Về thăm làng Bờ Đậu luộc bánh chưng bằng nước "giếng thần"

04/01/2017 14:34

Theo dõi trên

Đến với đất Thái Nguyên, nơi được mệnh danh là “thủ đô gió ngàn”, du khách chẳng thể nào quên hương vị chè xanh đậm đà, thơm ngon. Đặc biệt, chưa thưởng thức bánh chưng Bờ Đậu thì như đặt chân tới mảnh đất này.

Có dịp đi qua Thái Nguyên, bất kể ngày nào trong năm các bạn cũng thấy những nồi bánh chưng nghi ngút khói, không khí tấp lập như tết đang về. Và những ngày này, khi những ngày tết cổ truyền đang đến gần thì không khí nơi đây dường như đang náo nhiệt hơn. Đặt chân xuống đầu làng, có cảm giác hương vị tết cổ truyền đã ở gần lắm rồi.


 
Làng bánh chương Bờ Đậu đỏ lửa suốt ngày đêm trong những ngày cận Tết - Ảnh: congly.vn

“Bánh chưng luộc nước giếng thần, thơm ngon mùi vị có phần trời cho.” Câu ca này từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Bờ Đậu - một trong 5 làng làm bánh chưng nổi tiếng nhất khu vực miền Bắc mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Từ nguyên liệu làm bánh cũng đã được người dân nơi đây lựa chọn công phu, kỹ càng. Lá gói bánh phải được lấy từ vùng núi của huyện Định Hóa, mang hương vị đặc trưng của núi rừng Thái Nguyên. Lá phải to bản, màu xanh ngắt được rửa sạch bóng, tươi và lá được chọn phải là lá nếp, không quá già và cũng không quá non.

Bánh chưng là món bánh cổ truyền của dân tộc ta từ bao đời nay, là món bánh không thể thiếu được khi thờ cúng tổ tiên khi mỗi độ xuân về. Quen thuộc, nhưng để được nhiều người biết đến, chỉ thưởng thức một lần rồi nhớ mãi có lẽ chỉ có bánh chưng Bờ Đậu với hương vị đặc trưng nhờ bí quyết riêng, truyền từ thế hệ này đến thế các thế hệ sau trong mỗi gia đình ở đây.

Với gạo nếp, người dân nơi đây phải tìm mua từ Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái nguyên), loại gạo nếp thuần chủng. Nhân thịt lợn là thịt ba rọi tươi, luộc mềm, thái dày được trộn với hạt tiêu đất Bắc. Còn nước luộc bánh cũng được người dân nơi đây kỳ công lấy nước suối nguồn từ núi đá sau làng.

Kỳ công từ chọn nguyên liệu làm bánh, chế biến bánh cũng được mọi người chú trọng trong từng khâu. Cẩn thận và cầu kỳ ngay từ lúc chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, vì vậy bánh chưng nơi đây mang một hương vị riêng rất đặc biệt.

Gạo nếp được vo, đãi sạch qua ba lần nước rồi để ráo. Theo người dân nơi đây, gạo sau khi đãi phải để ráo nước, nếu không bánh luộc sẽ bị nát. Đỗ xanh nguyên lõi được đãi sạch rồi đồ chín, để tránh đỗ bị sượng khi nấu bánh, đỗ vo thành từng nắm nhỏ, đặt thêm miếng thịt đã sơ chế vào giữa tạo thành nhân cho mỗi chiếc bánh.

Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc bánh. Bánh được đun từ 8 – 10 tiếng, khi nước cạn phải chan thêm để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài.

Đặc biệt, nước luộc bánh chưng được lấy từ suối nguồn trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Người dân nơi đây vẫn gọi đó là nước “giếng thần”. Theo bà Tâm, ở làng Bờ Đậu, toàn bộ nước luộc bánh được lấy trên núi đá tự nhiên. Đây là thứ nước trời cho, trong vắt để tạo nên một vị riêng biệt, độc đáo của bánh so với các tỉnh thành khác.




Thơm ngon bánh chưng Bờ Đậu - Ảnh: internet


Bà Tâm chia sẻ với báo công lý, do có nước “giếng thần” trời ban nên khi luộc bánh giữ nguyên được màu xanh lá cây tạo nên mùi thơm đậm đà hòa quyện trong nồi bánh. Bởi vậy, người Bờ Đậu thường có câu ca “Bánh chưng luộc nước giếng thần/Thơm ngon mùi vị có phần trời cho”. Đó như là một đặc sản mà chỉ vùng Bờ Đậu mới có thể làm nên những chiếc bánh hoàn hảo, vuông tròn sắc cạnh với hương thơm đậm đà, tinh khiết làm ấm lòng du khách trong những mâm cỗ ngày Tết.

Với lịch sử hơn 50 năm duy trì và phát triển, bánh chưng “Bờ Đậu” đã khẳng định được thương hiệu và trở thành một đặc sản nổi tiếng. Tính riêng tại xóm 9, xã cổ Lũng, cả làng với hơn 1000 nhân khẩu đều theo nghề làm bánh, từ người già cho đến trẻ nhỏ.

Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Về thăm làng Bờ Đậu luộc bánh chưng bằng nước "giếng thần"" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.