Về quê hương của những điệu vọng cổ

09/02/2018 13:52

Theo dõi trên

“Bên nước mặn biển cho muối nhiều, bên nước ngọt, phù sa vun bồi” là lời giới thiệu về mảnh đất Bạc Liêu trù phú. Không chỉ nổi tiếng bởi những điệu vọng cổ, giai thoại về bác Ba Phi hay công tử Bạc Liêu một thời, mảnh đấy này còn mặn mòi vị muối, thắm đượm tình người.


Nặng phù sa, nặng nghĩa tình

Nằm trong lòng Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu tiếp giáp Cà Mau - địa đầu phía Nam của Tổ Quốc. Đúng với đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, Bạc Liêu gắn với hình ảnh của phù sa trĩu nặng theo dòng Mê Kông ra biển, bồi đắp qua mấy trăm năm tạo thành gò, bồi tươi tốt, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Rừng đước mênh mông san sát theo hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Ở đây khí hậu đặc trưng với hai mùa nắng mưa rõ rệt. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này không chỉ có những miệt vườn cây trái trĩu cành, thóc lúa nặng bông mà còn có cá tôm miền biển, những cánh đồng muối trắng tinh nổi tiếng một vùng.

Sự giàu có của vùng đất này hiện hữu trong nếp ăn, nếp nghĩ hàng ngày của người dân. Ghé một chợ nhỏ ở nông thôn Nam Bộ, ngồi qua mấy hàng quán nhỏ dựng cạnh nhau sẽ thấy món ăn ở Bạc Liêu “rặt Nam Bộ”. Cuộc sống gần gũi gắn liền với thiên nhiên, sông nước và cũng chính thiên nhiên, sông nước ấy đã nuôi sống họ được thể hiện trong những món ăn hàng ngày. Nước giải khát ở đây mang đủ vị của cỏ cây, hoa lá của vùng Đồng bằng Nam Bộ như nước rễ tranh, mía lau, bông ngò, râu bắp, đường phèn... Món ăn được lấy từ ruộng vườn, kênh rạch, biển khơi nên phụ thuộc vào thiên nhiên. Bồn bồn, củ cải muối chua, bánh xèo thường xuất hiện trong những bữa cơm hàng ngày tới những bữa thịnh soạn với lẩu mắm, ba khía… cũng đều dùng nguyên liệu từ ruộng vườn, sông biển Bạc Liêu. Tới mùa lũ về cũng là mùa thức ăn phong phú nhất trong năm. Lúc đó, côn trùng hoang dã, món khô, món mắm được bày rất nhiều loại, trở thành đặc sản của nơi này mà chỉ cần thưởng thức một lần là nhớ mãi.
 

Bức tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Sự hấp dẫn của ẩm thực Bạc Liêu một phần do nguyên liệu tươi ngon, một phần do sự hiếu khách của gia chủ làm cho khách chẳng ngại ngần mà cứ tự nhiên hít hà, nhấm nháp cái vị chua cay mặn ngọn đủ cả trong từng món ăn. Sự hào hiệp, trọng nghĩa tình, phóng khoáng của người dân Bạc Liêu cũng là ấn tượng khó phai với ai từng đặt chân tới đây.

Quê hương của vọng cổ

Một trong những niềm tự hào của người dân Bạc Liêu chính là những điệu vọng cổ, đờn ca tài tử đầu tiên được cất lên chính từ mảnh đất này. Sẽ không lạ lẫm nếu một chiếc xe đò chở khách ở đây bật bản “Dạ cổ hoài lang” của soạn giả Cao Văn Lầu, một vài người khách cũng ngâm nga “Lòng dẫu xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang” đầy tha thiết, nỉ non. Đây cũng nơi phổ biến loại hình nghệ thuật cải lương – món ăn tinh thần của người Nam Bộ còn lưu truyền đến ngày nay.

Nếu đặt chân tới đây, nhất định du khách phải ghé vào khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu nằm trong thành phố Bạc Liêu. Ở chính mảnh đất của gia đình, cũng là nơi an nghỉ của nhạc sĩ, ngày nay đã xây dựng thành khuôn viên khang trang, là nơi du khách thập phương tới viếng mộ người nghệ sỹ tài hoa, cũng như tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng của vùng.
 

 
Cuộc sống thường nhật ở Bạc Liêu.

Ở không gian trưng bày ngoài trời, du khách sẽ đặc biệt ấn tượng với biểu tượng đàn kìm và vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc. Bức tượng đàn kìm – nhạc cụ truyền thống của đờn ca tài tử nổi bật trong không gian rộng lớn của khu tưởng niệm. Được cách điệu từ đốt tre, phần đàn kìm được đục lõm, các bậc thang lên đài ống tre được bố trí các số bậc: 2, 4, 8, 16, 32 và 64, tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Đứng trên đài tre nhìn xuống du khách sẽ nhìn thấy tổng thể khu vực đặt tượng nhạc cụ được thể hiện hình chữ Trí (bằng chữ Hán) đặt 12 loại nhạc cụ dân tộc được khắc bằng đá xanh.
 
Nhà trưng bày lại giống một bảo tàng thu nhỏ, giới thiệu về thân thế sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà trưng bày Đờn ca tài tử cải lương, nhà sân khấu biểu diễn loại hình đờn ca tài tử. Bước vào nhà trưng bày, những bài vọng cổ trữ tình với những giọng ca nổi tiếng vang vọng khắp không gian, đi vào lòng người. Ở đây có tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hai bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng gắn với câu chuyện đẹp về nghĩa tình vợ chồng của tác giả, nhiều tác phẩm khác cũng được ghi lại bằng nét bút thi pháp đầy nghệ thuật. 

Từ đây, du khách có thể hiểu cách để thể hiện tình yêu nghệ thuật của người Bạc Liêu cũng tự nhiên như tận hưởng những điều thiên nhiên ban tặng. Ai cũng có thể trở thành những “nghệ sĩ” miệt vườn, quây quần bên nhau ca hát cả ngày, biểu diễn cho du khách thưởng thức dưới những vườn dừa xanh. Mảnh đất đồng bằng chở nặng phù sa, về con người trọng tình nặng nghĩa Bạc Liêu cứ tự nhiên trở thành một phần ký ức đẹp của du khách, lắng đọng lại trong những lời ca mộc mạc, chân thành “Duyên sắc cầm đừng lạt phai” như lời bài vọng cổ Dạ cổ hoài lang nổi tiếng.

Hương Nguyễn
Theo Làng Việt Online

Bạn đang đọc bài viết "Về quê hương của những điệu vọng cổ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.