
Tác giả bên Hồ núi Cốc
Từ thành phố Thái Nguyên đi về hướng Tây Nam khoảng gần 20 km, theo những cung đường uốn lượn như những dải lụa mềm mại ôm lấy những vạt đồi phủ cây xanh thẳm hay những nương chè mơn mởn chồi biếc nhấp nhô trên từng tầng bậc cầu thang vươn theo những triền đồi, chúng tôi đến với Tân Cương, thủ phủ của xứ chè Thái Nguyên và cũng là đến với vùng đất của những sắc màu huyền thoại giữa mênh mông sóng nước nơi ngút ngàn núi rừng Việt Bắc.
Thật tuyệt diệu, nằm trên độ cao hơn 1000 m so với mực nước biển, những nương chè xanh ngát mỡ màng cùng với những cảnh sắc phiêu bồng của hồ trên núi hiện lên trong dáng chiều lung linh như thể đốn tim mọi người, nhất là những tay mê ảnh. Giữa bốn bề núi dựng, mây trời non nước, bóng cây bóng hoa cùng hoà vào các đảo lớn đảo nhỏ trập trùng nối dài tạo thành một bức tranh sơn thuỷ đầy nguyên sơ vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, mơ màng, quyến rũ.
Tân Cương, đệ nhất danh trà
Khoảng 100 năm trước, ngay từ thủa lập làng, khi ấy Tân Cương còn là nơi rừng rú rậm rạp hoang vu với những tiếng gầm rú của muông thú, cụ nghè Tuân (Án sát tỉnh Thái Nguyên) về cắm hướng đình cho dân và sau đó có tặng bức hoành phi mang ba chữ “Đại Thắng Lợi” cùng đôi câu đối “Thái Nguyên giàu đẹp muôn muôn thủa/ Tân Cương cường thịnh vạn vạn niên”. Những chữ nghĩa ấy sau này đã ứng với vùng đất này đúng như lòng mong mỏi của người khai sinh ra nó. Chỉ hơn chục năm sau và đến bây giờ, đất ấy đã nổi tiếng trong và ngoài nước với thương hiệu “đệ nhất danh trà”. Đúng, cây chè đã làm cho vùng đất Tân Cương vang bóng và trù phú. Đi khắp mọi nơi trên vùng đất Tân Cương, đâu đâu ta cũng chỉ thấy có cây chè. Chè và chè. Những nương chè nối tiếp nhau kéo dài trên mênh mông triền đồi nhấp nhô như bát úp. Cứ thế, cái màu xanh muớt mát của những hàng chè thoai thoải như thể trải ra vô tận trong không gian. Và cái màu xanh ấy cũng chính là thứ đặc sản có một không hai của đất Thái.
Xưa nay, trong dân gian người ta thường truyền nhau câu nói “Chè Thái gái Tuyên”. Có nghĩa là chè ở Thái Nguyên là ngon nhất (chè Thái ở đây là chè Tân Cương) và con gái ở Tuyên Quang là đẹp nhất. Con gái Tuyên Quang đẹp thì đã rõ. Trong các cuộc thi người đẹp các thiếu nữ Tuyên Quang đã giành được rất nhiều vương niệm. Lý giải về điều này, ngoài các yếu tố về khí hậu và địa lý, người ta còn bảo Tuyên Quang là thành trì của nhà Mạc. Vua Mạc đã từng tuyển rất nhiều cung tần mỹ nữ về đây. Sau này vương triều nhà Mạc sụp đổ nhưng hậu nhân của họ vẫn sinh sống ở đây nên đã sinh ra nhiều người đẹp. Vậy thì còn chè Thái thì sao?
Phải nói ngay rằng, Tân Cương không phải là đất tổ của cây chè. Lịch sử cây chè ở Tân Cương mới có trong khoảng gần 100 năm. Điều kỳ lạ là nguồn gốc cây chè này lại từ Phú Thọ nhưng chè Phú Thọ thì không thành danh bằng chè Tân Cương. Vào khoảng những năm 20 của thế kỉ trước, ông đội Năm là tiên chỉ của làng Tân Cương (nay được suy tôn là ông tổ chè ở Tân Cương) theo ý cụ nghè Tuân đã dẫn người sang Phú Thọ xin giống chè về trồng. Kể từ đây cây chè Phú Thọ đã được phát triển và thành danh trên đất Thái. Và muốn biết chè Thái ngon như thế nào thì phải thưởng thức. Đúng là chè Thái ngon thực. Nó không giống với các loại chè nơi khác. Trà ấy có đủ thanh, sắc, hương vị và thần thái. Mở gói chè cho vào ấm ta thấy những móc câu màu đen nhưng nhìn nghiêng thì lại thấy màu xanh ấy là sắc. Rót nước chè ra chén ta thấy nước sánh, có màu trong xanh, vàng nhạt như màu mật ong, ấy là thanh. Nâng chén trà uống vào miệng ta thấy đậm đà, chát ngọt nhưng dễ dịu, gần như không đắng và vị ngọt ấy đượm mãi không tan, ấy là vị. Nước chè còn toả mùi thơm mát (không ướp hương liệu) ấy là hương. Uống xong chén trà người uống thấy tinh thần được thư giãn, nhẹ nhàng, sảng khoái, tỉnh táo, thăng hoa ấy là thần.
