.gif)
Làng đẻ “rơi”
Trong một chuyến công tác lên miền trung du tỉnh Quảng Nam, mà đích đến là thôn Cẩm Đông, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước. Ngôi làng nhỏ với chỉ hơn bảy mươi hộ dân sinh sống nằm cách đường tỉnh lộ 614 nối TP.Tam Kỳ với các huyện miền núi chưa đầy 3km nhưng, để có thể vào được Cẩm Đông thì vô cùng gian nan. Để vào được làng chúng tôi vượt qua con đường bê tông nhỏ ngoằn ngèo mà vì tiết kiệm công sức, xi măng nên chỉ đồ bê tông ở hai bên lề. Trải qua hàng thập kỷ sử dụng cùng những trận sạt lở đất xảy ra như cơm bữa con đường đã bị thời gian ăn mòn, nay chỉ còn trơ lại những viên đá thô kệch, gồ ghề cùng những dấu vết của các trận sạt lở đất vẫn còn hằn rõ trên từng cung đường.
Phải vật lộn gần tiếng đồng hồ, cùng mấy lần suýt té xuống vực chúng tôi mới ngồi yên được trong nhà của ông Phan Văn Hoa, trưởng thôn Cẩm Đông. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoa cho biết: “Xưa mảnh đất này vốn là cửa ngõ của chiến khu Sơn - Cẩm - Hà nổi tiếng. Nối liền miền rừng núi bao la với đồng bằng duyên hải miền trung thành một dải”. Hòa bình lập lại, mãi đến năm 1979 Tiên Cẩm mới chính thức được tái lập. Cũng từ đó thôn Cẩm Đông được tái lập, thế nhưng lúc đó trong xóm nhỏ này chỉ có lèo tèo vài ba hộ còn kiên trì ở lại, trong khi các hộ gia đình người ở đây vì chiến tranh ly tán hết chẳng còn ai.
Thôn Cẩm Đông, được tái lập dựa trên một số hộ dân bản địa cùng với những hộ dân mới chuyển lên từ các xã dưới đồng bằng theo diện kinh tế mới. Từ ngày thôn Cẩm Đông được tái lập, cũng là lúc nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra. Để có thể ra được trung tâm xã, người dân ở Cẩm Đông phải vượt qua con đường đất (năm 2000 được bê tông hóa một phần) để có thể đến được trung tâm xã. Những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa mà có việc ra khỏi nhà thì khổ. Mà nhắc đến nỗi khổ nhất đó là chuyện sinh nở của đàn bà, chú Hoa ngồi “kề cà” với chúng tôi. Cái khổ mà theo người đàn ông đã bước qua tuổi ngũ tuần nó phát sinh từ khi nhận dân nhận thức hết được tầm quan trọng của công tác y tế với vấn đề trên.
Khổ ở chỗ, đường xá xa xôi, chưa tính những ngày mưa, chỉ những ngày nắng thôi đã vất vả. Ngày đó, điều kiện kinh tế còn khó khăn nhiều chị em gần đến ngày sinh những vẫn còn miệt mài ra đồng làm lụng. Chứ không như bây giờ, khi cận kề ngày sinh khá giả thì đưa xuống bệnh viện tỉnh, khó khăn hơn thì gửi xuống nhà người thân hay nằm nội trú ở trạm y tế xã, chờ sinh. Trước kia thì chỉ đến ngày sinh khi có hiện tượng đau bụng vỡ nước ối gần sinh thì chồng rồi người thân mới biết đưa xuống trạm y tế xã. Để có thể vượt qua con đường gập gềnh lầy lội bùn đất ấy cùng cái bụng bầu chuẩn bị “bể lu” ấy chỉ còn cách nằm trên võng dù cho những người đàn ông to khỏe thay nhau khiêng xuống đến ngã ba Heo Gió nơi ô tô đang chờ sẵn.
