉ trưa tôi lấy dao cạo thử luôn”.
Ông Sự lý giải: “Tôi vẽ tranh bằng khói nên tôi tự đặt tên cho thể loại tranh tôi vẽ là tranh khói. Thế là chính xác vì tranh của tôi chỉ kết hợp đúng hai chất liệu là khói và tre nứa. Nhiều người xem tranh của tôi cho rằng tôi vẽ bằng sơn, chỉ khi trực tiếp nhìn tôi làm thì người ta mới chịu tin”.
Vẽ tranh cũng lắm công phu
Ông Sự cho biết, một tác phẩm tranh tre khói bếp ra đời phải trải qua rất nhiều công đoạn và sự tỉ mỉ. Trước tiên tre làm khung phải có tiêu chuẩn: già, thẳng, lóng dài. Sau đó, tre được đem cưa theo kích cỡ nhất định rồi phơi khô. Khi tre đã khô, tiếp tục đem ngâm tre xuống nước khoảng 100 ngày để chống mối mọt, rồi lại vớt lên đem phơi nắng lần nữa.Tre chọn làm khung tranh tuyệt đối không để trầy xước lớp da.Bởi nếu da tre bị xước, khói sẽ tụ nhiều ở những vị trí này và rất khó cạo như ý muốn. Công đoạn quan trọng tiếp theo là đem khung gác lên bếp cho khói bám vào (còn gọi là hun khói).
Ông cho biết: “Việc hun khói là phần cơ bản trong quá trình làm tranh của tôi. Nói thì đơn giản nhưng phải rất kỳ công vì điều này sẽ quyết định sự thành công của bức tranh. Chỉ khi khói phủ một lớp đen bóng trên từng khuôn tre tôi mới có thể bắt đầu công đoạn vẽ tranh”.
Từ phác họa cho đến khi hoàn thành một bức tranh khói không dễ dàng như việc vẽ một bức tranh trên giấy. Khi khuôn tranh đã được phủ một lớp khói, người vẽ tranh sẽ sử dụng một cây kim và bắt đầu phác họa từng nét nhỏ. Phác họa xong, họa sĩ dùng một con dao nhỏ để cạo đi lớp khói màu đen.
Ông Vũ Quốc Sự chia sẻ rằng: tranh khói vẽ theo phương thức cạo trắng khuôn tranh. Những đường nét, mảng khối được cạo trắng sẽ kết hợp với những chi tiết còn lại để cho ra đời bức tranh hoàn chỉnh.Vẽ tranh khói khó nhất là khâu tạo chiều sâu cho tranh, người vẽ phải biết chi tiết nào nên cạo sâu, chi tiết nào nên cạo mỏng để tạo nên từng khối màu phù hợp.Vì tranh khói được khắc họa trên nền tre nứa “nhuộm” khói nên chỉ có thể tạo được duy nhất hai màu trắng và đen.
Những thành công bước đầu
Sau 5 năm sáng tạo nghệ thuật tranh khói, nông dân Vũ Quốc Sự cho ra đời hàng trăm bức tranh với phong cách nghệ thuật riêng. Vì sự độc đáo, riêng biệt nên những bức tranh của ông được giới yêu hội họa trong và ngoài nước tìm mua với giá cao.Theo ông Sự, hiện những bức tranh của ông được bán với giá thấp nhất là 1.000USD (khoảng 20 triệu đồng).Riêng bức “Nụ cười bí hiểm của nàng MonaLisa” của danh họa Leonardo de Vinci được ông Sự vẽ lại bằng khói, vừa qua đã được một người mua với giá 80 triệu đồng.
Theo ông Sự, sự nghiệp vẽ tranh khói của ông sẽ không dừng lại ở đây mà sẽ tiếp tục được phát triển, mở rộng.Hiện tại ông đang thử nghiệm vẽ tranh khói trên các chất liệu như mica, thủy tinh, nhựa và bước đầu cũng cho kết quả khả quan.
Không chỉ độc đáo, những bức tranh khói của ông Sự được giới họa sĩ đánh giá cao về giá trị nghệ thuật. Năm 2012, ông vinh dự đạt giải thưởng “Sáng tạo hàng thủ công, mỹ nghệ” do UBND tỉnh Đồng Nai trao tặng. Trong thời gian qua, tranh khói của Vũ Quốc Sự cũng được mời tham gia nhiều cuộc triển lãm tranh tại Hà Nội, Huế, TP.HCM…
Từ khi đến và gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp vẽ tranh khói, ngoài lao động nghệ thuật chân chính đề kiếm tiền ông Sự còn ấp ủ một ước mơ lớn lao. Ông nói: “Mong muốn lớn nhất của tôi là sáng tạo nhiều hơn nữa để đưa nghệ thuật tranh khói vào cuộc sống. Tôi tin một ngày, cây tre và khói bếp Việt Nam sẽ được bạn bè trên thế giới biết đến qua những tác phẩm tranh khói. Sắp tới, tôi sẽ mở phòng tranh tại TP.HCM để phổ biến loại hình nghệ thuật này…”.