Sao chè Thái lại ngon vậy? Kể về điều này, ngoài thổ nhưỡng và các bí quyết công nghệ sao và lên hương của người Tân Cương còn phải kể đến những yếu tố về thiên thời địa lợi. Người ta bảo vùng chè Tân Cương nằm trên độ cao hơn 1000 m, nhiệt độ hàng năm trung bình từ 22 độ đến 23 độ, lượng mưa bình quân từ 2000 mm đến 2500 mm mỗi năm, lại được dãy núi Tam Đảo che chắn ở phía Tây giống như một màng lọc tự nhiên của hệ sinh thái che chắn ánh sáng tán xạ nên đã tạo cho đất này một vật ẩm quí giá: Trà Tân Cương. Xưa trà Tân Cương thường được dùng để tiến vua và cũng đã từng đạt danh hiệu “đệ nhất danh tra”, nức tiếng trong hội thi đấu xảo ở Hà Nội năm 1935. Kể từ đó đến nay, chè Tân Cương giữ nguyên thương hiệu và nổi tiếng thiên hạ, được mọi người ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước biết đến.

Du khách hái chè
Hồ trên núi, những sắc màu huyền thoại
Hồ núi Cốc là hồ trên núi. Hồ ấy thực chất là một hồ nhân tạo. Nó vốn là một trường đoạn của sông Công, một trong những chi lưu của sông Cầu chảy vòng quanh núi Cốc nằm trên địa phận huyện Đại Từ. Công trình nhân tạo ấy được khởi làm từ năm 1972 và cơ bản hoàn thành sau 2 năm, hoàn thiện vào năm 1982 với một đập chính và 7 đập phụ, đập chính có cao trình 27 m, dài 480 m với tổng diện tích mặt hồ lên tới 25 km2. Và trên cái hồ nước mênh mông như biển ấy có 89 hòn đảo xanh rợp bóng cây chạy đuổi theo nhau suốt 17 km để cùng tô điểm, thêu dệt nên những sắc màu huyền thoại và góp thêm chất thơ cho mặt nước bao la đang xôn xao sóng gợn. Đây quả đúng là một công trình huyền thoại của sức trẻ dời non lấp bể ở thế kỉ XX
Thổi hồn vào hồ nước ấy phải kể đến huyền thoại “Núi Cốc sông Công” đầy bi thương của một đôi trai gái “tha thiết yêu nhau vẫn không thành duyên” để rồi “mối tình thương đau hoá sông hoá núi”. Huyền thoại kể rằng: Dưới chân dãy núi Tam Đảo có một chàng trai nghèo tên là Cốc. Chàng có tài thổi sáo. Vào một năm trời làm hạn hán, chàng Cốc tìm đến nhà quan lang vùng núi Ba Lá xin làm thuê. Quan lang giao cho chàng việc chăn đàn trâu ở tít mãi trong rừng. Chàng Cốc mải mê làm việc và sống thui thủi một mình nơi rừng sâu, núi thẳm. Những lúc nhớ nhà, chàng thường đem sáo ra thổi. Tiếng sáo tha hương, cô đơn lại càng da diết. Tiếng sáo ấy lọt vào tai nàng Công, con gái yêu của quan lang đã khiến nàng xúc động. Theo tiếng sáo nàng Công đã tìm đến với chàng Cốc. Và hai người đã yêu nhau tha thiết. Chuyện tình này đã đến tai quan lang. Quan lang bèn tìm cách hại chết chàng Cốc. Quan lang đã ra lệnh cho chàng Cốc vào khu rừng có nhiều thú dữ để tìm ngà voi và sừng tê, quan lang hy vọng đàn thú dữ sẽ xé xác chàng Cốc. Chàng trai đã đi vào khu rừng, trái với ý định của quan lang, tiếng sáo của Cốc lại làm bầy thú say mê. Khi nghe tiếng sáo của chàng không một con thú nào nghĩ đến chuyện ăn thịt chàng cả. Quan lang lại tức giận hạ lệnh đốt rừng cho chàng Cốc chết cháy. Kì lạ thay, khi ngọn lửa đang bốc lên thì một cơn mưa lớn trút xuống dập tắt lửa trong khu rừng.