Đấy là ngày nắng, ngày mưa đất núi sạt lở cắt hết đường, mọi người lại phải băng rừng mà đi. Phần lớn các bà đều không “nhịn” được nên khi các ông đang băng rừng thì có tiếng trẻ con khóc oe oe. Thế là thay vì xuống trạm y tế, những đứa trẻ trên được cắn rốn bằng thanh nứa ven đường rồi đưa về nhà. Những đứa trẻ sinh ra trên võng ở đây nhiều đến mức mà theo chú Hoa thì cứ mười đứa thì có chín đứa được sinh ra trên võng. Để nhớ hết thì ông bảo cần phải lập danh sách chứ kể miệng thì không xuể. Thậm chí, trong thôn có rất nhiều nhà, cả mấy đứa đều đẻ trên võng, thậm chí có nhà cả mẹ cả con được sinh ra trên võng như nhà cô Hạnh ở cuối thôn khi cả ba mẹ con đều đẻ trên võng.
Một người học, hai người đến lớp
Những đứa trẻ ở đây, dù được sinh ra trên võng, hay trong trung tâm y tế thì đều phải vượt qua những nỗi khó khăn chung khi đến lớp, theo đuổi “đam mê” với khoa học. Để có thể đến lớp chúng không chỉ vượt qua sự ám ảnh của cái nghèo với mảnh đất này từng ngày. Trong thôn có chưa đầy bảy mươi hộ dân thì theo chú Hoa có đến 31 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, khiến các em có thể phải nghỉ học bất cứ lúc nào để ở nhà phụ giúp bố mẹ.
Hàng ngày những đứa trẻ ở đây từ những đứa mới chập chững vào lớp một phải “lóc cóc” dậy tự 4 giờ sáng để chuẩn bị sách vở cho buổi học ngày hôm đó. Từ khi trời còn chưa tờ mờ sáng, chúng đã cùng cha mẹ đi bộ vượt qua quãng đường, đất đá gập gềnh sỏi đá ấy ra Heo Gió nơi có những chiếc xe máy đang chờ sẵn để chở chúng đến điểm trường chính của xã cách đó gần 3km. Lớn hơn một chút, chúng được gửi ở nhà người quen, thuê trọ khi theo học cấp ba ở thị trấn Tiên Kỳ, cách nhà hơn 15km.
Đấy là những ngày nắng, những ngày mưa, cái khổ nó còn nhân lên gấp bội. Nhất là ở cái xứ “rừng rú” này, những cơn mưa núi kéo dài triền miên từ ngày này qua tháng khác tưởng chừng như không có điểm dừng. Tháng mười hàng năm, khi bắt đầu mùa mưa cũng là lúc các gia đình có con nhỏ đang theo học các lớp bậc tiểu học ở Cẩm Đông phải cắt cử người để đưa con đến lớp. Không chỉ phải dậy từ bốn giờ sáng để lội bộ gần ba km cho kịp giờ đến lớp. Sau khi đưa con vào lớp, mọi người ở đây đứng chờ con luôn ở gần đó hay qua nhà người quen, chờ đến giờ con tan lớp thì đón về, vì nếu quay trở về nhà thì không kịp giờ quay ra trường đón con vì công nội bộ quay về nhà đã mất cả buổi rồi.
Hành trang đến lớp của những em nhỏ ở đây không chỉ có có sách vở mà còn mang theo cả cà men cơm được bố mẹ chuẩn bị cho bữa trưa của các em những hôm phải học cả ngày. Nhà nghèo, bữa cơm của các em chỉ là một hai con cá khô, bữa thì một hai miếng đậu, lác đác miếng trứng giúp các em vừa no bụng, đấy còn chưa kể những ngày giáp hạt cơm còn độn khoai sắn. Những bưa cơm ấy vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh giúp bố mẹ các em an tâm để con mình đến lớp. Dù hành trình đến lớp còn khó khăn thế, chứ khó nữa chứ chúng tôi biết họ sẽ không để cho con cái phải thất học, khi chỉ tính trong cái xóm nghèo ấy năm nay có chín đứa trẻ đang ngồi trên giảng đường danh tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc.