Cảnh trâu kéo pháo trong Chiến thắng Tầm Vu IV được tái hiện qua nét vẽ của họa sĩ Tô Dự.
“Alo, tôi - Tấn Tầm Vu nghe!”, chuông vừa reo vài tiếng, tiếng người đàn ông ở đầu máy bên kia vọng lại. Với câu chào đó, tôi tin chắc ngay đây là người tôi cần tìm, anh Nguyễn Văn Tấn, thuyết minh viên tại Khu Di tích Quốc gia Chiến thắng Tầm Vu (xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Hẹn gặp anh Tấn vào một chiều cuối năm, anh đang chuẩn bị đón một đoàn du khách từ Ðồng Nai vào viếng di tích. Người đàn ông 52 tuổi nhưng có đến nửa đường đời đã qua gắn bó với di tích Chiến thắng Tầm Vu vui vẻ khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu chuyện xưa của quê hương. Với anh Tấn đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là hạnh phúc, tự hào khi được kể chuyện anh hùng của xứ sở.
Qua lời kể của anh Tấn cũng như quá trình sưu tầm tư liệu, tôi hình dung 4 chiến công trên đất Tầm Vu giàu truyền thống: Trận Tầm Vu I và Trận Tầm Vu II vào năm 1946, Trận Tầm Vu III vào năm 1947 và Trận Tầm Vu IV vào năm 1948. Trong đó, Trận Tầm Vu IV dưới sự chỉ huy của Khu bộ trưởng Trương Văn Giàu và Tham mưu trưởng Võ Quang Anh vào ngày 19-4-1948 đã làm chấn động cả nước, lần đầu trên chiến trường Việt Nam thu được khẩu đại bác 105 ly của giặc. Cũng trong chiến thắng này, huyền thoại “Trâu kéo pháo” ra đời, ghi một dấu ấn đậm nét trong kháng chiến của quân và dân Cần Thơ.
Chiến thuật của Trận Tầm Vu IV được xác định là “công đồn đả viện” và đánh khi địch về chứ không phải đánh lúc đi. Ta đánh nghi binh ở Ðồn Bảy Ngàn và phao tin rằng sẽ còn tiếp tục để lấy lương thực. Sau 3 lần thất bại chỉ trong 2 năm liên tiếp ngay trên cung đường Tầm Vu, giặc rất thận trọng đề phòng trên đường từ Cần Thơ chi viện cho Ðồn Bảy Ngàn. Ðường tiến chi viện của giặc êm xuôi sau khi bắn 8 trái đạn pháo và càn quét, đánh phá khu vực bao quanh Ðồn Bảy Ngàn. Khoảng 4 giờ chiều ngày 19-4, địch rút về lại Cần Thơ.
Ðúng như dự kiến, khi pháo 105 ly của địch đã vào trận địa của C1082 thì Ðại đội trưởng Ngô Hồng Giỏi phát lệnh tấn công bằng đánh địa lôi vào xe kéo pháo. Tiếp theo, địa lôi và các loại súng đồng loạt phát hỏa tiêu diệt đoàn xe công-voa của địch. Chỉ trong hơn nửa tiếng đồng hồ chiến đấu, ta đã làm chủ trận địa. Kết quả ta chiếm được đại bác 105 ly còn nguyên vẹn, hơn 100 súng trường và súng máy, nhiều xe quân sự bị tiêu hủy, gần 200 tên địch phải đền tội, thu nhiều quân trang, quân dụng, lương thực...
Chúng tôi sưu tầm được bài phát biểu của đồng chí Võ Quang Anh, Tham mưu trưởng chỉ huy Trận Tầm Vu IV năm xưa trong một cuộc hội thảo vào năm 1988. “Chiến thắng Tầm Vu IV đã thổi thêm luồng gió phấn khởi trong quân dân Khu 9. Không phải chỉ những đơn vị, những chiến sĩ, cán bộ trực tiếp tham gia Trận Tầm Vu phấn khởi và tự hào, mà được thấy rõ đồng bào trong vùng giải phóng của ta và cả những dân thường trong vùng địch tạm chiếm cũng rất phấn khởi và hoan hô bộ đội ta...”, đồng chí Võ Quang Anh thuật lại.
Anh Tấn bên phiên bản khẩu pháo 105 ly, chiến lợi phẩm trong Trận Tầm Vu IV.
Trận Tầm Vu IV nối tiếp chiến công trên mảnh đất anh hùng, một phần cũng nhờ nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ bộ đội, tạo nên một thế trận lòng dân vững chắc. Minh chứng rõ nét cho tấm lòng ấy là câu chuyện “Trâu kéo pháo”. Anh Nguyễn Văn Tấn tổng hợp từ nhiều nguồn đã tích cóp thành bài thuyết minh di tích, kể lại cho chúng tôi rằng: Sau khi lấy được khẩu pháo 105 ly của giặc, bộ đội ta cho tháo một số bộ phận và di chuyển trên cánh đồng Thạnh Xuân, hướng ra đoạn kinh xáng Xà No để lên tàu chở về căn cứ khu miệt U Minh. Giữa cánh đồng sình lầy, lắm mương, nhiều rãnh, việc di chuyển đường dài một khẩu pháo cỡ đại cồng kềnh, nặng nề vô cùng khó khăn, dù được người dân trong vùng tập trung rất đông để giúp sức. Một ý kiến hay nảy ra: nhờ sức trâu kéo! Vậy là bộ đội ta vào trong xóm, tìm gia đình có nuôi trâu mượn đôi trâu cày khỏe sức để kéo pháo. Theo anh Tấn, đó là gia đình ông Võ Văn Chót, tự Út Mười Hai. Ông Út Mười Hai vui vẻ tuyển lựa đôi trâu “chiến” nhất cho bộ đội mượn.
Gian nan đường ra kinh xáng Xà No nhưng đôi trâu đã gắng gồng với sự tiếp sức của bộ đội và nhân dân. Dù vậy, trên đường đi, một con trâu đã gắng sức kéo pháo đến đứt ruột mà chết. Con trâu còn lại dù sức khỏe yếu dần nhưng vẫn gắng gượng. Khẩu pháo được kéo ra tới bờ kinh xáng, con trâu cũng không qua khỏi. Ông Út Mười Hai không hề đòi bồi thường đôi trâu. Chi tiết đó càng cho thấy tấm lòng của người dân với bộ đội Cụ Hồ, với người lính Vệ Quốc quân. Lòng dân là rừng cây, là lưới thép, là lũy thành, chở che, đùm bọc, làm nên chiến thắng vẻ vang mang tên Tầm Vu!
Ráng chiều đỏ lửng chiếu ánh sáng vào bức phù điêu trong khuôn viên di tích Chiến thắng Tầm Vu, nổi bật hình ảnh đôi trâu kéo pháo ghi tạc vết thời gian. Anh Tấn rà đôi tay trên từng nét chạm khắc, đưa chúng tôi tìm về tích cũ, người xưa cùng câu chuyện “Trâu kéo pháo” với xiết bao cảm xúc. Trong căn phòng trưng bày của khu di tích, bản nhạc ca khúc “Tầm Vu” của cố nhạc sĩ Ðắc Nhẫn (lời: Quốc Hương) được treo trang trọng. Hướng mắt về phía ấy, anh Tấn hát cho tôi nghe, hào hùng và ấm áp: “Tầm Vu! Tầm Vu! Tầm Vu! Khắp nơi đều nghe tiếng vang liệt oanh. Tầm Vu! Nơi ghi dấu chiến công chiến binh miền Tây. Hát lên, hỡi ai yêu mến Tầm Vu!...”.
Theo Cần Thơ Online