Trong cơn mưa gió ấy chàng Cốc đã chạy thoát về túp lều của mình. Chàng lại lấy sáo ra thổi. Tiếng sáo bay vút lên cao và lan ra mãi xa. Lại lần theo tiếng sáo, nàng Công tìm đến bên chàng. Và cả hai đã lén dắt ngựa bỏ trốn về vùng quê Ba Lá. Biết chuyện, quan lang rất bực tức. Quan lang ra lệnh cho lũ tôi tớ đuổi theo và phải bắt bằng được đôi trai gái đem về trừng trị. Bị truy đuổi gấp, biết không thể cùng nhau trốn thoát, nàng Công trao ngựa cho chàng Cốc chạy trốn còn mình chịu bị bắt về giam trong hang đá. Trong hang sâu nàng than khóc ngày đêm, nước mắt của nàng tạo thành dòng chảy và chảy mãi cho đến một ngày kiệt sức. Nàng hoá thân vào trong dòng nước và chảy đến quê chàng Cốc. Chàng Cốc đau đớn khôn cùng, than khóc đêm ngày. Và đến một ngày kia chàng cũng đã gục xuống bên bờ sông nước mắt của nàng Công mà hóa thành núi. Và cũng kể tù đó vùng đất Thái Nguyên có núi Cốc sông Công.
Câu chuyện tình bi thương kia là một mã hoá để giải thích một vùng đất với những đặc điểm của cảnh vật núi sông. Sự lý giải này ta cũng thường gặp ở rất nhiều nơi trên đất Việt. Có điều, chẳng hiểu sao những nơi non xanh nước biếc của đất Việt này đều được khoác lên mình bằng những câu chuyện tình đầy bi ai đến thế. Nào là hòn vọng phu ở Thanh Hoá (núi Nhồi), hòn vọng phu của người Thái ở Nghệ An, hòn vọng phu ở Khánh Hoà; nào là hòn Trống Mái ở Sầm Sơn; nào là đá Bà Rầu ở Quảng Nam... Phải chăng đất nước ta chìm trong đêm trường phong kiến với những luật lệ hà khắc cấm kị trong hôn nhân cùng với chiến tranh liên miên mà đã có biết bao lứa đôi, biết bao gia đình phải hoá đá hoá sông như vậy?
Phải nói rằng, có đến hồ núi Cốc ta mới thấy được thế nào là một vịnh Hạ Long trên cạn. Mây tiếp mây bồng bềnh trên những tầng cao, núi tiếp núi trải dài xanh biếc, mặt nước bao la xanh thẳm xôn xao sóng gợn xô đẩy mạn thuyền. Đi theo con tàu lướt sóng trên mặt nước mênh mông, xanh biếc đêm ngày in vời bóng núi và trời mây phiêu lãng hay dừng chân thăm thú trên những hòn đảo giữa lòng hồ ta sẽ được mặc sức hít thở cái bầu không khí trong lành thoáng đãng mát mẻ. Và đôi khi trên những đồi đất ấy, sau mỗi trận mưa, đi vào những vườn cây rậm rạp hay những nương chè ta còn cảm nhận được cả cái mùi âm ẩm, ngai ngái của đất trời đang bốc lên hoà trong cái hương thơm thanh khiết của núi rừng đang phảng phất vị chè xanh ngát. Đó là tất cả những thanh âm, sắc màu, hương vị ban sơ giữa bao la hùng vĩ và tinh khôi của núi rừng Việt Bắc mà ta sẽ chẳng thể nào thấy được ở những nơi phố xá nhộn nhịp hay thị thành phồn hoa.
Tạm biệt xứ chè. Tạm biệt với núi sông lung linh huyền thoại. Tạm biệt những sắc xanh của cây, trời, non, nước ... trong chiều vương mây trắng mà lòng người không khỏi khắc khoải trầm tư theo câu hát: “Bồng bềnh hư ư bồng bềnh, chòng trành hư ư chòng trành/ Một vùng núi cao nước sâu, thuyền trôi, thuyền trôi/ Mái chèo bâng khuâng, dưới chân Tam Đảo ừ ư ư ừ/ Ơ hò ơ ơ hớ ơi núi cao, Ơ hờ ớ ơ hớ ơi suối sâu/ Nắng lên xanh màu xanh huyền thoại/ Nghe câu chuyện xưa của đôi trai gái/ Tha thiết yêu nhau vẫn không thành duyên/ Ngày tháng dài nhớ mong khôn cùng/ Một người đau nước mắt thành sông/ Một người chờ chờ hoá núi/ Ơi chàng trai ơi ngọn núi biếc/ Ơi cô gái ơi dòng sông sâu/ Mối tình thương đau hoá sông hóa núi/ Dằng dặc một khúc ca giữa bao la mây trời”. Câu hát làm say lòng người và như một hẹn mời tìm về với đất Thái huyền thoại trong một câu chuyện tình bi thương nhưng thủy chung, lãng mạn.
Phan Anh